Việc mất mát xảy ra khắp mọi nơi: ở trong kho; tại trường bắn; trên đường vận chuyển,… Lý do mất súng cũng đa dạng không kém: quên khóa cửa, lính gác kho ngủ quên…
Hãng tin AP cộng tác với những nhà điều tra trên khắp nước Mỹ đã đưa ra một bản báo cáo về thực trạng vũ khí quân dụng của quân đội Mỹ đang bị tuồn ra ngoài vào tay các đối tượng tội phạm. Đến nay vẫn còn quá sớm để có thể đưa ra nhận xét về tác động của báo cáo này. Nhưng có một điều chắc chắn là công luận Mỹ giật mình trước một vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của họ.
Bề nổi của tảng băng chìm
Alvin Damon là một thanh niên 21 tuổi người Mỹ có tiền sử phạm tội. Anh ta bị đưa vào danh sách truy nã do xả súng vào một toán người đang qua đường. Khi bị cảnh sát dồn vào đường cùng, đối tượng dọa sẽ giết một con tin. Thật may mắn là cảnh sát đã giải quyết được tình huống mà không có bất kỳ phát súng nào bắn ra.
Điểm đáng chú ý của vụ án nói trên không phải Alvin Damon mà chính là khẩu súng anh ta sử dụng. Cảnh sát phát hiện khẩu súng lục Baretta M9 có liên quan đến bốn vụ xả súng, làm bị thương một người. Đặc biệt hơn, khẩu súng là tài sản của quân đội Mỹ.
Khi bị cảnh sát chất vấn, các giới chức trong quân đội Mỹ chỉ cho biết rằng, khẩu súng đáng lẽ ra phải ở trong kho tại pháo đài Bragg, bang North Carolina. Ngoài ra, họ không hề giải thích vì sao khẩu súng lại nằm trong tay một đối tượng trộm cắp ở New York.
Khi các phóng viên AP và nhà điều tra tìm hiểu về tình trạng mất cắp vũ khí trong quân đội, họ buộc phải thực hiện cuộc điều tra mà hoàn toàn không nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào của quân đội hay Bộ Quốc phòng Mỹ.
Ngược lại, hai cơ quan này còn có dấu hiệu cản trở tiến trình điều tra và che giấu thông tin. AP đã phải tự mình xây dựng cơ sở dữ liệu thông qua báo cáo điều tra của cảnh sát và sử dụng Luật Tự do thông tin để xin toà án quyền tiếp cận với tài liệu của Bộ Quốc phòng.
Bên trong kho súng tại doanh trại Foster của quân đội Mỹ.
Trong số những tài liệu hãng tin AP lấy được có một biên bản ghi nhớ cuộc trò chuyện giữa chuẩn tướng Duane Miller và một nhân vật giấu tên. Duane Miller là phó chỉ huy toàn bộ lực lượng quân cảnh trong Lục quân Mỹ. Ông được một nhân vật giấu tên yêu cầu giải trình về vụ có kẻ cắt khoá lấy trộm 65 khẩu súng lục Baretta M9 từ một doanh trại của Mỹ tại Afghanistan.
Vị chuẩn tướng cho biết, có nhiều lỗ hổng trong quy chế kiểm soát vũ khí của quân đội Mỹ đến mức ăn trộm trang thiết bị không khó, nhưng việc truy tìm thủ phạm lại gặp rất nhiều khó khăn. Trường hợp duy nhất gần đây mà quân cảnh giải quyết được là vụ bắt tại trận một lính đặc nhiệm hải quân đang ăn trộm hai khẩu súng trường từ kho.
Ngoài tiết lộ “động trời” kia, biên bản nói trên còn quan trọng ở một điểm nữa: Vụ mất 65 khẩu súng lục không hề được Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo cho công luận hay chính quyền Mỹ. Theo quy định, Bộ Quốc phòng sẽ phải báo cáo giải trình trước Quốc hội Mỹ trong trường hợp có mất mát những loại vũ khí hạng nặng như tên lửa đất đối không.
Hầu hết các vụ mất mát đều là mất súng lục hay súng trường, nên Bộ Quốc phòng không phải báo cáo cho ai cả. Đây là lý do mà các nhà cầm quyền Mỹ không có bức tranh toàn cảnh về vấn đề hay bất kỳ giải pháp nào.
Tình trạng vũ khí quân dụng bị ăn trộm đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn tại nước Mỹ. Vào tháng 5 năm ngoái, một binh nhì vừa bị thải hồi đã cầm khẩu M4A1 lên xe buýt đuổi tất cả mọi người xuống, rồi một mình lái xe đi hơn 20 km trước khi bị cảnh sát chặn lại.
Năm tháng sau, cảnh sát phát hiện một khẩu súng phóng lựu M203 trong cốp một chiếc xe chạy quá tốc độ quy định. Lái xe và hành khách duy nhất trên xe đều có tiền sự tham gia các vụ trộm cắp có vũ trang.
Phiến quân Taliban với khẩu SCAR mua được nhờ binh lính chính phủ Afghanistan bán ra chợ đen.
Vũ khí bị ăn trộm như thế nào?
Thành phố Fayetteville, bang North Carolina, Mỹ nổi tiếng là nơi đặt pháo đài Bragg. Nhưng đối với các đơn vị thực thi pháp luật, Fayetteville còn “nổi tiếng” vì một lý do khác.
Một bài báo trên tờ Fayetteville Observer đã giải thích như sau: “Chi nhánh Fayetteville của băng đảng cướp đường kiêm bảo kê Hells Angels từ lâu đã là “cái gai khó nhổ” với cảnh sát địa phương. Chúng được trang bị các loại súng tự động và thuốc nổ C4… Một trong những tên gangster bị bắt khai rằng, từng mặc đồng phục giả lính để đi vào pháo đài Bragg trộm súng.
Bằng thủ đoạn tương tự, Hells Angels đã ăn trộm 21 khẩu súng lục M9 từ pháo đài Bragg hồi năm 2010. Không có bất kỳ thông cáo nào về vụ việc từ phía quân đội Mỹ. Cảnh sát Mỹ chỉ biết đến vụ trộm sau khi hai khẩu súng bị mất được thu giữ từ tay những đối tượng tham gia một vụ ám sát băng đảng đối thủ.
Đáng quan ngại hơn là vấn đề sỹ quan trong quân đội Mỹ ăn trộm súng để bán ra ngoài chợ đen. Hành động này theo lý thuyết đáng lẽ ra là bất khả thi. Quân đội Mỹ quy định hàng tháng các trung uý phải kiểm tra, thống kê lại từng loại vũ khí, trang thiết bị của trung đội mình.
Bản báo cáo sau đó sẽ được so sánh với hệ thống ngân hàng dữ liệu chứa mã số riêng cho từng khẩu súng một trong quân đội Mỹ. Người viết báo cáo phải có giải thích hợp lý cho bất kỳ sự mất mát nào nếu không muốn chịu kỷ luật hay bị quân cảnh điều tra.
Với cách kiểm soát chặt như vậy, làm sao có người ăn trộm được súng? Một cựu thiếu tá lục quân giấu tên trả lời phỏng vấn đài phát thanh NPR rằng: “Hầu hết các vụ trộm đều diễn ra ở kho súng. Thủ kho tìm cách móc nối với người mua bên ngoài rồi sau đó sẽ ăn trộm những khẩu súng đang trong thời gian bảo quản…
Khi cấp trên có hỏi đến tình trạng vũ khí, những người thủ kho sẽ làm giấy tờ giả để chứng minh rằng khẩu súng bị bán đi vẫn còn đang bảo dưỡng trong kho”.
Một số súng tự động có nguồn gốc quân đội được cảnh sát Mỹ thu giữ.
Trở lại với vụ án khẩu súng phóng lựu M203 trong cốp xe nói trên. Phải hai năm sau đó các nhà điều tra mới phát hiện ra nguồn gốc của khẩu súng.
Nó thuộc về nhà kho vũ khí của một căn cứ lính thuỷ đánh bộ tại Albany, bang Georgia. Các nhà điều tra tuy vậy vẫn chưa tìm ra thủ phạm bởi vì trong suốt một năm ròng, hệ thống camera giám sát nhà kho bị hỏng, không thể ghi hình được. Chính vì lý do đó, cuộc điều tra vẫn tiếp tục đến tận lúc này.
