Khi Triều Tiên thử quả bom hạt nhân rung trời lở đất 250 kiloton vào 3/9 khiến cả thế giới bàng hoàng, chỉ duy nhất một người đàn ông không hề ngạc nhiên.
Cách Bình Nhưỡng 9.650 km, tại Colorado (Mỹ), Joseph S. Bermudez Jr. đã có 4 năm kinh nghiệm theo dõi bãi thử hạt nhân của Triều Tiên dựa trên bóng hình các thiết bị hiển thị trên hình ảnh vệ tinh chất lượng cao.
Những sự thay đổi nhỏ về chuyển động của các phương tiện, thiết bị và con người trên ngọn núi cấm đều có ý nghĩa nhất định.
Từ tháng 2, Bermudez và các đồng nghiệp đã phát hiện có hoạt động tại một trong ba đường hầm chính dẫn tới khu boongke thử bom hạt nhân dưới đất của Triều Tiên.
“Chúng tôi từ đầu năm đã biết họ sẽ thử hạt nhân”, Bermudez viết trong bản đánh giá cho trang mạng 30 North thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế John Hopkins, “và khi ngày đó đến, phản ứng của tôi là ‘ồ, cuối cùng họ đã thử’.”
Vụ nổ - được đánh giá là mạnh nhất tính đến thời điểm này – là một bước đi khác trong nỗ lực đạt tới khả năng đánh trúng lục địa Mỹ với một đầu đạn hạt nhân.
Bên cạnh chương trình nguyên tử, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng đã thử một loạt các tên lửa đạn đạo, với mỗi lần lại cao hơn, xa hơn.
Bermudez là một trong nhiều nhà phân tích tại Mỹ và châu Á đang theo dõi nghiêm ngặt bãi thử hạt nhân của nhà lãnh đạo Kim.
Trong bối cảnh tình hình có thể thay đổi bất kỳ lúc nào, những đánh giá hàng ngày của Bermudez và các chuyên gia có thể giúp trấn an trước những lo ngại hoặc kiểm tra những mối đe dọa do chương trình tuyên truyền của Triều Tiên tạo ra.
“Chúng tôi nhận ra thông thường trước mỗi lần thử, Triều Tiên triển khai công tác đào thêm hầm. Họ chuyển các thiết bị và bạn thấy thêm nhiều người di chuyển xung quanh”.
Địa điểm mà các nhà phân tích lựa chọn để theo dõi là bãi thử Punggye-ri nằm trên một ngọn núi phía đông bắc Bình Nhưỡng.
Bãi thử này đã thực nghiệm được 6 lần thử hạt nhân. Chính không gian rộng lớn và tầng đá gốc granite tại đây là nơi lý tưởng để triển khai các vụ nổ lớn.
Sau một thời gian diễn ra các hoạt động đào hầm, di chuyển trang thiết bị, là đến khoảng thời gian bãi thử trở nên “sạch sẽ hơn”. Lúc này các phương tiện, binh sĩ và công nhân sẽ rời khỏi các khu đường hầm.
Jack Liu – một chuyên gia kỹ thuật quốc phòng của 38 North nhận xét: “Đây thường là tín hiệu ám chỉ mọi việc đã xong xuôi, họ đã sẵn sàng cho một thứ gì đó và chỉ đợi mà thôi”.
Đối với giới quan sát làm nhiệm vụ theo dõi Triều Tiên, chất lượng hình ảnh của các bức ảnh vệ tinh là điều cực kỳ quan trọng.
Độ phân giải cao nhất về các bức hình vệ tinh có được hiện này là 30 cm/pixel, đủ để phân biệt rõ đâu là tòa nhà, đường sá, trang thiết bị quân sự và thậm chí là màu xe. Tuy nhiên, nó không đủ chi tiết để nhìn thấy mặt người.
Các hình ảnh thường được mua từ những công ty như DigitalGlobe của Mỹ hay Airbus Defence and Space của Pháp. Những công ty này đảm nhiệm việc chụp ảnh vệ tinh trên mỗi cm Trái Đất nhiều lần mỗi ngày để phục vụ cho các hoạt động như vẽ bản đồ, theo dõi thảm họa thiên nhiên hay an ninh quốc gia.
Những hình ảnh đó cũng thường rất lớn và chứa các dữ liệu như nhiệt độ, địa hình, hệ thống tọa độ. Những dữ liệu này có dung lượng khá lớn, phải mất hàng giờ để tải về và cần một phần mềm đặc biệt để xử lý.
Bên cạnh đó, một số vệ tinh có gắn thêm bộ phận cảm ứng đặc biệt sẽ giúp các nhóm nghiên cứu dựng hình ảnh 3D về bãi thử Punggye-ri.
Không chỉ theo dõi bãi thử, giới quan sát cũng cần phải dựa vào nhiều năm tìm hiểu văn hóa, các bản nghiên cứu khoa học và cơ chế tuyên truyền của Triều Tiên để xem xét động tĩnh từ quốc gia này.
Sự thay đổi về số lượng binh lính, các trang thiết bị, phương tiện gần các đường hầm là tín hiệu cho thấy Triều Tiên sắp thử hạt nhân.
Hơn thế nữa, Bình Nhưỡng cũng đã đạt được những tiến bộ trong việc che giấu công tác chuẩn bị, sử dụng vật ngụy trang và đào hầm trong đêm. Mây và mưa lớn cũng có thể che khuất tầm nhìn của vệ tinh. “Khi bạn nhìn thấy một điều gì đó, bạn cũng phải tự hỏi tại sao lại nhìn thấy nó. Có phải họ cố tình cho chúng ta thấy để đe dọa mà không cần nói ra”, chủ biên Town nhận xét.Tuy nhiên, theo Jenny Town – chủ bút của 38 North, không thể phán đoán chính xác thời điểm Triều Tiên thử hạt nhân. “Nó không phải là một môn khoa học chính xác. Nếu chúng ta thấy một đốm nhỏ trên đường ray, chúng ta có thể nghĩ rằng đó là một xe đẩy trên đường ray. Tuy nhiên, chúng ta không thể khẳng định chắc chắn đó là một chiếc xe đẩy”.
Dựa trên quả tên lửa đạn đạo Triều Tiên phóng hôm 29/11, Jeffrey Lewis – Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury tại Monterey, California cho rằng đã quá muộn để ngăn chặn chương trình hạt nhân. “Thời gian để ngăn chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên phải là 10-15 năm trước. Họ sắp sở hữu vũ khí nhiệt hạch được gắn vào một ICBM có khả năng vươn xa tới Mỹ”.