Lịch sử Lockheed Martin - Tập đoàn chế tạo hệ thống chiến đấu cho tàu ngầm mới của Úc

Đỗ Minh |

Lockheed Martin - Tập đoàn chế tạo trang thiết bị quốc phòng lớn nhất thế giới đồng thời cũng là hãng lắm điều tiếng nhất sẽ cung cấp công nghệ quân sự tạo sức mạnh cho tàu ngầm mới của Australia.

Christopher Pyne - Bộ trưởng Công nghiệp Quốc phòng Australia vừa công bố hôm 30/9/2016, rằng Lockheed Martin đã được trao hợp đồng 1,4 tỉ USD để cung cấp các hệ thống chiến đấu cho 12 tàu ngầm mới.

Lịch sử Lockheed Martin - Tập đoàn chế tạo hệ thống chiến đấu cho tàu ngầm mới của Úc - Ảnh 1.

Tàu ngầm cỡ 4.000 tấn Shortfin Barracuda do hãng DCNS chế tạo. (Nguồn ảnh: DCNS)

Tập đoàn Mỹ khổng lồ này chính là kẻ đứng sau - và nhận chỉ trích nặng nề của dự án chế tạo F-35 Joint Strike Fighter (JSF), chiếc máy bay tàng hình thế hệ thứ 5 chưa hoàn chỉnh đã tăng giá gần gấp đôi. Giá trị của dự án chế tạo F-35 đã lên tới 396 tỉ USD, do những chậm trễ về tài chính và nhiều vấn đề kỹ thuật.

Chi nhánh tại Australia của "người khổng lồ quốc phòng Mỹ" này đã đánh bại đối thủ đồng hương Raytheon và giành được hợp đồng trị giá khoảng 50 tỉ USD. Nó có nghĩa là sẽ tạo được 200 việc làm tại cơ sở của Lockheed Martin ở Mawson Lakes, Adelaide, Australia, trong giai đoạn thiết kế và xây dựng.

Lịch sử Lockheed Martin - Tập đoàn chế tạo hệ thống chiến đấu cho tàu ngầm mới của Úc - Ảnh 2.

Tiêm kích F-35

Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Australia - Marise Payne có đoạn: "Bằng cách hợp tác với một công ty Mỹ vừa có chi nhánh tại Australia vừa có các mối liên kết mạnh mẽ tại Mỹ, chúng tôi đảm bảo sẽ có được những công nghệ tốt nhất của Australia và Mỹ, trong khi vẫn chắc chắn bảo mật được công nghệ nhạy cảm của mình".

Công việc của Lockheed theo hợp đồng là cung cấp các hệ thống kết nối tất cả các thành phần khác nhau của tàu ngầm, sao cho chúng làm việc đồng bộ. Đó chính là tích hợp hệ thống.

Các thành phần nói trên bao gồm các cảm biến như sonar, thông tin - liên lạc, dẫn đường và các hệ thống vũ khí bao gồm ngư lôi và tên lửa trên tàu ngầm.

Tàu ngầm được coi là thứ vũ khí có vai trò quan trọng đối với tương lai của nền quốc phòng Australia.

Bước đột phá

Nay, khi hợp đồng đã được trao cho Lockheed Martin, việc thiết kế và chế tạo các tàu ngầm mới của Australia có thể được khởi động.

Australia đã trao hợp đồng thiết kế và chế tạo tàu ngầm mới cho nhà thầu Pháp DCNS hồi cuối tháng 4/2016. Các tàu này sẽ là tàu ngầm thông thường, về đặc điểm cấu tạo thì chúng là phiên bản thu nhỏ của loại tầu ngầm hạt nhân Pháp có lượng giãn nước 4.700 tấn Shortfin Barracuda.

Hợp đồng với Lockheed có tầm quan trọng chỉ đứng sau hợp đồng trao cho DCNS. DCNS đã yêu cầu Australia quyết định nhanh việc tích hợp hệ thống chiến đấu, để hãng có thể bắt đầu sớm công việc thiết kế các tàu ngầm mới.

Các tàu Barracuda sẽ thay thế những tàu động cơ diesel-điện lớp Collins đã lão hóa của Australia. Bộ trưởng quốc phòng Pháp - Jean-Yves Le Drian và ông chủ của DCNS đều tuyên bố hoan nghênh quyết định trao hợp đồng tích hợp hệ thống chiến đấu cho Lockheed Martin.

Nhưng theo kinh nghiệm của Australia có từ các tàu ngầm Collins, trong số nhiều vấn đề của lớp tàu Collins (bao gồm tiếng ồn lớn quá mức, động cơ và máy phát điện không đáng tin cậy...), thì hệ thống chiến đấu là là thứ tồn tại dai dẳng nhất đến nay, tốn kém và mất nhiều thời gian để sửa chữa nhất.

Cuối cùng, bộ Quốc phòng Australia từ bỏ những nỗ lực cải tiến sửa chữa các hệ thống đó, và thay thế bằng cách chọn các hệ thống tương tự như trên tàu ngầm hạt nhân Mỹ.

Chính phủ Australia đã quy định các tàu ngầm mới sẽ được trang bị tương tự như tàu lớp Collins, có thiết bị AN/BYG-1 của Mỹ, ngư lôi Mark 48 là vũ khí chính.

Lịch sử Lockheed Martin - Tập đoàn chế tạo hệ thống chiến đấu cho tàu ngầm mới của Úc - Ảnh 3.

Sức mạnh của ngư lôi Mark 48 đánh trúng mục tiêu, phóng từ tàu ngầm HMAS Farncomb (chiếc thứ hai trong lớp Collins) ở cự ly ngoài tầm nhìn. (Ảnh: Scott Connolly và Stuart Farrow. Nguồn: News Corp Australia)

Nhìn lại lịch sử

Australia, tất nhiên, không mong muốn hợp đồng tàu ngầm của mình sẽ bị vây bủa bởi những vấn đề như với dự án Joint Strike Fighter F-35 của Lockheed Martin.

Chiếc máy bay được cho là thế hệ máy bay tàng hình tiếp theo của Mỹ, nhưng đến nay đã trở thành "chương trình vũ khí đắt đỏ nhất trong lịch sử loài người", như lời Mark Thompson trong tạp chí Time.

Nhiều người nhận ra Lockheed là nhà thầu chính của đề án F-35 - đề án được khởi động từ năm 2001 nhưng đến nay đã tăng giá trị gần gấp đôi, đạt 396 tỉ USD, với vô số thiếu sót về tính năng kỹ thuật.

Air Power Australia - tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu về hàng không trong lĩnh vực quân sự và chính sách - từng "dán nhãn" cho F-35 là loại chiến đấu cơ "ngớ ngẩn nhất về mọi mặt, bậc thầy của sự thiếu hiệu quả" trong một cuộc điều tra của Thượng viện Australia năm nay.

Những ý kiến khác thì chỉ trích về sự yếu ớt của F-35, cũng như kém khả năng cơ động và khả năng quan sát mục tiêu ở bán cầu sau máy bay.

Australia là một trong những quốc gia đã cam kết sẽ mua các chiến đấu cơ F-35 của Mỹ, sẽ nhận được 72 chiếc với chi phí mua là 72 tỉ USD.

Gần đây nhất, ngày 12/7/2016, chiến đấu cơ Lockheed Martin F-35 Lightning II đã có một màn bay trình diễn tại Triển lãm hàng không Farnborough, tại Tây Nam London, nước Anh.

Lịch sử Lockheed Martin - Tập đoàn chế tạo hệ thống chiến đấu cho tàu ngầm mới của Úc - Ảnh 4.

Chương trình F-35 còn tồn tại vô số lỗi cần khắc phục

Chiếc F-35 đầu tiên được dự kiến hoạt động vào giữa năm 2015, nhưng chiếc đầu tiên được dự kiến giao cho Australia không sớm hơn năm 2018. Các phi đội F-35 đầu tiên của Australia sẽ đi vào hoạt động năm 2021, tất cả F-35 của nước này sẽ hoạt động vào năm 2023.

