Libya: Toán vũ trang Pháp bị "tóm dính", Paris á khẩu trước cáo buộc giúp Haftar đánh Tripoli?

Hải Võ |

13 người có vũ trang mang hộ chiếu ngoại giao Pháp đi từ Libya đã bị tạm giữ tại Tunisia hồi tuần trước - các nguồn tin ở Tunisia tiết lộ với Middle East Eye.

Theo các nguồn tin của MEE, nhóm người Pháp này đã cung cấp hỗ trợ về hậu cần cho các lực lượng Libya trung thành với nguyên soái Khalifa Haftar trong chiến dịch đánh chiếm thủ đô Tripoli.

Thông qua đại sứ quán tại Tunis, Paris bác bỏ thông tin trên và cho biết những người Pháp này là thành viên trong chương trình "bảo đảm an ninh" cho đại sứ Pháp tại Libya.

MEE đã thu được hình ảnh hộ chiếu của nhóm người Pháp bị tạm giữ. Theo đó, tất cả đều trong độ đuổi từ 20 đến hơn 30 và bị chặn lại khi cố gắng tiến vào lãnh thổ Tunisia thông qua cửa khẩu ven biển tại Ras Ajdir. Giới chức Tunisia cho biết nhóm người Pháp mang theo vũ trang và đạn dược.

Một nhóm công dân châu Âu khác cũng bị nhà chức trách Tunisia chặn lại hồi tuần trước khi cố gắng xâm nhập vào nước này từ Libya bằng đường biển.

Nghi vấn hỗ trợ Quân đội quốc gia Syria (LNA) của tướng Haftar - bao gồm khả năng đưa lực lượng trên bộ - có thể khiến Pháp mất mặt, đặc biệt sau khi chính phủ tổng thống Emmanuel Macron bày tỏ ủng hộ "chính phủ hợp pháp của thủ tướng [Libya] Fayez al-Sarraj và phương án hòa giải của Liên hợp quốc".

Liên minh châu Âu (EU) cũng công nhận Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) tại Tripoli, trong khi thủ tướng Đức Angela Merkel lên tiếng chỉ trích chiến dịch tấn công do Haftar phát động từ ngày 4/4.

Libya: Toán vũ trang Pháp bị tóm dính, Paris á khẩu trước cáo buộc giúp Haftar đánh Tripoli? - Ảnh 1.

Hình ảnh làm mờ hộ chiếu nhóm vũ trang người Pháp mà trang MEE có được

Thủ tướng Libya vạch tội Pháp ủng hộ Haftar

Trong khi Pháp phủ nhận hỗ trợ LNA, thủ tướng al-Sarraj ngày hôm nay (24/4) cáo buộc quốc gia châu Âu ủng hộ đối thủ Khalifa Haftar - người mà ông gọi là "kẻ độc tài".

Phát ngôn của ông Sarraj được đăng tải trên các báo Liberation và Le Monde của Pháp là những chỉ trích gay gắt nhất nhằm vào Paris.

"Chúng tôi ngạc nhiên khi Pháp không ủng hộ chính phủ dân chủ của chúng tôi, nhưng lại ủng hộ một kẻ độc tài," thủ tướng Sarraj nói.

"Khi [tổng thống Pháp] Emmanuel Macron gọi điện cho tôi, tôi đã cảnh báo ông ấy về quan điểm dư luận chống lại Pháp. Chúng tôi không muốn người Libya ghét Pháp. Pháp vẫn có một vai trò quan trọng và tích cực."

Trả lời tờ Le Monde hôm 22/4, thủ tướng Libya nói Pháp có lỗi một phần trong chiến dịch tấn công của Haftar vào Tripoli, đến nay khiến 264 người thiệt mạng và hơn 1.200 người bị thương.

"Sự ủng hộ không cân xứng từ Pháp đối với Haftar đã thúc đẩy ông ta quyết định hành động (tấn công Tripoli) và từ bỏ lộ trình chính trị," ông nói.

Trong khi đó, Pháp khẳng định họ có liên hệ với tất cả các bên liên quan trong cục diện chia cắt tại Libya, nơi các nhóm vũ trang và nhiều phe phái chính trị cạnh tranh nhau để giành quyền lực.

Tuy nhiên, AFP dẫn nguồn tin ngoại giao Pháp thể hiện quan ngại về việc chính quyền ông Sarraj thiếu sức ảnh hưởng và bị phụ thuộc vào các nhóm vũ trang Hồi giáo cũng như tổ chức Anh em Hồi giáo. Thủ tướng Libya cũng được Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ.

Libya: Toán vũ trang Pháp bị tóm dính, Paris á khẩu trước cáo buộc giúp Haftar đánh Tripoli? - Ảnh 2.

Các phương tiện của lực lượng GNA trong cuộc giao tranh với quân Haftar phía nam thủ đô Tripoli, ngày 20/4/2019 (Ảnh: Mahmud TURKIA / AFP)

Nghi vấn viện trợ của Pháp cho Haftar

Bộ trưởng nội vụ của chính phủ GNA ông Fathi Bach Agha tuyên bố vào tuần trước rằng Tripoli đã cắt đứt liên hệ về an ninh với Pháp, trước cáo buộc Paris ngầm ủng hộ quân Haftar.

Trong khi vai trò của Pháp vẫn còn mơ hồ, các nhà phân tích chỉ ra Paris nhìn nhận Haftar và LNA là lực lượng có tiềm năng ổn định được cục diện quốc gia Bắc Phi.

Tướng Khalifa Haftar ngày càng được các đồng minh, bao gồm Nga và Ai Cập, đánh giá là một bức tường cứng rắn chống lại lực lượng Hồi giáo đã giành được vị thế ở Libya từ sau vụ lật đổ nhà độc tài Muammar Gaddafi năm 2011.

Pháp - quốc gia từng hứng chịu hàng loạt vụ tấn công khủng bố do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) gây ra - đã ủng hộ LNA khi họ chống lại IS.

Jalel Harchoui, chuyên viên phân tích về Libya tại Viện Clingendael ở The Hague, nói rằng Pháp đã giúp đỡ quân Haftar bằng "các cố vấn quân sự trên thực địa để hỗ trợ về đào tạo, giám sát và xác định mục tiêu các cuộc tấn công".

AFP cho biết, Pháp bị buộc phải thừa nhận đã viện trợ quân sự cho Haftar sau khi ba binh sĩ nước này bị thiệt mạng ở Libya trong một nhiệm vụ thu thập tình báo vào năm 2016.

Pháp từ lâu đã có liên hệ với Haftar và mời ông này dự hội nghị các bên tại Paris tháng 5/2018, giúp viên tướng này hợp thức hóa vị thế trong tình hình Libya. Haftar cũng từng điều trị tại một bệnh viện ở Paris vào tháng 4/2018.

Harchoui bình luận, "thảm đỏ và những tràng vỗ tay" ở Pháp đã giúp Haftar có được địa vị "một chính khách đáng kính và trách nhiệm".

"Sự ủng hộ về khía cạnh chính trị và ngoại giao từ Paris đã được phe Haftar nhìn nhận như là sự khích lệ để họ khơi mào chiến tranh," ông nói thêm.

Vào tuần trước, Haftar tiếp tục nhận được sự thừa nhận quan trọng của tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhà Trắng cho biết trong cuộc điện đàm giữa hai người, ông Trump "ghi nhận vai trò quan trọng của nguyên soái Haftar trong cuộc chiến chống khủng bố và bảo vệ tài nguyên dầu mỏ của Libya".

Theo nhà phân tích Anas al-Gomati, tuyên bố của Nhà Trắng sẽ góp phần làm giảm sức ép lên Paris.

"Pháp sẽ vui mừng khi ông Trump tiếp nhận trách nhiệm ngoại giao trong việc Haftar thâu tóm quyền lực và xóa bỏ những sự soi xét ngoại giao nhằm vào mối quan hệ 4 năm [của Pháp] với Haftar," ông Gomati nói với AFP.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại