Bài toán Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria
Tổng thống Donald Trump đang phải đối mặt với sự chỉ trích mạnh mẽ cả trong và ngoài nước vì quyết định rút lui khỏi miền Bắc Syria, nơi ông bị cáo buộc là bỏ rơi các đồng minh người Kurd trước cuộc tiến công của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, ông đã bảo vệ cho quan điểm của mình khi tái khẳng định rằng Mỹ cần phải ngừng tham gia vào những cuộc chiến bất tận và vô nghĩa như vậy ở Trung Đông.
Trước đó, Tổng thống Trump bày tỏ hy vọng Mỹ có thể là một trung gian hòa giải giữa người Kurd và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng cũng cảnh báo cho Ankara biết rằng, nếu nước này "không chơi theo luật lệ" thì Washington sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt.
"Chúng tôi sẽ chọn một trong ba lựa chọn: Gửi thêm hàng ngàn quân và giành thắng lợi quân sự, gây áp lực tài chính và áp đặt nghiêm ngặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc làm trung gian cho một thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd!", ông Trump nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Huseyin Bagci từ Đại học Kỹ thuật Trung Đông ở Ankara, tin rằng không có đề xuất nào của ông Trump là thực tế.
"Để gửi quân đội Mỹ tới chiến đấu với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là một quyết định rất tốn kém cho Mỹ, nhất là sau những thất bại ở Afghanistan và Iraq. Thậm chí, đây là lần đầu tiên trong lịch sử NATO, các binh sĩ của hai thành viên liên minh sẽ chống lại nhau", ông lưu ý.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ không chấp nhận bất kỳ vai trò trọng tài nào của Mỹ với người Kurd, Tiến sĩ Bagci nói thêm, cho rằng Ankara sẽ không chấp nhận đàm phán với các chiến binh người Kurd vì luôn coi họ là mối đe dọa an ninh.
Tổng thống Trump được cho là nên tách biệt vấn đề S-400 với cuộc tiến công của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria.
Trừng phạt, S-400, F-35
Các đồng minh NATO của Thổ Nhĩ Kỳ cũng lên án cuộc tấn công của nước này ở miền Bắc Syria và đe dọa sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt.
Phản pháo lại Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, Ankara buộc phải tiến hành chiến dịch ở Syria vì Mỹ đang tiếp tục cung cấp vũ khí tinh vi cho người Kurd thay vì cho một thành viên NATO như Thổ Nhĩ Kỳ.
Mối quan hệ giữa Ankara và Washington trở nên căng thẳng sau khi Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình máy bay chiến đấu F-35 do mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Nga.
Tiến sĩ Bagci cảnh báo, nếu Mỹ đưa ra các biện pháp trừng phạt, mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xấu đi hơn nữa.
"Cấm vận quân sự của Mỹ sẽ làm gia tăng thêm căng thẳng giữa hai quốc gia, nhưng điều đó vẫn không thể ngăn chặn việc mua S-400".
Nhưng đồng thời, học giả này nói rằng, Washington vẫn quan tâm đến việc Ankara mua chiến đấu cơ F-35 và trong chuyến thăm của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sắp diễn ra vào tháng 11 tới đây, điều gì đó có thể được thống nhất giữa hai nước.
"Mỹ muốn bán F-35 và hệ thống Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ và có lẽ thỏa thuận này sẽ được hoàn thành ở chuyến thăm đó", Bagci nhấn mạnh.
Theo nhà phân tích chính trị Aydin Sezer từ Medya Gunlugu, khi vấn đề F-35 sẽ được đưa ra thảo luận vào tháng 11 giữa hai nhà lãnh đạo Trump và Erdogan, cần phải lưu ý là quyết định trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ không phải do ông Trump đưa ra.
Trừng phạt không thể ngăn S-400 đến với Thổ Nhĩ Kỳ.
"Đây là một quyết định của Quốc hội". Nhà phân tích Sezer lưu ý, ông Trump được ủy quyền thực hiện các lệnh trừng phạt và có thể đưa ra quyết định về việc hoãn các lệnh trừng phạt này.
Tổng thống Erdogan bày tỏ hy vọng ông sẽ tháo gỡ bế tắc xoay quanh việc chuyển giao các máy bay chiến đấu F-35 do Mỹ sản xuất cho Ankara với người đồng cấp Trump.
Tiến sĩ Ali Bakeer, một nhà phân tích và tư vấn chính trị từ Ankara tin rằng, vấn đề F-35 không nên liên quan đến cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại các nhóm người Kurd, trừ khi các quan chức và nghị sĩ Mỹ vẫn thống nhất quyết định trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ và sử dụng bước tiến ở Syria như một cái cớ để trừng phạt.
Tiến sĩ Bakeer cho biết, trong khi Quốc hội đang đe dọa sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt tài chính, Tổng thống Mỹ nên có tiếng nói trong đó.
Đối với chiến dịch quân sự ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã vạch ra các mục tiêu của mình nhưng không có bên liên quan nào đưa ra được giải pháp thực tế, bởi vậy nước này phải tự mình thực hiện, Tiến sĩ Bakeer nhấn mạnh.
Tiến gần tới Moscow
Tiến sĩ Bagci tin rằng Washington sẽ cố gắng quản lý hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ để người Kurd không bị xóa bỏ hoàn toàn, vì cả Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd đều có thể đóng vai trò trong việc chống lại mầm mống khủng bố chưa bị tiêu diệt.
"Các lực lượng người Kurd sẽ không thể giành chiến thắng trong các cuộc đụng độ ở đó nếu không có sự bảo vệ của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Tình hình hiện tại, Mỹ đang bối rối, Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện sự quyết tâm, người Kurd thua cuộc và chiến thắng là Tổng thống Assad và Nga ", Tiến sĩ Bagci nhận định.
Cuối cùng, Mỹ chắc chắn sẽ môi giới lệnh ngừng bắn, một khi người Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được mục tiêu của họ, Peter Ford, cựu đại sứ Anh tại Syria, lưu ý.
Nhưng điều đó sẽ không chấm dứt được các vấn đề, ông cho rằng người Kurd sẽ tấn công lại các khu vực chiếm đóng của Thổ Nhĩ Kỳ và sự hiện diện liên tục của Mỹ sẽ ngăn chặn người Thổ Nhĩ Kỳ đáp trả lại.
Về lâu dài, do chủ nghĩa ly khai của người Kurd được khuyến khích bởi sự hiện diện của quân đội Mỹ, căng thẳng giữa Ankara-Washington sẽ tiếp tục tăng cao và Ankara sẽ tiến gần hơn tới Moscow, đại sứ Ford kết luận.