Liệu châu Âu có thể lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại ở Ukraine?

Kiều Anh |

VOV.VN - Câu hỏi này đã nằm trong tâm trí của các quan chức châu Âu trong một thời gian dài, khi họ nhìn qua Đại Tây Dương và thấy các khoản tiền đang bị cản trở, cũng như khả năng trở lại của cựu Tổng thống Donald Trump.

Đây cũng là một câu hỏi mà Liên minh châu Âu đang cố gắng trả lời. Tại Hội nghị Thượng đỉnh của Hội đồng châu Âu tuần này, EU đã đồng ý tìm kiếm những cách thức mới để gây quỹ cho Ukraine - bao gồm cả việc tăng nợ trên thị trường tài chính và một động thái gây tranh cãi là sử dụng lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Nga.

Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo nói rằng, đã có “sự cởi mở, ít nhất là từ phía chúng tôi” đối với các cách tài trợ mới, đồng thời nhấn mạnh rằng châu Âu không thể “chờ Mỹ quyết định”.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo vẫn chưa đồng ý bất kỳ khoản tiền mới nào cho vũ khí. Đây có thể mới thực sự là vấn đề.

Liệu châu Âu có thể lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại ở Ukraine?- Ảnh 1.

Binh lính Ukraine khai hỏa trên tiền tuyến. Ảnh: Reuters

Nhu cầu vũ khí của Ukraine ngày càng cấp thiết

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần nói với các đối tác phương Tây rằng thách thức lớn nhất mà nước này phải đối mặt hiện nay là thiếu hụt vũ khí và điều đó đã cho phép Nga tận dụng lợi thế.

Theo các nhà phân tích, sẽ là không công bằng khi cáo buộc EU không còn chú ý đến Ukraine. Tổ chức Theo dõi Hỗ trợ Ukraine của Viện Kiel cho rằng, bất chấp những bất đồng công khai giữa 27 quốc gia thành viên về những vấn đề như cung cấp xe tăng và liệu tiền có nên đến trực tiếp từ ngân sách EU hay không, toàn khối đã gửi nhiều tiền đến Kiev hơn Mỹ.

Tuy nhiên, dữ liệu từ tổ chức này cũng cho thấy chỉ có 5,6 tỷ USD trong tổng số 85 tỷ USD của EU được phân bổ cụ thể cho viện trợ quân sự, so với 2,2 tỷ USD cho viện trợ nhân đạo và 77,1 tỷ USD cho viện trợ tài chính.

Với việc 60 tỷ USD viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine bị mắc kẹt tại Quốc hội trong tương lai gần, hiện vẫn chưa rõ bên nào có thể thu hẹp khoảng cách viện trợ trên một cách khả thi.

Đây chính là lúc câu hỏi cốt lõi, liệu châu Âu có thực sự đứng về phía Mỹ hay không, trở nên phức tạp.

Một số quan chức châu Âu thích coi đây là một vấn đề kinh tế thuần túy. Dữ liệu gần đây nhất của Ngân hàng Thế giới cho thấy GDP của Nga ở mức 2,24 nghìn tỷ USD; so với 16,75 nghìn tỷ USD của EU.

Điều này có nghĩa là châu Âu về mặt giả thuyết có thể tồn tại lâu hơn Nga nếu cuộc xung đột trở thành một cuộc tiêu hao kinh tế. Hoặc trực tiếp hơn thì là châu Âu có tiền để bù đắp khoảng trống Mỹ để lại.

Khó khăn là ở chỗ điều này hoạt động như thế nào về mặt chính trị. EU bao gồm 27 quốc gia có chủ quyền, tất cả đều có chính sách đối ngoại độc lập. Một số nước là thành viên của NATO, một số thì không và chính thức trung lập. Một số nước cảm thấy thoải mái với việc mua vũ khí của Mỹ và gửi chúng tới Ukraine với mục đích cụ thể là tiêu diệt binh lính Nga, số khác thì không tán thành quyết định này. Một số nước có vị trí địa lý gần Nga và lo ngại xung đột sẽ tràn sang biên giới của họ, số khác thì được bảo vệ bởi hàng km đất liền giữa họ và Moscow cũng như đã có quan hệ kinh tế tốt đẹp với Nga trong nhiều thập kỷ.

Trong suốt cuộc xung đột, tư duy của châu Âu đã phát triển. Các nhà ngoại giao và quan chức nói rằng trước đó trong cuộc xung đột, vai trò của Brussels được hiểu là cung cấp hỗ trợ tài chính cho những việc như duy trì các chức năng cơ bản của nhà nước và tiếp nhận người tị nạn, trong khi Mỹ sẽ phân loại vũ khí.

Không thể phủ nhận rằng EU đang coi trọng việc phòng thủ hơn. Gần đây, khối này đã tiết lộ kế hoạch nhằm xây dựng một ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu có thể sánh ngang với ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ trong tương lai. Nhưng ngay cả kế hoạch dài hạn này, vẫn còn lâu mới trở thành hiện thực, đặt ra những câu hỏi không mấy dễ chịu cho các quốc gia thành viên. Tiền của EU có nên được chi tiêu bên ngoài khối? Nên xây dựng nhà xưởng ở đâu? Các kế hoạch mua sắm nên có mối quan hệ như thế nào với các sáng kiến mà NATO đã có?

Đó là tất cả những câu hỏi về lâu dài. Trong ngắn hạn, Ukraine cần vũ khí khẩn cấp. CNN đưa tin tuần trước rằng Nga đang sản xuất số đạn pháo nhiều gấp 3 lần so với Mỹ và châu Âu cộng lại để sử dụng ở Ukraine.

Châu Âu có thể lấp đầy khoảng trống Mỹ để lại?

Một sáng kiến do Cộng hòa Séc dẫn đầu - được sự ủng hộ của 17 quốc gia thành viên EU - đã được đặt bên ngoài cơ cấu của EU để mua đạn dược trên thị trường quốc tế cho Ukraine.

Ưu điểm của việc không phải là một kế hoạch chính thức của EU có nghĩa là họ có thể tiến hành nhanh hơn nhiều và không phải lo lắng về các quốc gia thành viên - chủ yếu là Hungary, phủ quyết hoặc giảm nhẹ các kế hoạch.

Sáng kiến của Séc đã mua 300.000 quả đạn pháo và dự kiến chúng sẽ đến Ukraine vào tháng 6/2024. Tất nhiên, Ukraine rất vui mừng với sáng kiến này nhưng cũng thừa nhận rằng nó sẽ không thể lấp được lỗ hổng Mỹ để lại.

Đầu tháng này, Ngoại trưởng Ukraine cho biết: “Sáng kiến của Séc rất tuyệt vời nhưng vẫn chưa đủ. Nếu ngoài sáng kiến của Séc, hai sáng kiến nữa được thực hiện trong năm nay, quân đội Nga ở Ukraine sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề quan trọng hơn trên tiền tuyến”. Điều này được một số người coi là ám chỉ đến gói hỗ trợ quân sự bị bế tắc tại Quốc hội Mỹ.

Vậy liệu châu Âu có thể lấp đầy khoảng trống tài trợ ở Ukraine do Mỹ để lại? Câu trả lời là có, châu Âu có đủ phương tiện. Nhưng liệu châu Âu có ý chí thực hiện hay không là một ẩn số lớn hơn.

Các quan chức từ các nước Đông Âu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thuyết phục các đối tác của họ rằng an ninh Ukraine cũng giống như an ninh châu Âu. Trong khi đó, các quốc gia từng thuộc Liên Xô, thường bị coi là có lập trường cứng rắn ở Tây Âu, đưa ra quan điểm rằng nếu Nga kiểm soát lãnh thổ NATO, bom rất có thể sẽ rơi vào họ, chứ không phải ở Athens hay Rome.

Những quốc gia có chung biên giới với Nga hầu như đều nhận định, cách duy nhất để đảm bảo Moscow không mở rộng xung đột là khiến NATO mạnh đến mức việc tiến hành một cuộc tấn công là điều không thể tưởng tượng được.

Việc đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng là một vấn đề khó khăn, ngay cả khi xung đột đang xảy ra ở châu Âu. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hoan nghênh vào tháng trước rằng, 18 đồng minh sẽ chi 2% GDP cho quốc phòng. Đó là một sự cải thiện đáng kể so với một thập kỷ trước, khi chỉ có ba quốc gia NATO đáp ứng được ngưỡng tối thiểu. Nhưng điều đó vẫn có nghĩa là ngay cả trong cuộc khủng hoảng như ở Ukraine , một phần ba châu Âu vẫn không đạt được mục tiêu này.

Xung đột càng kéo dài thì càng có nhiều khả năng gây mệt mỏi. Áp lực lên ngân sách trong nước đối với những thứ như dịch vụ công và lương hưu càng lớn thì càng khó biện minh cho việc cấp tiền cho một quốc gia khác để đối phó với xung đột.

Đó chính xác là thời điểm mà tư duy của châu Âu có thể đi theo một trong hai hướng: đảm bảo Ukraine đánh bại Nga, hoặc đặt câu hỏi cuộc xung đột đó có liên quan gì đến mình?

Châu Âu có thể lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại và ở một số khía cạnh, họ đang cố gắng làm điều đó. Nhưng tất cả phụ thuộc vào việc liệu các đồng minh lớn nhất của Ukraine ở châu Âu có thể tiếp tục giành chiến thắng trong các cuộc tranh luận về chủ đề này hay không.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại