“Liên tục có tiếng súng”- Nhà báo Afghanistan kể lại cuộc di tản hỗn loạn ở sân bay Kabul

Mai Trang |

Nhà báo Afghanistan Ramin Rahman, 27 tuổi, đã kể lại hành trình di tản trên chuyến bay rời khỏi đất nước tại Sân bay Quốc tế Hamid Karzai, sau khi lực lượng Taliban chiếm được thủ đô Kabul.

Ngày Taliban kiểm soát thủ đô Kabul, nhà báo Ramin Rahman nhận được cuộc gọi từ một người bạn ở Đức. Người này bảo Rahman đến sân bay ngay lập tức vì có khả năng máy bay di tản của Đại sứ quán Đức sẽ cất cánh vào ngày hôm đó. Rahman có tên trong danh sách di tản vì anh từng làm việc cho một hãng truyền thông của Đức và đã nộp đơn xin thị thực trong năm vừa qua.

“Tôi không có thời gian để suy nghĩ. Đây giống như 'phao cứu sinh' đối với tôi, một nhà báo tiến bộ, thẳng thắn, có hình xăm, cơ bản là đi ngược lại những gì Taliban đại diện. Tôi chỉ mang theo máy tính xách tay và điện thoại, ngoài ra không có gì khác. Tôi cảm thấy sợ hãi khi rời khỏi nhà. Chưa bao giờ tôi thấy áp lực đến vậy”, Rahman nói.

“Liên tục có tiếng súng”- Nhà báo Afghanistan kể lại cuộc di tản hỗn loạn ở sân bay Kabul - Ảnh 1.

Mọi người chen chúc trong chiếc máy bay di tản. Ảnh: Ramin Rahman

Sân bay ở Kabul chìm trong cảnh hỗn loạn

Khi Rahman đến sân bay ở thủ đô Kabul, cảnh tượng ở trạm kiểm soát an ninh rất khác lạ. Cảnh sát đã rời đi và lực lượng quân đội không còn ở đó. Chỉ có an ninh sân bay kiểm tra hành ký của hành khách.

“Khi đến nhà ga quốc tế, tôi bị sốc bởi cảnh tượng trước mắt và bắt đầu cảm thấy tuyệt vọng. Có hàng ngàn người, cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em đang loay hoay không biết phải làm gì. Họ lo sợ Taliban đang trên đường tới. Tất cả những người này, kể cả người nước ngoài, đổ dồn đến sân bay mà không biết chuyện gì sẽ xảy ra”, nhà báo Rahman kể lại.

Nhiều người tại sân bay bắt đầu hoảng sợ khi nhận ra có thể sẽ không có máy bay để họ rời khỏi Afghanistan. Ngay cả khi đã mua vé, không có gì đảm bảo chuyến bay sẽ cất cánh. “Họ sợ hãi và bắt đầu đập phá cửa kính và quầy bán vé. Kể từ lúc đó, tình hình trở nên tồi tệ hơn. Tôi trốn vào một góc, tôi cũng rất hoảng sợ”, Rahman nói.

Rahman quan sát một chiếc máy bay chuẩn bị khởi hành đến Thổ Nhĩ Kỳ. Mọi người lao về phía máy bay, thậm chí bám vào thang lên xuống ở cửa máy bay. Chiếc máy bay nhanh chóng quá tải và nhiều người bị đẩy ra ngoài để máy bay có thể cất cánh. “Họ hét to đến mức tôi có thể nghe thấy từ bên trong sân bay. ‘Chúng tôi muốn đi, nếu không chúng tôi sẽ chết’, một số người hét lên. Tôi chỉ biết chờ đợi trong sự kinh hãi và lo lắng về số phận của mình”, Rahman nói.

Khoảng 20h30 hoặc 21h, một người hét lên rằng Taliban đang ở bên trong sân bay. Mọi người bắt đầu la hét và chạy ra ngoài đường băng. Sân bay trở nên hoàn toàn hỗn loạn và không ai có thể kiểm soát được tình hình. Rahman nghe thấy tiếng súng nổ bên ngoài lối vào sân bay và nghĩ rằng lực lượng Taliban dường như đã đến.