Chiến đấu cơ tàng hình này gặp vô số trục trặc, bao gồm cả vấn đề radar trên máy bay dễ hư hại do sét đánh và tăng nhiệt độ quá cao trong khi hoạt động, hoặc chuyện các phi công nhẹ cân có nguy cơ chấn thương cổ lúc ghế lái bật ra khỏi máy bay lúc bắt đầu nhảy dù, hoặc là chuyện hệ thống điện tử của F-35 không tương thích với một vài hệ thống điện tử khác của quân đội Mỹ...

Lockheed - Kẻ gây tranh cãi

Một số cho rằng Lockheed Martin đã sử dụng ảnh hưởng của mình tại Mỹ để "giữ cho các chương trình của hãng đi đúng hướng", bao gồm các chương trình máy bay chiến đấu F-35.

Công ty đã được mô tả là "quá lớn để sụp đổ" vì vai trò chủ đạo của nó trong ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ. Trong năm 2014, hãng đã nhận được các hợp đồng từ Lầu Năm Góc có tổng giá trị lên đến 25 tỉ USD.

Bởi vì vai trò của Lockheed trong việc cung cấp việc làm là rất quan trọng trên khắp nước Mỹ, hãng có ảnh hưởng lớn trong các chính trị gia Mỹ, người ta từng thấy đại biểu đảng Cộng hoà trích dẫn văn bản chính thức của Lockheed trong phiên điều trần.

Một số người lo lắng rằng như thế có nghĩa là Lầu Năm Góc sẽ có ít "đòn bẩy" để hoặc là chấm dứt các chương trình của đề án F-35, hoặc là tái lập quy mô của chúng vì những nguyên nhân kỹ thuật hoặc chi phí.

Xem xét việc Lockheed gần như sụp đổ vào năm 1971, có thể thấy sức mạnh của tập đoàn này. Thời đó, việc tăng chi phí phát triển loại máy bay phản lực L-1011 đã khiến Lockheed gần như phá sản.

Chính phủ Mỹ đã giải cứu công ty bằng một khoản vay 250 triệu USD. Khi đó công ty mang tên là Lockheed Aircraft Corp, năm 1995 mới sáp nhập với Martin Marietta để trở thành Lockheed Martin. Tuy nhiên, một cuộc điều tra sau đó tìm thấy bằng chứng Lockheed đã hối lộ những chính phủ ngoại quốc để bán được máy bay chiến đấu do mình chế tạo.

Trong một cuộc điều trần của Thượng viện Mỹ, Carl Kotchian - người sau này trở thành chủ tịch của Lockheed Martin đã thừa nhận ông đã trả hàng triệu cho các quan chức chính phủ Nhật Bản, Italia và Hà Lan, trong đó có khoản 12 triệu USD chi cho các chính trị gia và doanh nhân Nhật Bản.

Vụ áp-phe này đã trở thành một trong những vụ bê bối hối lộ lớn nhất ở Mỹ. Các thăm dò Thượng viện cũng cho thấy nhiều công ty Mỹ coi tặng quà, hối lộ và lại quả là một phần của hoạt động kinh doanh ở ngoài Mỹ. Chính phủ Mỹ, sau đó, thông qua luật cấm người Mỹ hối lộ quan chức chính phủ ngoại quốc.

Trong hồi ký của mình, Kotchian cho biết các loại "quà tặng" là thứ phổ biến trong suốt hai thập niên 1960 và 1970, và chúng không vi phạm luật pháp Mỹ.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của hãng tin AP trong năm 1978, Kotchian cho biết: "Nếu chúng ta được trở lại thời đó, tôi có thể lại làm thế. Nhưng trong thời điểm hiện tại, với sự thay đổi trong cách nhìn nhận và các tiêu chuẩn đang được áp dụng hiện nay, tôi không nghĩ rằng tôi sẽ làm".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại