Với hợp đồng chuyển giao này, Algeria trở thành quốc gia nước ngoài thứ hai trang bị các hệ thống Iskander-E sau Armenia.
Ngay từ năm 2013, Nga và Algeria đã thảo luận việc mua bán 4 trung đoàn tên lửa Iskander-E. Thông thường, mỗi trung đoàn như vậy sẽ có khoảng 30 xe các loại, gồm: xe phóng, xe chở đạn, xe cẩu đạn cùng với các xe chỉ huy và bảo trì.
Hệ thống Iskander-E của Quân đội Armenia
Iskander (NATO định danh: SS-26 Stone) là hệ thống tên lửa chiến thuật tầm ngắn của Nga, được phát triển thay thế cho tổ hợp Oka SS-23 Spider bị loại bỏ theo Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Hạt nhân Tầm trung (INF). Iskander do Cục Thiết kế Kỹ thuật Kolomna nghiên cứu và phát triển từ những năm 1990 dưới tên gọi Dự án "Tender".
Hệ thống tên lửa Iskander được thiết kế để tiêu diệt các loại vũ khí của đối phương, các trung tâm chỉ huy, thông tin liên lạc, các loại máy bay chiến thuật đậu trên đường băng, các trận địa tên lửa phòng không cùng nhiều mục tiêu quan trọng khác nằm sâu trong lãnh thổ đối phương.
Tất cả các xe trong hệ thống Iskander đều là xe bánh lốp giúp chúng có độ cơ động rất cao. Loại tên lửa 1 tầng này sử dụng nhiên liệu rắn và được dẫn đường trong toàn bộ quỹ đạo bay.
Iskander được trang bị đầu đạn nặng 480 kg với một hệ thống dẫn đường quán tính (INS) độc lập và một đầu dò quang tuyến. Đầu đạn có thể chứa bom chùm, đạn nổ phá mảnh hoặc xuyên giáp.
Iskander được đánh giá cao chính bởi tốc độ của nó: lên đến Mach 6 (gấp 6 lần vận tốc âm thanh). Phó Giám đốc phụ trách thiết kế kỹ thuật của Iskander-M, ông Valery Drobinogi cho biết, so với các hệ thống tiền nhiệm, dòng tên lửa này được dẫn được xuyên suốt quỹ đạo bay.
Một bí quyết khác là tiết diện phản xạ radar của tên lửa ở mức rất nhỏ cùng với khả năng cơ động cao giúp nó tránh được các hệ thống phòng không của đối phương.
Video giới thiệu hệ thống tên lửa Iskander-M của Nga