Lính Trung Quốc ở Biển Đông 'tăng cường học tiếng Anh'

​Bình Giang |

Lực lượng Trung Quốc đồn trú trên Biển Đông đang học tiếng Anh để tránh hiểu nhầm và đánh giá sai tình hình trong những tình huống gặp lực lượng của nước khác trên Biển Đông.

Theo một bản tin của đài truyền hình Trung Quốc CGTN, kỹ năng này là “cần thiết” và “phải có”. Quân đội Trung Quốc đang dùng thời gian trống trong lịch huấn luyện để luyện tập kỹ năng sử dụng tiếng Anh.

“Trong những năm gần đây, các quốc gia và lực lượng ngoài Trung Quốc đang gây rắc rối và căng thẳng trên Nam Hải. Lực lượng hải quân thuộc Quân khu miền nam đang đi đầu trong việc bảo vệ các quyền và duy trì hoà bình và ổn định ở Nam Hải”, bản tin của CGTN ngang nhiên khẳng định, dù chính Trung Quốc bị nhiều nước chỉ trích vì các hoạt động quân sự hoá các đảo nhân đạo trên Biển Đông và chèn ép các nước láng giềng.

Trong đợt tập trận gần đây trên một đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép, lính Trung Quốc dùng tiếng Anh trong tình huống giả định đang đối đầu với quân lính đối phương. Một lính Trung Quốc nói trong đoạn phim được CGTN chiếu: “Các anh bị bao vây. Đầu hàng đi”.

Quân đội Trung Quốc ngang nhiên xua đuổi nhiều tàu nước ngoài trên Biển Đông trong năm qua. Gần đây, một tàu chiến Trung Quốc dùng tiếng Anh để xua một tàu thương mại trong khu vực mà quân đội Trung Quốc tập tận. “Tôi cảnh báo các ông một lần nữa. Hãy rời khỏi đây ngay lập tức hoặc chúng tôi sẽ có thêm hành động”, lực lượng Trung Quốc cảnh báo.

Tháng 12 vừa qua, Trung Quốc điều lực lượng trên biển và trên không ra bám đuôi và xua đuổi khi tàu khu trục Mỹ USS John S. McCain tiến gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam để thực hiện hoạt động tự do hàng hải.

Nhật - Anh thúc đẩy hợp tác an ninh biển

Nhật và Anh lên kế hoạch tổ chức một hội nghị bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng trực tuyến vào tháng 2 tới để thúc đẩy hợp tác an ninh, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết liệt trên Biển Đông và Hoa Đông, AP dẫn nguồn tin nắm được vấn đề cho biết.

Các bộ trưởng có thể sẽ đồng ý phối hợp chặt chẽ trong kế hoạch của Anh nhằm đưa nhóm tàu sân bay Queen Elizabeth đến Tây Thái Bình Dương để tham gia các cuộc tập trận.

Hội nghị diễn ra khi giới chức Anh và Nhật Bản chia sẻ mối lo ngại về những hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi nguyên trạng trên hai vùng biển này và để gửi “thông điệp rõ ràng” đến cộng đồng quốc tế rằng duy trì hoà bình và trật tự trên biển là việc thiết yếu, các nguồn tin cho biết.

Tokyo trước đó đã hoan nghênh Anh phái tàu sân bay Queen Elizabeth đến Tây Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông và Hoa Đông. Nhóm tàu tấn công của Anh dự kiến sẽ tham gia tập trận chung cùng Lực lượng phòng vệ Nhật và quân đội Mỹ trong thời gian đến đây.

Trong chuyến thăm Philippines mới đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng Philippines không nên bị phân tán vì những tranh chấp trên Biển Đông mà hãy tập trung thúc đẩy hợp tác khai thác dầu khí ở khu vực này. Manila là chặng dừng chân cuối cùng của ông Vương Nghị trong chuyến công du các nước Đông Nam Á gồm Myanmar, Indonesia và Brunei. Chuyến đi được giới quan sát coi là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm củng cố quan hệ với khu vực trước khi Mỹ có chính quyền mới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại