Liên quân Mỹ-Pháp-Anh không ăn ý trong vụ tấn công Syria?

Hồng Hạnh |

Mất khoảng một giờ đồng hồ để Mỹ, Anh và Pháp triển khai cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào Syria mà không gây ra thiệt hại đáng kể, rất có thể ba quốc gia này đã thất bại trong việc phối hợp với nhau.

Đây là lời nhận định của cựu Tư lệnh Hạm đội Baltic Nga Đô đốc Vladimir Valuyev được đăng trên trang tin Đài phát thanh Sputnik ngày 15/4.

Đô đốc Valuyev nhấn mạnh nếu như là một cuộc tấn công thành công, ắt hẳn và quan trọng nhất là các quả tên lửa phải phóng xuống mục tiêu cùng một lúc. Tuy nhiên, đó không phải là hình ảnh chúng ta được chứng kiến trong màn tấn công vào tối 13/4 của Mỹ và đồng minh.

"Không chỉ vậy, hệ thống phòng không lạc hậu từ thời Xô viết mà hiện Quân đội Syria dùng để đánh chặn cũng thành công bắn hạ hơn 71 trong tổng số 105 tên lửa hiện đại", Đô đốc Valuyev giải thích thêm.

Theo ông, nếu như cuộc tấn công tên lửa đó được lập trình nhắm vào khu vực mà lực lượng Nga kiểm soát, nơi có hệ thống phòng không tân tiến hơn, thì khả năng đánh chặn các quả tên lửa của Mỹ và liên minh lên tới xấp xỉ gần 100%.

Đô đốc Valuyev nhấn mạnh cuộc tấn công lần này của Mỹ-Anh-Pháp chỉ nhằm vào các mục tiêu thứ cấp, được giới chức lãnh đạo và quân đội Mỹ lựa chọn ngẫu nhiên các cơ sở sản xuất và dự trữ vũ khí hóa học.

Với số lượng tàu chiến và máy bay Mỹ, Anh, Pháp được điều động tới gần Syria, các chuyên gia ước tính đáng nhẽ 300 đơn vị tên lửa phải được sử dụng trong cuộc tấn công chung. Tuy nhiên "họ chỉ sử dụng 1/3 số đó. Tất cả số liệu này cần phải được phân tích kỹ lưỡng trước khi có các hành động trả đũa trên mặt trận ngoại giao".

Tối 13/4 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo quyết định triển khai một cuộc tấn công tên lửa nhằm vào các mục tiêu Syria , để đáp trả điều Washington cáo buộc là Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học trong thành phố Douma ngày 7/4 khiến 40 người thiệt mạng.

Quân đội Nga khẳng định các đơn vị phòng không của Syria đã đánh chặn thành công 71 trong tổng số 110 tên lửa Tomahawk được triển khai. Theo Bộ Quốc phòng Nga, hệ thống phòng không S-200, S-125, tổ hợp tên lửa phòng không BUK và Kvadrat được sử dụng để đối phó với cuộc tấn công.

Các đơn vị phòng không của Nga không tham gia vào lần đánh chặn tối 13/4 do không có quả tên lửa nào rơi xuống khu vực họ chịu trách nhiệm. Theo Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford, Mỹ "xác định rõ ràng" các mục tiêu tấn công tại Syria để tránh lực lượng vũ trang Nga can thiệp.

Tướng Dunford cho biết Mỹ đã sử dụng kênh liên lạc giảm căng thẳng để đảm bảo không gây ra xung đột trên không phận. Ba trong số mục tiêu mà Mỹ xác nhận tấn công Syria bao gồm một trung tâm nghiên cứu khoa học tại thủ đô Damascus, kho vũ khí hóa học tại phía Tây tỉnh Homs và cuối cùng là cơ sở chỉ huy, tích trữ thiết bị vũ khí gần sát địa điểm vừa nêu ở Homs.

Ngày 12/4, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố họ có bằng chứng cho thấy cuộc tấn công bị cho là sử dụng vũ khí hóa học ở Douma là tin tức giả mạo được các tổ chức phi chính phủ mà phương Tây hậu thuẫn, trong đó có tổ chức White Helmets, dàn dựng, nằm trong âm mưu tạo bàn đạp cho Mỹ triển khai tấn công Syria.

Link bài gốc tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại