Thông tin trên nằm trong tài liệu nội bộ thuộc một công ty viễn thông lớn của Trung Quốc bị rò rỉ. Theo tài liệu từ China Mobile, 3 ngôi làng ở huyện Trường Bạch và 2 thành phố Đồ Môn và Hồn Xuân ở tỉnh Cát Lâm được chỉ định xây trại tị nạn. Tài liệu trên đã xuất hiện trên mạng xã hội Weibo hồi tuần trước.
Khu trại này như một sự thừa nhận ngầm của Trung Quốc về bất ổn ở Triều Tiên đang gia tăng và những người tị nạn có thể di chuyển đến khu vực sông Đồ Môn, con sông chia cách hai nước.
Trong nhiều thập kỷ qua, chính sách của Trung Quốc về Triều Tiên tập trung vào việc duy trì sự ổn định ở nước láng giềng này.
Ông Lu Kang, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hôm 11-12 cho hay ông không biết đến kế hoạch về các trại tị nạn nhưng không phủ nhận sự tồn tại của chúng. Ông Lu nói: "Tôi chưa từng nhìn thấy những tài liệu đó". Trong khi đó, các quan chức huyện Trường Bạch và giám đốc điều hành của China Mobile ở Trường Bạch vẫn chưa lên tiếng về thông tin này.
Theo tài liệu nói trên, một quản lý của công ty đã kiểm tra 5 khu vực hôm 2-12 theo yêu cầu của chính quyền huyện Trường Bạch. Công ty viễn thông được yêu cầu phải đảm bảo dịch vụ internet ở những khu vực được sử dụng xây trại tị nạn.
Trong 20 năm qua, Đồ Môn và Hồn Xuân đã tiếp nhận những người đào tẩu từ Triều Tiên. Nhiều người trong số họ đi đến Đông Nam Á và cuối cùng đến Hàn Quốc. Tỉnh Cát Lâm cách khu vực bãi thử hạt nhân của Triều Tiên Punggye-ri khoảng 96 km.
Trước những căng thẳng gia tăng, một trong những chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc về Triều Tiên gọi việc xây dựng các trại tị nạn là "hoàn toàn hợp lý". Ông Zhang Liangui, giáo sư nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho biết: "Nhiều khả năng xảy ra một cuộc xung đột giữa Triều Tiên và Mỹ. Điều Trung Quốc phải làm là chuẩn bị cho bất kỳ tình huống nào xảy ra trên bán đảo Triều Tiên".