Cách tiếp cận “có cương có nhu” của Hàn Quốc với vấn đề Triều Tiên

Hồng Anh |

Hàn Quốc đang theo đuổi cách tiếp cận hai chiều gồm thúc đẩy đối thoại và gia tăng sức ép để giải quyết cuộc khủng hoảng với Triều Tiên.

Song song với các cuộc tập trận chung với Mỹ và Nhật Bản về theo dõi phát hiện tên lửa, động thái được nhìn nhận là cảnh báo Triều Tiên về các vụ thử tên lửa và hạt nhân mới đây, chính phủ Hàn Quốc ngày 11/12 khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng các kênh liên lạc với Triều Tiên để truyền đạt tiếng nói thống nhất của cộng đồng quốc tế kêu gọi phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Diễn biến nêu trên cho thấy chính sách nhất quán của Hàn Quốc về vấn đề Triều Tiên đó là theo đuổi cách tiếp cận hai chiều gồm thúc đẩy đối thoại và gia tăng sức ép để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Phát biểu tại diễn đàn quốc tế về "Bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân" do Viện Đối ngoại và An ninh quốc gia (IFANS) của Hàn Quốc tổ chức, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha hôm nay (11/12) cho rằng tầm nhìn chính sách của Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in là tăng cường tiếp xúc với Triều Tiên.

Theo bà Kang, cần theo đuổi mở các kênh liên lạc hiệu quả, quan trọng là thu xếp các cuộc đoàn tụ các gia đình ly tán trong chiến tranh Triều Tiên cũng như một đường dây nóng giữa giới chức quân đội hai miền. Bà Kang Kyung-wha nhấn mạnh, chính phủ nước này có kế hoạch bắt đầu tiếp xúc với Triều Tiên nhằm đạt các mục tiêu đặc biệt nêu trên trong tiến trình tìm kiếm "một mối quan hệ liên Triều có ý nghĩa hơn".

Dù khẳng định cần phải theo đuổi biện pháp ngoại giao và tăng cường tiếp xúc, song Ngoại trưởng Kang Kyung-wha cũng phải thừa nhận vấn đề phát triển hạt nhân của Triều Tiên đang bước vào "một giai đoạn mới" sau khi nước này phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa ngày 29/11 vừa qua.

Bà Kang khẳng định chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên "hiện đã trở thành một mối đe dọa trực tiếp đối với toàn thế giới, không chỉ giới hạn ở Bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á", vì vậy cộng đồng quốc tế cần tăng cường các nỗ lực ngoại giao để đưa Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán bằng cách đoàn kết chặt chẽ hơn và gia tăng sức ép.

Tuyên bố của người đứng đầu ngành ngoại giao Hàn Quốc đã giúp củng cố chính sách tiếp cận "có cương có nhu" của chính phủ Hàn quốc trong vấn đề Triều Tiên. Một mặt, chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in cố gắng hồi sinh Chính sách Ánh Dương của cố Tổng thống Roh Moo-hyun, theo đó chủ trương theo đuổi đàm phán và đối thoại với chính quyền của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Mặt khác Hàn Quốc vẫn luôn tỏ ra cứng rắn khi cần thiết, đặc biệt là khi Triều Tiên liên tục có những vụ phóng thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân, bất chấp những răn đe từ phía Mỹ và các đồng minh.

Để thị uy sức mạnh quân sự trước Triều Tiên, quân đội Hàn Quốc hôm nay đã tiến hành cuộc tập trận chung về theo dõi phát hiện tên lửa với đồng minh Mỹ và Nhật Bản, kéo dài trong 2 ngày tại vùng biển gần Bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản. Trong một động thái nhằm gia tăng sức ép đối với Triều Tiên, chính phủ Hàn Quốc cùng ngày tuyên bố sẽ nối dài danh sách các tổ chức, cá nhân Triều Tiên bị áp đặt lệnh trừng phạt đơn phương.

Người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Baik Tae-hyun cho biết: "Chính phủ đã đưa thêm 20 tổ chức và 12 cá nhân của Triều Tiên vào danh sách bị trừng phạt nhằm tiếp tục siết chặt nguồn tài trợ tài chính cho phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên".

Danh sách đen này bao gồm các ngân hàng và công ty thương mại, những quan chức Triều Tiên làm việc với ngân hàng của Hàn Quốc và với các công ty có trụ sở ở Trung Quốc, Nga và Namibia. Theo Bộ Tài chính Hàn Quốc, biện pháp trừng phạt đơn phương này sẽ ngăn chặn các khoản tiền bất hợp pháp vào Triều Tiên, góp phần củng cố các chế tài của cộng đồng quốc tế với Triều Tiên.

Trong một diễn biến liên quan, Phủ Tổng thống Hàn Quốc thông báo, Tổng thống Moon Jae-in sẽ thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 4 ngày tới Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 13/12 để hội đàm với Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình về cách thức phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và các vấn đề hai bên cùng quan tâm./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại