Giao tranh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd bước sang ngày thứ 3 liên tiếp
Giao tranh giữa lực lượng người Kurd tại Syria và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bước sang ngày thứ 3 liên tiếp với những diễn biến gay cấn hơn và không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy tình hình sẽ hạ nhiệt. Hiện tại, các binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt biên giới với Syria, tiến vào khu vực Afrin ở miền Bắc Syria do YPG kiểm soát. Hãng thông tấn Anadolu cho biết, các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ, được sự hỗ trợ của Quân đội Tự do Syria (FSA) đã giành quyền kiểm soát 11 cứ điểm từ các lực lượng người Kurd.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho biết, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ có ý định thiết lập "một khu vực an toàn" sâu khoảng 30km bên trong lãnh thổ Syria. Đây là lần đầu tiên, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo lực lượng bộ binh nước này tham gia chiến dịch tấn công bên trong Syria. Trong khi đó, các vụ phóng tên lửa đáp trả xuyên biên giới từ lãnh thổ Syria vào thị trấn Reyhanli và Kilis của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến 1 người thiệt mạng và hơn 50 người bị thương.
Trước đó ngày 20/1, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thông báo bắt đầu tiến hành chiến dịch lớn mới mang tên "Nhành Ôliu" nhằm đánh bật lực lượng Các Đơn vị Tự vệ nhân dân người Kurd (YPG) khỏi Afrin. Theo các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ, 32 máy bay chiến đấu của nước này đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào nơi ẩn náu, các kho vũ khí, đạn dược của YPG.
Phản ứng của Nga và Iran trước chiến dịch “Nhành Ôliu” của Thổ Nhĩ Kỳ
Hãng tin TASS dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Vladimir Shamanov hôm 21/1 cho rằng chiến dịch "Nhành Ôliu" của Thổ Nhĩ Kỳ có thể tạo ra những khó khăn nhất định cho cho Đại hội Đối thoại dân tộc Syria, dự kiến diễn ra trong hai ngày 29 và 30/1 tại Sochi.
Ông Shamanov nhấn mạnh:“Những diễn biến này sẽ tạo ra ảnh hưởng tiêu cực. Chính phủ Syria cho rằng họ xem hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là sự can thiệp các vấn đề nội bộ và điều này có thể ảnh hưởng cuộc đối thoại sắp tới”. Quan chức này cho biết thêm, Nga đã áp dụng những biện pháp chính trị - ngoại giao có thể liên quan đến kế hoạch của Ankara và sẽ tiếp tục có những động thái tiếp theo.
Trước đó hôm 20/1, Bộ Quốc phòng Nga thông báo tái triển khai một nhóm các thành viên của Trung tâm Nga hòa giải các bên tham chiến Syria và lực lượng quân cảnh dọc theo khu vực từ thành phố Afrin tới Tel Ajar thuộc vùng giảm căng thẳng Tel Rifaat của Syria để kiềm chế các hành động gây hấn. Hiện tại, trung tâm Nga tái hòa giải các bên tham chiến tại Syria đang theo dõi tình hình bên trong và ngoài khu vực giảm căng thẳng để hỗ trợ người dân đang phải đi lánh nạn do giao tranh.
Về phía Iran, Bộ Ngoại giao Iran nước này bày tỏ quan ngại về tình hình đang diễn ra tại Afrin, đồng thời yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt ngay chiến dịch. Bộ Ngoại giao Iran cho rằng xung đột tại Afrin có thể giúp các nhóm khủng bố xuất hiện trở lại ở các khu vực miền Bắc Syria, làm phức tạp thêm tình hình. Bộ này kêu gọi đặc biệt các nước láng giềng của Syria tiếp tục duy trì nỗ lực nhằm đạt được hòa bình và giải pháp chính trị.
Quan hệ Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ liệu có đổ vỡ sau vụ việc trên
Mối liên kết thế chân kiềng Nga- Iran-Thổ Nhĩ Kỳ xuất phát từ động lực chống chủ nghĩa khủng bố, đặc biệt là tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS), vốn đe dọa nghiêm trọng an ninh của mỗi nước. Ngoài ra, việc Thổ Nhĩ Kỳ thất vọng trước phản ứng của Liên minh Châu Âu và Mỹ với vấn đề an ninh nội bộ nước này, cũng như việc EU lần lữa trong kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ làm thành viên cũng khiến Thổ Nhĩ Kỳ quay sang hợp tác chặt chẽ hơn với Nga, Iran.
Trong thời gian qua, cả Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã phối hợp rất hiệu quả trong cuộc chiến chống IS tại Syria. Bên cạnh đó, 3 bên cũng là các quốc gia bảo trợ cho đề xuất thành lập vùng giảm căng thẳng tại Syria, đồng thời ủng hộ việc tổ chức “Đại hội đối thoại dân tộc Syria” tại thành phố Sochi (Nga) trong hai ngày 29-30 /1 để tìm kiếm giải pháp cho tiến trình hòa bình tại Syria.
Sau tất cả, các nhà phân tích cho rằng chiến dịch “Nhành Ôliu” của Thổ Nhĩ Kỳ tạm thời chưa thể ảnh hưởng đến quan hệ giữa nước này với Nga và Iran, bởi mục tiêu chính của chiến dịch nhằm vào lực lượng người Kurd tại Syria, đặc biệt là Các đơn vị tự vệ nhân dân người Kurd (YPG) – thành phần chính của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn. Với chiến dịch này, Thổ Nhĩ Kỳ muốn chặn đứng nguy cơ người Kurd tại Syria đứng ra thành lập một chính quyền tự trị vì nếu điều này thành hiện thực sẽ truyền cảm hứng cho những tham vọng tương tự với người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Chuyện người Kurd thành lập nhà nước tự trị cũng là vấn đề đau đầu đối với cả Syria và Iran. Chính phủ Syria lo ngại quyền tự chủ của người Kurd ở miền Bắc có thể khiến Syria bị chia cắt, ngăn cản nỗ lực phục hồi toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ đất nước. Còn đối với Iran điều này sẽ có nguy cơ thổi bùng ngọn lửa tự trị người Kurd ở Iran.
Ngoài vấn đề người Kurd, việc Thổ Nhĩ Kỳ tấn công YPG tại Afrin còn được coi là hành động hạ bệ uy tín và ảnh hưởng của Mỹ tại Syria. Từ trước đến nay, Nga và Iran luôn có quan điểm bất đồng với Mỹ về nhiều vấn đề tại Trung Đông. Do vậy, dù không ủng hộ việc Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự chống lực lượng người Kurd tại khu vực Afrin của Syria, nhưng Bộ Quốc phòng Nga cũng biện minh rằng hoạt động này của Thổ Nhĩ Kỳ là để đáp trả Mỹ.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, những hành động vô trách nhiệm từ phía Mỹ, mà điển hình là việc Mỹ cung cấp các loại vũ khí hiện đại, trong đó có tổ hợp tên lửa phòng không vác vai (MANPADS), cho các nhóm vũ trang đối lập tại Syria chính là “nguồn cơn” làm căng thẳng leo thang nhanh chóng. Phía Nga cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ cũng phản ứng tiêu cực với tuyên bố của Mỹ về thành lập Lực lượng an ninh biên giới (BSF) ở phía bắc Syria./.