Chương trình mừng Quốc khánh 4/7 mang tên “Lời chào tới nước Mỹ” của Tổng thống Donald Trump sẽ diễn ra ở khu vực Đài tưởng niệm Lincoln.
Ngoài các buổi hòa nhạc và tôn vinh văn hóa như mọi năm, Quốc khánh Mỹ năm nay sẽ có thêm màn bay lượn của các máy bay, sự xuất hiện của xe tăng và màn bắn pháo hoa để thỏa mãn người xem.
Không phận thủ đô Washington, DC cũng sẽ đóng cửa hai tiếng để phục vụ màn trình diễn máy bay. Chương trình này sẽ bao gồm bài phát biểu của Tổng thống Trump.
Điểm nhấn trong lễ Quốc khánh Mỹ năm nay chính là màn phô trương sức mạnh quân sự với sự góp mặt của hàng loạt vũ khí được đánh giá là tối tân và đắt tiền như chiến đấu cơ F-35 Joint Strike Fighter cùng đội bay trình diễn Blue Angels của hải quân Mỹ. Chi phí vận hành trong một giờ của Blue Angels là 1 0.000 USD .
Dù dàn vũ khí tối tân tham gia lễ diễu binh được xem là biểu tượng sức mạnh vô song của quân đội Mỹ. Song không ít người cho rằng, đây là minh chứng cho sự lãng phí chi tiêu quốc phòng.
Ngay cả đảng Dân chủ cũng đã lên tiếng chỉ trích về chi phí mập mờ cũng như cách tổ chức mang tính đảng phái đối với một dịp lễ mang ý nghĩa đoàn kết của nước Mỹ như ngày Quốc khánh do chính quyền của Tổng thống Trump thực hiện.
Cụ thể, theo tuyên bố của Lầu Năm Góc hôm 3/7, chính quyền Tổng thống Trump đã phát 5.000 vé tham dự buổi lễ cho các binh sĩ trong quân đội Mỹ. Washington Post dẫn nguồn thạo tin cho biết các đồng minh, nhà tài trợ và các hiệp hội doanh nghiệp đứng sau chiến dịch tái tranh cử của ông Trump từ Hiệp hội Ngân hàng Mỹ Đại sứ quán Anh, cũng nhận được vé mời.
Ngoài ra, sự kiện này có khả năng trở thành ngày Quốc khánh đắt đỏ nhất trong lịch sử Mỹ. Bởi chỉ riêng chi phí cho sự xuất hiện của Tổng thống Trump đã tiêu tốn 2,5 triệu USD . Triển lãm hàng không cùng chi phí vận chuyển xe tăng, máy móc hạng nặng cũng tốn ít nhất 1 triệu USD .
Trước đó, CNN dẫn lời giới chức quốc phòng Mỹ cho hay lễ diễu binh mừng Quốc khánh có sự tham gia của các xe tăng Abrams.
Tuy nhiên, các xe tăng Abrams chỉ trưng bày mà không diễu binh rầm rộ trên đường như ở Nga, Trung Quốc, Triều Tiên hay Pháp, điều mà Tổng thống Donald Trump mong muốn từ lâu. Nguyên nhân Mỹ không cho xe tăng Abrams lăn bánh trên đại lộ Pennsylvania là để tránh gây hư hại đường sá.
Màn trình diễn trên không có sự góp mặt của chiến đấu cơ F-18 của hải quân Mỹ, V-22 Osprey của Thủy quân lục chiến và máy bay ném bom B-2. Hồi tháng Ba, Tập đoàn Boeing đã nhận được 4 tỷ USD từ quân đội Mỹ để sản xuất thêm 78 chiếc F-18.
Ngay cả chiếc Boeing 747 chuyên chở Tổng thống cũng sẽ tham gia màn trình diễn trên không trong ngày Quốc khánh 4/7. Trong đó, chi phí vận hành của Boeing 747 sẽ tốn 205.000 USD /giờ.
Chi phí sản xuất và bảo dưỡng mỗi chiếc máy bay ném bom tàng hình B-2 của Tập đoàn Northrop Grumman có giá hàng tỷ USD. Mỗi chiếc B-2 có thể bay 6.000 hải lý liên tục mà không cần tiếp nhiên liệu và mang theo 20 tấn vũ khí.
Tập đoàn Lockheed Martin góp mặt với sự xuất hiện của các chiến đấu cơ F-35 và F-22. Trong đó, chi phí một giờ vận hành F-35 sẽ là 20.000 USD hoặc hơn. F-35 là chương trình vũ khí đắt nhất lịch sử quân sự Mỹ. Lầu Năm Góc ước tính tiêu tốn 400 tỷ USD cho mỗi chiếc F-35 .
Không quân Mỹ ban đầu có kế hoạch mua 648 chiếc F-22 với giá 133,6 triệu USD mỗi chiếc. Sau đó, kế hoạch được giảm xuống 187 chiếc với giá trung bình 350 triệu USD/chiếc.
Ước tính hàng năm Mỹ chi hơn 600 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng. Đáng nói, trong những năm gần đây, chi phí quốc phòng của Mỹ chưa có dấu hiệu dừng tăng thêm.