Liệu URC Việt Nam có đi vào vết xe đổ của Tân Hiệp Phát?

Linh Lam |

Sau cuộc khủng hoảng nghiêm trọng của Tân Hiệp Phát diễn ra vào năm 2015, thêm một ‘ông lớn’ trong ngành nước giải khát Việt Nam đang đánh mất niềm tin của người tiêu dùng.

Tân Hiệp Phát, 1 con ruồi và cái giá 2.000 tỷ đồng

Câu chuyện bắt đầu vào ngày 3/12/2014 khi anh Võ Văn Minh, chủ một quán ăn ở Tiền Giang phát hiện ra trong chai nước Number 1 của Tân Hiệp Phát có một con ruồi.

Anh Minh sau đó đã gọi điện cho Tân Hiệp Phát yêu cầu đổi chai nước chứa dị vật lấy 1 tỷ đồng.

Sau nhiều lần thương lượng, người đàn ông này chấp nhận ‘hạ giá’ xuống còn 500 triệu đồng. Trong lúc đang nhận tiền thì anh bị công an bắt quả tang.

Tại thời điểm đó, Tân Hiệp Phát bị dư luận lên án vì hành vi “bẫy người tiêu dùng”. Thế nhưng, thay vì đưa ra những lời giải thích thỏa đáng thì ông chủ của Trà xanh không độ lại sử dụng chiến thuật “Im lặng là vàng”, chờ cho mọi chuyện qua đi.

Chính cách xử lý sự cố thiếu khéo kéo đã khiến Tân Hiệp Phát rơi vào cuộc khủng hoảng vô cùng nghiêm trọng.

Trên các diễn đàn và mạng xã hội, hàng loạt các nhóm kêu gọi tẩy chay sản phẩm của doanh nghiệp này ra đời và thu hút sự tham gia đông đảo từ người tiêu dùng trong cả nước.

Tân Hiệp Phát càng phải chịu nhiều công kích hơn khi anh Minh bị tòa tuyên án 7 năm tù.

Dù sau đó, doanh nghiệp đã lên tiếng xin lỗi về những phiền toái và ảnh hưởng do vụ án “con ruồi trong chai nước” gây ra nhưng phần lớn ý kiến vẫn cho rằng đây chỉ là “lời xin lỗi muộn màng”.

Trong một thông cáo phát đi ngày 17/12/2015, Tân Hiệp Phát thừa nhận, câu chuyện con ruồi đã làm ảnh hưởng lớn đến uy tín thương hiệu và doanh thu của Tập đoàn, ước tính thiệt hại khoảng hơn 2.000 tỷ đồng.

URC Việt Nam có đi vào vết xe đổ?

Cú sảy chân của Tân Hiệp Phát được coi là cơ hội để URC Việt Nam bứt phá trên thị trường nước giải khát, đặc biệt ở mảng trà xanh đóng chai.

Thực tế cho thấy, chỉ trong một thời gian ngắn, URC Việt Nam đã nhanh chóng rút ngắn khoảng cách về thị phần với ‘kỳ phùng địch thủ’ Tân Hiệp Phát.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2016 của Tập đoàn URC quốc tế, URC chiếm 35,1% thị phần trên thị trường trà xanh đóng chai Việt Nam, trong khi doanh nghiệp dẫn đầu nắm giữ 37,4% thị phần.

Đáng tiếc, niềm vui ngắn chẳng tày gang, khi URC Việt Nam còn chưa qua mặt được Tân Hiệp Phát thì công ty này đang đứng trước nguy cơ rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng không kém đối thủ.

Liệu URC Việt Nam có đi vào vết xe đổ của Tân Hiệp Phát? - Ảnh 1.

URC Việt Nam đang chọn chiến lược "Im lặng là vàng"?

Hồi đầu tháng 5, mạng xã hội lan truyền một số phiếu kiểm nghiệm cho kết quả nước trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ của URC nhiễm chì vượt chuẩn.

Sau đó, URC đã phối hợp với các đơn vị để thực hiện các kiểm nghiệm khác song kết quả không đồng nhất.

Ngày 20/5, Thanh tra Bộ Y tế ra quyết định tạm dừng lưu thông 3 lô nước trà xanh hương chanh C2, nước tăng lực hương dâu Rồng Đỏ vì hàm lượng chì không đạt tiêu chuẩn. URC cũng tự thu hồi 2 lô khác.

Mới đây, URC cũng bị thanh tra Bộ Y tế xử phạt 5,8 tỷ đồng do kinh doanh nước giải khát C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ có hàm lượng chì cao hơn công bố cùng một số vi phạm khác.

Bên cạnh đó, theo Thanh tra Bộ Y tế, tổng giá trị hàng hóa vi phạm mà URC đã xuất bán không thu hồi được là gần 3,9 tỷ đồng.

Điều đáng nói là trong khi người tiêu dùng đang hoang mang, lo lắng trước những thông tin trên thì sau nhiều ngày, URC Việt Nam vẫn không hề có lời xin lỗi hay động thái gì.

Giống như Tân Hiệp Phát, URC Việt Nam lựa chọn chiến thuật im lặng. Nhưng những hậu quả mà Tân Hiệp Phát phải gánh chịu chắc chắn là bài học mà URC không nên bỏ qua.

Đặc biệt trong bối cảnh vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại Việt Nam đang ở mức báo động đỏ, nếu URC không có những biện pháp giải quyết khôn khéo và kịp thời, một làn sóng tẩy chay các sản phẩm của doanh nghiệp rất có thể xảy ra.

Và khi niềm tin của người tiêu dùng bị tổn thương, rất khó có thể hàn gắn lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại