Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ kiêm Người phát ngôn, ông David Schenker đã đưa ra một tuyên bố cho rằng quân đội Nga chính là "tác giả" phá hủy máy bay không người lái UAV MQ-9 Reaper của họ.
Theo ông David Schenker, một máy bay không người lái vũ trang (UCAV) của Mỹ đã bị các quân nhân Nga bắn hạ tại Libya, đây có thể là các lính đánh thuê đến từ công ty Wagner.
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách khu vực Trung Đông David Schenker đã cảm thấy "bị xúc phạm bởi "sự can thiệp quân sự của Nga, đe dọa đến an ninh và ổn định ở Libya".
Cụ thể, ông Schenker xác định rằng đã có sự can thiệp của cả quân đội chính quy của Nga và các chiến binh của công ty quân sự tư nhân Wagner (PMC), thông tin của tạp chí Topcor nêu rõ.
Đáng chú ý, các hình ảnh vệ tinh trước đó đã cho thấy sự hiện diện của hệ thống tên lửa - pháo phòng không tầm thấp Pantsir-S1 tại căn cứ không quân Al Jufra ở Libya.
Những người điều khiển các tổ hợp Pantsir-S1 này có thể là binh lính người Nga chứ không phải đến từ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất - UAE như các báo cáo trước đây.
Quân đội UAE được cho là một đồng minh quan trọng của Quân đội quốc gia Libya - LNA do nguyên soái Khalifa Haftar đứng đầu. Họ đã hỗ trợ rất nhiều cho đối tác ngay từ những ngày đầu nổ ra cuộc chiến.
Bên cạnh việc viện trợ vũ khí, tài chính... thì UAE còn trực tiếp đưa quân tới Libya để tham chiến, trường hợp điển hình chính là triển khai các tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1.
Hệ thống Pantsir-S1 của UAE là phiên bản cao cấp được đặt trên khung gầm xe tải bọc thép MAN SX45 8x8 do Đức sản xuất thay vì sử dụng loại KamAZ thường thấy trên các tổ hợp Pantsir-s1 tiêu chuẩn.
Khung gầm MAN SX45 cung cấp mức độ tiện nghi cho kíp chiến đấu cũng như khả năng bảo vệ vượt trội so với KamAZ trước các loại vũ khí hạng nhẹ cũng như thiết bị nổ tự chế.
Ngoài khung gầm MAN SX45 thì module tác chiến chính của tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1 phục vụ trong quân đội UAE hầu như không có khác biệt so với bản xuất khẩu cho những quốc gia khác.
Nhưng vấn đề đáng lưu ý ở đây đó là giống như trường hợp của Saudi Arabia khi tham chiến tại Yemen, lực lượng trực tiếp góp mặt trên chiến trường chủ yếu là lính đánh thuê nước ngoài.
Đã có khá nhiều báo cáo cũng như hình ảnh về việc binh lính đánh thuê thuộc công ty quân sự tư nhân Wagner đang chiến đấu cho UAE tại Lybia, do vậy cáo buộc của Mỹ cũng là dễ hiểu.
Hiện nay Bộ Quốc phòng Nga cũng như phía Quân đội quốc gia Libya chưa đưa ra bất cứ bình luận nào đối với những lời cáo buộc mà Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra.