Ngày 3/9/2017, Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ sáu và cũng là vụ thử mạnh nhất từ trước tới nay. Theo Bình Nhưỡng, đó là một quả bom nhiệt hạch có thể gắn trên đầu tên lửa tầm xa.
Vụ thử của Triều Tiên được dự đoán và quan sát bởi nhiều phương tiện thu thập thông tin tình báo khác nhau, gồm cả các máy bay do thám của Mỹ từ Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi các thiết bị lấy mẫu không khí lắp trên máy bay, tàu chiến và các trạm phát hiện phóng xạ mặt đất cũng được sử dụng để tìm kiếm bất kỳ dấu vết nuclit phóng xạ nào phát tán ra sau vụ thử.
Cơ quan an toàn hạt nhân của Hàn Quốc cho biết, họ đã không phát hiện thấy bất cứ dấu vết nào của vật liệu phóng xạ, kể cả khí xenon sau vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên.
Theo hãng thông tấn Yonhap, bức xạ nền (background radiation) của Hàn Quốc hiện vẫn duy trì ở mức bình thường là 50-300 nanosieverts/giờ (sieverts là đơn vị đo lượng hấp thụ bức xạ ion hóa gây tổn hại theo Hệ Đo lường quốc tế), rõ ràng không hề ảnh hưởng bởi vụ thử hạt nhân của Triều Tiên.
Nhưng theo trang mạng Aviationist, hoạt động lấy mẫu không khí còn được thực hiện bởi ít nhất hai loại máy bay khác nữa.
Thứ nhất, đó là loại "máy bay đánh hơi hạt nhân" khá nổi tiếng WC-135 Constant Phoenix. Chiếc WC-135C 62-3582 được phát hiện khi bay qua Thái Bình Dương để triển khai tiền trạm ở Kadena, Okinawa, nơi nó đã luôn hoạt động suốt mấy tháng vừa qua.
Đây là một trong 2 chiếc WC-135 Constant Phoenix cho tới nay vẫn còn được sử dụng (trong số 10 mẫu hoạt động từ những năm 1960).
WC-135C 62-3582 được phát triển từ máy bay vận tải và hỗ trợ C-135 do Boeing chế tạo, do Phi đội Do thám số 45 từ Căn cứ không quân Offutt (Bang Nebraska, Mỹ) vận hành.
Chiếc WC-135W Constant Phoenix của Mỹ. Ảnh: The Aviationist
WC-135 được điều tới hỗ trợ trực tiếp cho Hệ thống phát hiện năng lượng hạt nhân của Mỹ - một mạng lưới các cảm biến phát hiện hạt nhân toàn cầu có chức năng giám sát các biến động trong lòng đất, dưới nước, trên vũ trụ hoặc trong khí quyển.
WC-135 được trang bị các thiết bị ngoại vi để thu thập các chất hạt trong không khí. Trong khi đó, phi hành đoàn thực hiện nhiệm vụ có khả năng phân tích các bã phóng xạ thời gian thực, qua đó giúp khẳng định sự xuất hiện của phóng xạ hạt nhân và có thể cả việc xác định được đặc tính đầu đạn.
Tuy nhiên, WC-135 của Mỹ không phải là chiếc máy bay duy nhất có nhiệm vụ thu thập mẫu không khí để kiểm nghiệm hạt phóng xạ. Nhật Bản cũng cho xuất kích các máy bay phản lực huấn luyện T-4 để thu thập mẫu.
Trên thực tế, Không quân Nhật Bản đủ khả năng sử dụng một phi đội máy bay nhỏ để thực thi nhiệm vụ. Chẳng hạn như, tháng 1/2016, một ngày sau khi Triều Tiên thử hạt nhân, Nhật Bản đã triển khai một chiếc máy bay vận tải C-130 Hercules và 4 chiếc máy bay phản lực huấn luyện T-4 để thu thập các mẫu không khí và phát hiện hạt phóng xạ.
Để thu thập các mẫu hạt trên khắp đất nước, T-4 được Nhật Bản triển khai tại nhiều căn cứ khác nhau như Misawa, Hyakuri và Tsuiki tại các địa bàn tương ứng ở Aomori (miền Bắc), Ibaraki (miền Trung) và Fukuoka (miền Nam).