Đấy là cách ăn trộm những khẩu súng hoàn chỉnh. Với những người không phải thủ kho, họ sẽ ăn trộm từng bộ phận của khẩu súng. Quân đội Mỹ chỉ thống kê những bộ phận có in dập số series như thân súng và nòng súng.
Không có ai để ý hay ghi lại việc một ngày nọ quân đội bất ngờ mất cò súng hoặc báng súng. Những bộ phận này thực chất đã được tuồn ra ngoài. Bất kỳ ai có kiến thức về vũ khí có thể lắp ráp một khẩu súng hoàn chỉnh từ các bộ phận rời mua từ chợ đen.
Cựu Phó giám đốc Cục Điều tra tội phạm Hải quân Mỹ (NCIS) Mark Ridley trả lời câu hỏi của phóng viên về tình trạng nói trên như sau: “Chúng tôi từng điều tra thành công nhiều vụ cửa hàng bán súng mua bộ phận súng quân dụng M16 từ chợ đen để lắp ráp thành vũ khí hoàn chỉnh…Các nhà điều tra thật sự cần kiểm tra nguồn gốc từng bộ phận của khẩu súng tình nghi”.
Vào cuối năm 2014, NCIS mở chuyên án điều tra vụ mất bốn cò súng M4 thuộc đơn vị người nhái Hải quân. Dân thường Mỹ được quyền tự do mua bán súng AR-15, nhưng chỉ có quân đội được sử dụng phiên bản súng bắn tự động.
Để biến một khẩu AR-15 của dân thường thành vũ khí tự động, thợ súng chỉ cần đặt cò súng quân dụng vào khẩu súng đó. Thật may mắn là NCIS đã phá thành công vụ án và thu hồi được bốn cò súng bị mất.
Trong một trường hợp khác, một số lượng chưa rõ bộ phận súng máy M60 đã bị trộm khỏi pháo đài Campbell, thuộc bang Kentucky. Số vật phẩm này sẽ được bán cho người mua tại Nga, Trung Quốc và Mexico.
Khi NCIS phá thành công vụ án, họ tìm ra được cả một thùng container chứa bộ phận súng máy giả là đồ điện tử xuất khẩu sang Ai Cập. Kẻ chủ mưu đường dây buôn lậu khai đã kiếm được nửa triệu USD.
Tuy được giám sát chặt chẽ về mặt giấy tờ nhưng thực tế vũ khí quân dụng vẫn được đưa ra chợ đen.
Đi tìm hướng giải quyết
Hầu hết các vụ mất trộm vũ khí xảy ra trong lục quân Mỹ. Trái với lực lượng Hải quân, Không quân và lính thuỷ đánh bộ, lục quân Mỹ cũng không lưu giữ những số liệu chính xác về vũ khí bị trộm.
Nhiều chuyên gia và các nhà cầm quyền đang nghi ngờ rằng cấp lãnh đạo lục quân Mỹ đang tìm cách che giấu thông tin. Ủy ban Quân sự của Quốc hội Mỹ vừa có một phiên giải trình kín với Charles Royal. Charles là một nhà thầu dân sự được Bộ Quốc phòng thuê để giám sát hệ thống cơ sở dữ liệu về vũ khí bộ binh.
Nội dung của phiên điều trần đến nay vẫn chưa được công bố, nhưng Charles Royal cho báo chí biết đã cảnh báo các lỗ hổng trong cách quân đội Mỹ quản lý vũ khí: “Chúng tôi không được phép phạm bất kỳ sai sót nào, nhưng với số lượng vũ khí quản lý lên đến hàng triệu, sai lầm là điều không thể tránh khỏi. Điều tôi quan ngại là không biết sai lầm đó do con người sơ ý hay cố ý tạo ra”.
Quốc hội và chính phủ Mỹ chỉ mới khởi động quá trình đi tìm giải pháp cho vấn đề vũ khí quân dụng bị tuồn ra chợ đen. Trong khi đó, quân đội Mỹ đang đứng trước nhiều thay đổi về mặt tổ chức như Tổng thống Joe Biden đã hứa trong quá trình tranh cử tổng thống. Rất có thể phải mất một thời gian dài nữa giới chức Mỹ mới tìm ra câu trả lời cho hiện trạng này.