Liên Xô từng thử nghiệm tiêm kích bắn hạ vệ tinh như thế nào?

QUỐC KHÁNH |

Ngày 3/12/1971, tiêm kích bắn hạ vệ tinh Cosmos-462 đã phá hủy vệ tinh mục tiêu Cosmos-459 trên quỹ đạo. Vì vậy, ngày này được coi là ngày bắt đầu hình thành hệ thống phòng thủ không gian của Liên Xô.

Vận chuyển tên lửa Cyclone. Ảnh: Alexander Mokletsov/RIA Novosti.

Vận chuyển tên lửa Cyclone. Ảnh: Alexander Mokletsov/RIA Novosti.

Trên thực tế, kế hoạch này đã được khởi động sớm hơn trước đó rất nhiều. Ngay từ năm 1960, Tổng công trình sư hàng không vũ trụ Liên Xô Sergei Korolev, lãnh đạo Phòng thiết kế OKB-155 Artem Mikoyan và Trưởng phòng thiết kế SKB-30 KB-1 Grigory Kisunko đã đệ trình Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev đề xuất chế tạo tổ hợp đánh chặn các tàu vũ trụ và phòng thủ tên lửa.

Thế nhưng hóa ra, họ không phải là những người đầu tiên đưa ra đề xuất này, bởi trên bàn làm việc của Khrushchev lúc đó đã có một đề án tương tự, do Trưởng phòng thiết kế OKB-52 Vladimir Chelomey soạn thảo.

Ngày 23/6/1960, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản và Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đã ban hành Nghị định “Về việc chế tạo máy bay tên lửa, máy bay vũ trụ, vệ tinh do thám và tên lửa đạn đạo tự điều khiển”. Theo đó, công việc chính sẽ được OKB-52 phối hợp với các phòng thiết kế khác thực hiện.

Sở dĩ nhà lãnh đạo Nikita Khrushchev ưu tiên đề án của Vladimir Chelomey là do ngân sách Liên Xô khi đó đã thâm hụt đáng kể bởi cuộc chạy đua không gian, trong khi các đề án của Tổng công trình sư Sergei Korolev thì ngốn rất nhiều tiền. Vì vậy, ý tưởng của Chelomey được coi là ít tốn chi phí và dễ thực hiện hơn.

Theo đó, chương trình sẽ được triển khai và phát triển theo 4 hướng. Hướng thứ nhất là chế tạo các máy bay tên lửa quỹ đạo không người lái và có người lái (hệ thống R).

Thứ hai là sản xuất các máy bay vũ trụ không người lái để nghiên cứu Mặt trăng, sao Hỏa và sao Kim (hệ thống K). Thứ ba là vệ tinh trinh sát hải quân có điều khiển cơ động (hệ thống US); và thứ tư là tên lửa đạn đạo tự điều khiển (hệ thống UB).

Dự kiến trong khuôn khổ chương trình này, một máy bay tên lửa có người lái sẽ phá hủy vệ tinh của kẻ địch tiềm tàng. Nhiệm vụ kỹ thuật đặt ra với máy bay này là có khối lượng không quá 12 tấn, cùng thêm tất cả các tầng đẩy nữa là nặng không quá 300 tấn.

Bên cạnh đó, chi phí chế tạo một chiếc máy bay tên lửa như vậy là rất tốn kém, điều này đã được Chelomey nhận ra ngay ở giai đoạn đầu phát triển. Vì vậy, phương án tốt nhất là thiết kế một vệ tinh máy bay tiêm kích không người lái có thể cơ động được.

Để không phụ lòng tin của nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev và tiết kiệm ngân sách quốc gia, Vladimir Chelomey đã quyết định từ bỏ dự án tên lửa R-7 đắt đỏ mà lại đòi hỏi quá trình chuẩn bị rất lâu trước khi phóng.

Do vậy, ông đã lựa chọn chế tạo tên lửa đẩy của riêng mình. Với quyền hạn được trao, ông đã thành lập Hội đồng thiết kế trưởng của nhiều cơ quan khác nhau và đề ra nhiệm vụ chế tạo loạt tên lửa có khối lượng phóng từ 150 đến 600 tấn.

Sau đó không lâu, quả tên lửa đầu tiên đã được chế tạo có tên là R-200 (về sau được đổi tên thành UR-200). Trong khi đó, vẫn diễn ra công việc chế tạo các hệ thống trên tàu và hệ thống điều khiển vô tuyến.

Ban lãnh đạo Liên Xô đã phê duyệt những công đoạn đầu tiên của đề án. Đến thời điểm đó, đề án này được chia thành các hướng phát triển là IS (tiêm kích bắn hạ vệ tinh) và US (vệ tinh điều khiển).

Ngày 1/11/1963, một vệ tinh đánh chặn nguyên mẫu được phóng lên từ sân bay vũ trụ Baikonur. Hãng tin TASS cho biết:

“Để thực hiện chương trình này, ngày 1/11/1963, Liên Xô đã phóng tàu vũ trụ điều khiển cơ động Polet-1 được trang bị thiết bị đặc biệt và hệ thống động cơ đảm bảo tính ổn định và khả năng cơ động trong không gian gần Trái đất”. Lẽ đương nhiên, mục đích quân sự của tàu vũ trụ này đã được giữ kín.

Chương trình đã được phát triển thuận lợi, tàu vũ trụ Polet-2 cũng đã được phóng lên. Thế nhưng sau đó, Khrushchev thôi giữ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, dẫn đến chương trình cũng thay đổi.

Nhà lãnh đạo mới Leonid Brezhnev đã nghiêng về phía những người đồng hương của mình, nên đề án tên lửa UR-200 của Chelomey bị loại bỏ.

Thay vào đó, ông chọn tên lửa đẩy R-36 của Phòng thiết kế Yuzhnoye tại Dnepropetrovsk do Mikhail Yangel đứng đầu làm phương tiện phóng. Thế nhưng, chương trình này đã không đáp ứng về mặt thời hạn, và điều quan trọng nữa là cần phải có thêm kinh phí.

Trên nền tảng tên lửa đẩy R-36 của mình, Mikhail Yangel đã tạo ra dòng tên lửa Cyclone.

Liên Xô từng thử nghiệm tiêm kích bắn hạ vệ tinh như thế nào? - Ảnh 2.

Tên lửa Cyclone.

Ngày 27/10/1967, tên lửa Cyclone-2A đã đưa lên quỹ đạo một nguyên mẫu tiêm kích bắn hạ vệ tinh do Phòng thiết kế OKB-52 của Chelomey lắp ráp. Thay vì được đặt tên là Polet-3, thì phương tiện này lại có tên Cosmos-185.

Những đợt phóng thử nghiệm tiếp theo đã được tiến hành cũng với tên gọi Cosmos, chỉ thay đổi số hiệu trên phương tiện.

Cuối cùng, ngày 3/12/1971, sản phẩm mới nhất của chương trình đã được phóng lên quỹ đạo từ sân bay vũ trụ Baikonur.

Đó là một chiếc tiêm kích bắn hạ vệ tinh dẫn đường cơ động Cosmos-462. Sau khi vào quỹ đạo, nó đã bắn hạ thành công vệ tinh mục tiêu bằng một vụ nổ được định hướng. Toàn bộ hoạt động diễn ra trong 105 phút kể từ khi phóng lên.

Ủy ban Nhà nước Liên Xô đã đề xuất đưa tiêm kích bắn hạ vệ tinh vào trang bị cho quân đội và xây dựng hệ thống phòng thủ không gian. Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ này đã bị hoãn lại vài năm sau đó, bởi trong năm 1972, Liên Xô và Mỹ ký kết Hiệp ước hạn chế vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn 1 (SALT-1).

Do đó, việc triển khai hệ thống mới được bắt đầu vào năm 1978. Hệ thống này đã hoạt động thành công cho đến năm 1993.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại