Lo ngay ngáy tên lửa Triều Tiên, công nghiệp vũ khí HQ đã phát triển thần tốc như thế nào?

Tất Đạt |

Theo một nghiên cứu mới công bố, giá trị lượng vũ khí xuất khẩu của Hàn Quốc đã tăng 10 lần từ 253 triệu USD lên 2,5 tỉ USD trong khoảng thời gian từ năm 2006 tới năm 2016.

Mức tăng trưởng vượt bậc 

Các chuyên gia nhận định, do thường xuyên phải đối mặt với nỗi lo ngại tên lửa và hạt nhân từ quốc gia láng giềng Triều Tiên, Seoul buộc phải tăng cường đầu tư vào sản xuất vũ khí. Tới thời điểm hiện tại, nước này cũng đang cố gắng trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn của thế giới.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), nền công nghiệp vũ khí của Hàn Quốc năm 2016 chiếm 2,2% tổng doanh thu của 100 nhà sản xuất quân sự hàng đầu thế giới.

Tổng cộng, các công ty vũ khí Hàn Quốc bán được khoảng 8,4 tỉ USD trong năm 2016, tăng 20,6% so với năm 2015.

Chuyên gia cấp cao Pieter Wezeman tại viện SIPRI đánh giá: "Việc các chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên ngày càng hoàn thiện đã buộc Hàn Quốc phải đầu tư ‘nghiêm túc’ cho lĩnh vực quốc phòng".

Lo ngay ngáy tên lửa Triều Tiên, công nghiệp vũ khí HQ đã phát triển thần tốc như thế nào? - Ảnh 1.

Lễ diễu binh của quân đội Hàn Quốc. Ảnh: Armed Forces

Nhằm đáp trả lại những cáo buộc và cấm vận liên tiếp từ cộng đồng quốc tế, gần đây, Bình Nhưỡng đã phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), đạt tới độ cao 4.475km trước khi rơi xuống vùng biển cách địa điểm phóng 950km về phía đông.

Các cơ quan Triều Tiên khẳng định nước này cần vũ khí hạt nhân để bảo vệ chủ quyền khỏi các lực lượng quân đội "hung hăng" của Mỹ. Bình Nhưỡng cũng thề sẽ tiếp tục phát triển chương trình tên lửa và hạt nhân để đáp lại những cấm vận "quỷ quái" từ Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc.

Nhà xuất khẩu vũ khí tiềm năng

Từng là một quốc gia nông nghiệp bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, Hàn Quốc đã trở thành một trong những quốc gia nhập khẩu vũ khí và công nghệ quốc phòng lớn nhất thế giới. Nhưng trong những năm gần đây, năng lực sản xuất nội địa của nước này đã tăng trưởng đáng kể.

Theo số liệu năm 2016 của SIPRI, tỉ lệ chi tiêu dành cho quốc phòng của Seoul nằm trong top đầu trên thế giới, bên cạnh những quốc gia khác ở Trung Đông và châu Phi cũng đang trong tình cảnh chiến tranh.

Hàn Quốc đang "tự dựa vào nền công nghiệp vũ khí của mình" và "hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới," chuyên gia cấp cao Siemon Wezeman tại viện SIPRI cho biết.

Ông Wezeman cũng nhận định thêm, vì đã trải qua thời kì phát triển công nghiệp diện rộng, Hàn Quốc hiện "đang tăng cường sử dụng vũ khí và công nghệ có thể sánh ngang với châu Âu và Mỹ".

Quốc gia này cũng nằm trong số những nước sản xuất vũ khí mới nổi, trong đó có Brazil, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tên lửa, lựu pháo, tàu ngầm và máy bay chiến đấu của Hàn Quốc rất phổ biến ở vùng Đông Nam Á, Đông Âu và Nam Mỹ.

Lễ diễu binh của binh đoàn xe tăng Hàn Quốc. Nguồn: WarLeaks

Bảy cơ sở sản xuất vũ khí Hàn Quốc cũng lọt danh sách xếp hạng 100 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới của SIPRI.

Trong số đó, sau khi hợp tác sản xuất với Mỹ để và cho ra đời máy bay huấn luyện T-50 Golden Eagle, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Hàn Quốc (KAI) đã đứng ở vị trí thứ 48, cao nhất trong số các đại diện từ Hàn Quốc.

Trong khi đó, chỉ riêng các nhà sản xuất Mỹ đã chiếm tới 57,9% tổng giá trị xuất khẩu vũ khí, theo sau là Anh (9,6%), Nga (7,1%) và Pháp (5%).

Theo SIPRI, mức tăng trưởng trong khối lượng giao dịch vũ khí được thúc đẩy bởi "những chiến dịch quân sự tiếp tục diễn ra ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ bị tranh chấp hoặc gặp các vấn đề mâu thuẫn, căng thẳng lớn trong khu vực."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại