Liên hợp quốc: Rủi ro hạt nhân đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ

Kông Anh/VTC News |

Hôm 22/8, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết rủi ro hạt nhân hiện đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.

“Nguy cơ hạt nhân đã lên đến đỉnh điểm cao nhất trong nhiều thập kỷ", Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nói trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

“Các quốc gia có vũ khí hạt nhân phải cam kết không sử dụng những vũ khí đó. Họ cũng phải đảm bảo với các quốc gia không có vũ khí hạt nhân rằng sẽ không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân để chống lại quốc gia khác, cũng như phải minh bạch", ông Antonio Guterres nhấn mạnh.

Liên hợp quốc: Rủi ro hạt nhân đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ - Ảnh 1.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: EPA-EFE)

Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc, "tất cả các quốc gia phải đề cao một thế giới không có vũ khí hạt nhân, nỗ lực tiến tới bàn đàm phán để xoa dịu căng thẳng và chấm dứt cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân".

Hồi tháng 6, Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cảnh báo, nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân trên thế giới đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Theo viện này, kho vũ khí hạt nhân toàn cầu được dự đoán sẽ gia tăng trong những năm tới, lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Lạnh.

Xung đột Nga - Ukraine và sự ủng hộ của phương Tây đối với Kiev đã làm gia tăng căng thẳng giữa những quốc gia được trang bị vũ khí hạt nhân. SIPRI cho biết, số lượng vũ khí hạt nhân đã giảm nhẹ trong khoảng thời gian từ tháng 1/2021 đến tháng 1/2022. Song, nếu các cường quốc hạt nhân không có hành động ngay lập tức, kho vũ khí hạt nhân có thể sớm gia tăng lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ.

Sau khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin đã đặt lực lượng răn đe hạt nhân của Nga trong tình trạng báo động cao. Ông cũng cảnh báo về những hậu quả có thể xảy ra là "chưa từng thấy trong toàn bộ lịch sử" đối với các quốc gia ngăn chặn Nga.

Nga có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới với tổng cộng 5.977 đầu đạn hạt nhân, nhiều hơn Mỹ khoảng 550 đầu đạn. Đây là 2 nước sở hữu hơn 90% số lượng đầu đạn hạt nhân trên toàn thế giới. SIPRI cho biết thêm, Trung Quốc cũng đang trong giai đoạn mở rộng kho vũ khí hạt nhân với hơn 300 hầm chứa tên lửa mới.

Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu nói rằng không có mục tiêu nào ở Ukraine khiến Nga phải tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân, do đó tất cả các cáo buộc cho rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến dịch quân sự hiện nay đều là vô căn cứ.

Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu cho rằng, việc kiểm soát và cắt giảm vũ khí chiến lược đang ở tình thế khó khăn do sự đối đầu không ngừng giữa Mỹ và Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại