Hàng thập kỷ nay, các quốc gia vẫn nghĩ về bộ ba răn đe chiến lược là sự kết hợp của ba hệ thống vũ khí hạt nhân: tên lửa đạn đạo liên lục địa đặt trên đất liền; máy bay ném bom chiến lược tầm xa như (B-52, B-1 và Tu-160); và tàu ngầm trang bị tên lửa hạt nhân.
Cùng với nhau, các hệ thống này có thể ngăn chặn kẻ thù từ cuộc tấn công đầu tiên, cung cấp một nền tảng mạnh mẽ tạo thành sức mạnh quân sự quốc gia. Chế tạo ra bộ ba răn đe chiến lược này là quá trình vô cùng tốn kém, đòi hỏi công nghệ tối tân cũng như cần đến lực lượng chuyên gia tay nghề cực cao.
Tuy nhiên, theo nhận định của tạp chí Time, khi thế kỷ 21 nhiều biến động mở ra, một dạng bộ ba răn đe chiến lược mới đang hiện hình rõ ràng.
Minh chứng gần đây nhất chính là vụ tấn công tinh vi nhằm vào các cơ sở lọc dầu trọng yếu của Saudi Arabia – làm giảm 5% nguồn cung dầu mỏ hàng ngày trên toàn cầu – chỉ bằng thiết bị bay không người lái giá rẻ, đồng thời sử dụng công nghệ Google Earth để định vị tấn công mà các hệ thống phòng thủ hiện đại phải “bó tay”.
Bộ ba chiến lược mới sẽ bao gồm thiết bị không người lái (trên không, trên mặt đất và trong lòng biển), tấn công mạng cùng các lực lượng đặc nhiệm. Tất cả các yếu tố trên đều không đắt đỏ, dễ dàng đưa vào triển khai, ngay cả đối với những nước không mạnh.
Năng lực gây thiệt hại lớn của hệ thống trên – cả chế độ độc lập lẫn hiệp đồng tác chiến – đang tăng lên. Tấn công mạng có thể gây tê liệt mạng lưới điện của một quốc gia, hệ thống dẫn nước, các thị trường tài chính và mạng lưới giao thông.
Các thiết bị không người lái – khả năng trực chiến trong thời gian dài – có thể được sử dụng để tấn công tại những vùng chiến sự quan trọng với độ chính xác cao.
Trong khi đó, các lực lượng đặc nhiệm, giống như đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ, sẽ là người kích hoạt tấn công mạng và máy bay không người lái bằng cách cấy ổ đĩa hoặc cài mã vào những hệ thống quan trọng này.
Sau đó, họ sẽ cung cấp mục tiêu cho các vũ khí dẫn đường có độ chính xác cao gắn trên thiết bị bay không người lái, hoặc những hệ thống tấn công di động ở gần biên giới.
Tất nhiên, không chỉ các nước nhỏ như Triều Tiên và Iran đang khai thác bộ ba mới này, Mỹ và Nga đã bắt tay vào nghiên cứu từ lâu. Có lẽ đáng lo ngại nhất, việc sở hữu những dạng thiết bị trên cũng không nằm ngoài tầm với của bọn tội phạm như khủng bố và buôn ma túy.
Hiện tại, các quốc gia chưa đặc biệt chuẩn bị sẵn sàng để phòng thủ trước những hệ thống như trên. Nền quốc phòng Mỹ cần triển khai một mạng lưới tinh vi và nguy hiểm hơn những cái đang sở hữu.
Cụ thể là một lực lượng an ninh mạng mới, sản xuất thêm thiết bị không người lái tàng hình, nâng cao khả năng phát hiện thiết bị của kẻ thù; cùng các lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ hơn.
Các vũ khí được dùng trong cuộc tấn công ngày 14/9. Ảnh: AP
Vụ tấn công nhằm vào các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia là bài học không thể bỏ qua. Riyadh đã chi hàng tỷ USD cho hệ thống phòng không hiện đại và hệ thống cảnh báo sớm.
Tuy nhiên, chỉ cần vài quả tên lửa hành trình và máy bay không người lái là kẻ thù có thể xâm nhập không phận Saudi Arabia và gây thiệt hại nặng nề cho nhà máy lọc dầu lớn nhất thế giới.
Theo kênh CNN, điều đó cho thấy những bất cập nghiêm trọng tại nơi Saudi Arabia đặt các hệ thống phòng không và cảnh báo sớm cũng như điểm yếu của các hệ thống này. Tuy nhiên, điều đó cũng cho thấy một vấn đề lớn hơn: kỷ nguyên chiến tranh bằng máy bay không người lái là một thách thức lớn với các chính phủ toàn thế giới.
https://baotintuc.vn/quan-su/lo-dien-bo-ba-ran-de-chien-luoc-moi-cua-the-ky-21-20191001160246004.htm