Washington "nhất biên đảo", Nga-Mỹ hợp lực cùng phe: Vận mệnh của Libya đã được định đoạt?

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Chiến sự ở xung quanh thủ đô Tripoli sẽ còn tiếp diễn và quyết liệt. Chuyện hòa giải và hòa hợp dân tộc cũng trở nên phức tạp và khó khăn hơn.

Mỹ thay đổi chiến lược

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ thay đổi quan điểm chính sách của Mỹ đối với Libya bằng cuộc điện đàm với tướng Khalifa Haftar, tư lệnh Quân đội Quốc gia Libya (LNA). Nhà Trắng cho biết trong cuộc điện đàm này, ông Trump và tướng Haftar đã thảo luận về "tầm nhìn chung cho bước quá độ của Libya chuyển tới một hệ thống chính trị dân chủ và ổn định".

Nhà Trắng đánh giá tướng Haftar đóng "vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố và trong việc đảm bảo an ninh cho nguồn dự trữ dầu lửa của Libya". Nói theo cách khác, ông Trump thể hiện sự ủng hộ của Mỹ dành cho tướng Haftar vì người này phục vụ cho lợi ích của Mỹ mà cụ thể ở Libya là chống khủng bố và có nguồn cung ứng dầu.

Lực lượng của ông Haftar hiện đã kiểm soát phần lãnh thổ rộng lớn nhất ở Libya với những khu giếng dầu lớn nhất và quan trọng nhất của Libya. Ông Haftar cũng còn nhiều lần cam kết là sẽ "diệt tận gốc bộ phận Hồi giáo cực đoan". Đấy chẳng phải là những gì Mỹ cũng theo đuổi từ bao lâu nay ở khu vực này hay sao?

Washington nhất biên đảo, Nga-Mỹ hợp lực cùng phe: Vận mệnh của Libya đã được định đoạt? - Ảnh 1.

Ảnh: LNA War Information Division/AFP

Chỉ có điều ông Haftar và LNA đứng ở phía bên kia chiến tuyến với phe Chính phủ đoàn kết dân tộc ở Libya được LHQ công nhận và hậu thuẫn. Người đứng đầu chính phủ này được LHQ cử ra. Hiện tại lại còn là lúc ông Haftar thúc quân tấn công vào thủ đô Tripoli, tức là tuyên chiến công khai với Chính phủ đoàn kết dân tộc.

Phía Mỹ đã đưa ra trong HĐBA LHQ một dự thảo nghị quyết với nội dung yêu cầu ông Haftar và LNA phải chấm dứt chiến sự. Nhưng nó bị Nga phủ quyết. Chiến sự đang diễn ra ác liệt ở xung quanh thành phố Tripoli. Phe chính phủ ở đó vừa phát lệnh bắt giam ông Haftar. Trong bối cảnh tình hình như thế, cuộc điện đàm của ông Trump với tướng Haftar hàm ý Mỹ ủng hộ ông Haftar và là sự thay đổi quan điểm chính sách của Mỹ đối với Libya.

Ông Haftar không thể không coi đấy là sự khích lệ của Mỹ cho chiến dịch tấn công quân sự vào thủ đô Tripoli. Cho tới nay, Mỹ đứng về phe chính phủ ở Tripoli. Bây giờ, Mỹ chuyển sang "nhất biên đảo", nghiêng hẳn về phía tướng Haftar và LNA.

Cục diện tương lai ở Libya

Tám năm trước đây, Mỹ cùng NATO và đồng minh phát động chiến tranh ở Libya, lật đổ thể chế của ông Muanmar Gaddafi. Những rồi đất nước này đắm chìm trong hỗn loạn và bạo lực. Tình trạng ấy đe dọa những lợi ích chiến lược của Mỹ ở Libya và ở khu vực. Xem ra, phía Mỹ không còn tin phe chính phủ ở Tripoli mà tin phe cánh của ông Haftar có đủ khả năng để vãn hồi hòa bình, an ninh và ổn định.

Washington nhất biên đảo, Nga-Mỹ hợp lực cùng phe: Vận mệnh của Libya đã được định đoạt? - Ảnh 2.

Ảnh: AFP Photo/Mahmud TURKIA

Sự thay đổi quan điểm chính sách này của Mỹ là cú đòn nặng tay nhằm vào phe chính phủ ở Tripoli và cả LHQ. Ông Trump vốn đã không ưa LHQ cho nên chẳng ngại ngần gì mà không bất chấp LHQ ở Libya.

Ông Trump công khai biểu lộ sự ủng hộ tướng Haftar và phe cánh cũng còn ngầm hối thúc các bên khác tăng cường hậu thuẫn phe cánh của ông Haftar ở Libya cũng như răn đe và cảnh báo những bên chống đối hoặc gây bất lợi cho phe cánh của ông Haftar.

Những đồng minh quan trọng nhất của ông Haftar ở khu vực là Ai Cập, Ả rập Xê út và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE). Cả Nga và Pháp cũng được coi là những đối tác bên ngoài chống lưng cho phe cánh của ông Haftar. Ông Haftar đã nhiều lần được đón tiếp ở Ai Cập, Ả rập Xê út và Nga.

Washington nhất biên đảo, Nga-Mỹ hợp lực cùng phe: Vận mệnh của Libya đã được định đoạt? - Ảnh 3.

Trong khi đó, phe chính phủ ở thủ đô Tripoli được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ.

Các đối tác bên ngoài này thực hiện cuộc xung khắc lợi ích chiến lược của họ thông qua cuộc đối đầu giữa hai phe ở Libya, một kiểu tiến hành chiến tranh qua tay kẻ khác.

Ả rập Xê út, Thổ Nhĩ Kỳ và UAE có kẻ thù chung là tổ chức Anh em Hồi giáo còn đối thủ chung là Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar nên ủng hộ phe cánh của ông Haftar ở Libya.

Nga muốn gây dựng chỗ đứng mới ở khu vực sau khi đã có được chỗ đứng ở Syria. Nga và Mỹ đâu có cùng hội cùng thuyền ở Syria nói riêng và ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh nói chung, nhưng bây giờ lại cùng phe ở Libya.

Cho nên có thể thấy là tương quan lực lượng và cục diện cuộc ganh đua quyền lực nhà nước ở Libya đang thay đổi cơ bản. Chiến sự ở xung quanh thủ đô Tripoli còn tiếp diễn và quyết liệt. Chuyện hòa giải và hòa hợp dân tộc trở nên phức tạp và khó khăn hơn.

Nếu được các đối tác bên ngoài này tiếp tục hậu thuẫn như hiện tại thì phe cánh của ông Haftar chứ không phải chính phủ ở thủ đô Tripoli được LHQ công nhận và ủng hộ sẽ thắng thế ở Libya.

*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại