Ba nước vừa bắt tay với Washington là Nhật Bản, Úc, New Zealand. Chương trình dự kiến cung cấp điện cho 70% dân số Papua New Guinea vào năm 2030. Phó tổng thống Mike Pence khẳng định đây là minh chứng cho thấy Mỹ cùng doanh nghiệp nước này sẽ đầu tư vào khu vực với quy mô chưa từng có.
Cũng theo ông Pence, chương trình 1,7 tỉ USD chỉ là dự án đầu tiên mà Washington hợp tác với Nhật, Úc, New Zealand cung cấp vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng tại Thái Bình Dương.
Phía chính quyền Canberra tuyên bố đóng góp 18,3 triệu USD trong năm đầu tiên thực hiện chương trình này.
Gần 80% dân số Papua New Guinea sống ở ngoài khu vực đô thị với cơ sở hạ tầng kém phát triển. Thời gian qua đảo quốc này trở thành điểm nóng trong cạnh tranh Trung Quốc - phương Tây.
Trong khuôn khổ BRI, Bắc Kinh đã đổ khoản đầu tư khổng lồ vào hơn 100 dự án ở Papua New Guinea và các đảo quốc Thái Bình Dương khác.
Mới đây trong ngày 18.11, cố vấn chính trị của Thủ tướng Tonga ‘Akilisi Pōhiva cho biết nước này vừa ký kết một bản ghi nhớ về BRI và được cường quốc châu Á kéo dài thời gian thanh toán nợ thêm 5 năm.
Tonga vay tiền từ Trung Quốc để xây dựng lại thủ đô sau các cuộc bạo loạn năm 2006. Lãi suất cùng nhiều khoản vay bổ sung khiến số nợ từ 65 triệu USD nay lên đến 115 triệu USD, tương đương 1/3 GDP hằng năm của nước này.
Ngoài chương trình 1,7 tỉ USD, Phó tổng thống Pence hôm 17.11 còn tuyên bố Washington sẽ cùng với Úc và Papua New Guinea tái phát triển căn cứ hải quân Lombrum trên đảo Manus để bảo vệ cho chủ quyền cùng quyền tự do hàng hải của tất cả các đảo quốc ở Thái Bình Dương.
Tập đoàn dầu khí Exxon Mobil của Mỹ cũng có kế hoạch đầu tư vào Papua New Guinea.