“Mọi người xung quanh tôi đều sợ hãi và cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất. Không ai biết phải làm gì. Tôi gọi lại cho người bạn ở Đức, anh ấy nói rằng người Đức sẽ không bắt đầu di tản cho tới ngày hôm sau. Đây là một tin khủng khiếp. Tôi bắt đầu tính xem nên làm gì tiếp theo”, nhà báo Afghanistan kể lại.

Chuyến bay di tản nhiều cảm xúc

Một lúc sau, Rahman thấy các binh sĩ Mỹ dẫn đầu một nhóm nhỏ đi vào khu vực quân sự trong sân bay. “Đây là đất của người Mỹ và Taliban sẽ không đến đây”, một binh sĩ nói với nhóm người nước ngoài. Rahman và nhiều người khác bắt đầu chạy theo họ. “Chúng tôi liên tục nghe thấy những tiếng súng nổ gần đến mức đáng sợ. Tôi cảm thấy thời gian như ngừng trôi. Tất cả những gì tôi nghe được là tiếng thúc giục ‘Đi nhanh lên’ của lính Mỹ”, Rahman nói.

Một dòng người đổ xô lên máy bay và Rahman đi theo. Có hàng trăm người trên máy bay và không có chỗ để ngồi, tất cả mọi người đều đang đứng.

Các phi công Mỹ nói rằng máy bay không thể di chuyển vì có quá nhiều người trên máy bay. “Làm ơn hãy ra ngoài bớt”, một trong số các phi công hét lên. Sau đó, các binh sĩ đến và bắt đầu đưa một số người ra từ cả cửa trước và cửa sau của máy bay.

“Khung cảnh trên máy bay rất hỗn loạn và căng thẳng. Mọi người xô đẩy nhau. Tôi nhìn sang những người mẹ và những đứa trẻ sơ sinh xung quanh và cảm thấy tội lỗi. Tôi quyết định xuống máy bay”, nhà báo Rahman nhớ lại.

Tuy nhiên, khi Rahman tiến về phía cửa để rời khỏi máy bay, một số binh sĩ Mỹ xuất hiện ở bên ngoài trên những chiếc xe Humvee. Một trong những người lính nói Rahman hãy ở yên trên máy bay bởi tình hình bên ngoài có thể sẽ rất nguy hiểm.

“Rồi đột nhiên, binh sĩ Mỹ bảo những người đang đứng xung quanh cửa đi vào máy bay. Đây là cơ hội duy nhất. Chúng tôi đi vào bên trong và họ đóng cửa máy bay lại”, Rahman nói.

“Tôi không thể nhìn ra ngoài vì không có cửa sổ. Máy bay đứng im trong khoảng một giờ. Và sau đó, không một lời thông báo, máy bay bắt đầu di chuyển và cất cánh”, Rahman nói thêm.

“Đó là một trong những khoảnh khắc hạnh phúc nhất. Tất cả mọi người đều vỗ tay. Chúng tôi thấy rất cảm kích vì các phi công Mỹ đã giúp máy bay cất cánh. Mọi người đều có tâm lý rằng họ sẽ chết nếu chiếc máy bay không khởi hành. Chúng tôi đã rất hạnh phúc”, Rahman kể lại khoảnh khắc máy bay cất cánh rời khỏi Afghanistan.


Chuyến bay cũng gặp rất nhiều khó khăn. Có nhiều trẻ sơ sinh trên máy bay và cha mẹ phải bế các em lên cao để tránh người khác va vào. Không có thức ăn và nước uống trong chuyến bay kéo dài nhiều giờ.

Chiếc máy bay hạ cánh xuống Qatar tại sân bay của lực lượng quân đội Mỹ và mọi người được đưa đến một căn cứ quân sự. Khi đến nơi, nhà báo Rahman có cảm xúc lẫn lộn. Anh vừa thấy hạnh phúc, vừa buồn bã, vừa bối rối và kiệt sức. Rahman đã giúp những người không nói được tiếng Anh giải thích về tình trạng của họ và lấy thuốc.

“Tôi đã có cơ hội để thay đổi cuộc sống của mình khỏi một tình cảnh có thể sẽ rất khủng khiếp. Tôi mong chờ những mới ở phía trước. Tôi buồn vì phải rời bỏ tất cả mọi thứ. Tôi rất buồn cho Afghanistan. Nhưng tôi hạnh phúc vì mình còn sống”, Rahman nói./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại