Sàn nhà ướt
Ở một thôn nọ có 2 gia đình: nhà họ Vương ở phía Đông thường xuyên cãi nhau, coi nhau như kẻ địch, cuộc sống cực kỳ đau khổ; nhà họ Lý ở phía Tây thì lại thuận hòa, ai ai cũng tươi cười, cuộc sống vô cùng vui vẻ.
Một hôm, chủ hộ Vương không chịu nổi ngọn lửa chiến tranh trong nhà, anh liền đến nhà họ Lý hỏi lý do. Anh Vương hỏi: "Tại sao gia đình anh có thể luôn giữ được không khí vui vẻ trong nhà vậy?"
Anh Lý trả lời: "Bởi vì chúng tôi thường xuyên làm sai việc gì đó." Khi anh Vương đang nghi ngờ thì bỗng thấy chị Lý vội vàng từ ngoài về.
Lúc bước vào phòng khách, chị vô tình bị ngã. Mẹ chồng chị đang lau nhà lập tức chạy đến đỡ chị dậy nói: "Đều tại mẹ lau sàn ướt quá!"
Con trai chị đứng ngoài cửa cũng bước vào xót xa nói: "Đều tại con không nói cho mẹ biết phòng khách mới lau làm mẹ bị ngã."
Chị Lý được đỡ dậy áy náy tự trách mình: "Không, không. Là tại con quá bất cẩn." Anh hàng xóm đến học hỏi thấy cảnh này hiểu ra vấn đề. Anh đã biết được câu trả lời.
Giả sử ngay từ đầu, mẹ chồng lau nhà trách con dâu bị ngã: "Đi không nhìn à? Đúng là đáng đời!" Nếu những người khác không hiểu cảm giác của chị mà còn phá lên cười thì nhà họ Lý có không khí ấm áp, nhẹ nhàng thế không?
Đi xe buýt
Có lẽ mọi người cũng từng trải qua chuyện này. Mỗi lần xe buýt đầy hành khách, mọi người đều cố gắng chen lên phía trước. Lúc này người chưa chen lên được sẽ nói: "Nhích lên nữa đi.
Làm ơn, làm ơn đi. Nhích lên 1 chút, tôi mới lên được." Còn một khi đã lên xe rồi, người đứng chen chúc trên xe thấy đám đông ùn ùn chen lên thì sẽ lại nói: "Đừng lên nữa. Thật sự chật cứng rồi. Còn chen lên, xe sẽ nổ tung mất."
Tại sao cùng một hoàn cảnh nhưng thái độ của của người trong xe và người ngoài xe lại hoàn toàn khác nhau?
Đó là bởi bình thường người ta chỉ mong tốt cho mình mà thiếu trái tim nghĩ cho người khác.
Nếu mọi người có thể hiểu cho đối phương hơn, nghĩ cho đối phương hơn có lẽ rất nhiều tranh chấp, hiểu lầm, hiềm khích tự nhiên sẽ tan theo mây khói.
Và bài học làm người
Các cha mẹ không tránh khỏi vì yêu thương con mà luôn cố gắng chăm sóc trẻ hết khả năng, nghĩ cách dành cho con những gì tốt nhất để bé không phải chịu ấm ức, bị làm hại.
Có điều thái độ quá quan tâm đó có khiến cho trẻ cảm thấy hạnh phúc hơn không? Kinh nghiệm của người đi trước nói với chúng ta rằng: "Cho sẽ được nhiều phúc hơn chỉ biết nhận", "Vui vẻ không ở nhận được bao nhiêu mà là cho đi bao nhiêu", "Độ lượng phúc lớn"…
Có thể thấy việc dạy con bao dung với người khác, nghĩ cho người khác nhiều hơn cũng là một bài học không thể thiếu. Có người mẹ từng tặng con một báu vật dùng cả đời không hết thế này.
Một bé gái 12 tuổi hỏi mẹ: "Tại sao chúng ta đi lại trong nhà mà rón rén, sợ sệt, cẩn thận như giẫm lên mìn vậy ạ?" Người mẹ cười nói: "Không phải tầng dưới nhà chúng ta cũng có 1 gia đình ở sao?"
Tuy cô bé hiểu ý của mẹ nhưng vẫn cảm thấy trong nhà của mình vốn có thể tự do, thoải mái 1 chút mới phải.
Mẹ bé nghiêm túc nói tiếp: "Sàn nhà của nhà chúng ta là trần nhà của nhà ông Lâm. Chúng ta đi mạnh chân quá, ông bà không chịu nổi. Nếu làm ầm khiến họ thức giấc thì cả đêm sẽ không ngủ ngon được."
Con gái bĩu môi: "Vậy tại sao gia đình ở tầng trên nhà chúng ta không nghĩ vậy ạ? Họ luôn làm ầm ầm như sấm rền vậy."
Người mẹ nói: "Vì gia đình tầng trên có một em trai 3 tuổi. Em ấy muốn lớn lên thì phải chạy nhảy, vận động."
Bé gái nghe xong bĩu môi cao hơn: "Vậy nhà chúng ta phải chịu ấm ức và thiệt thòi rồi." Chị xoa đầu con mỉm cười khẳng định: "Con à, có thể nghĩ cho người khác là công việc hàng đầu trong cuộc sống."
Giúp người khác là giúp chính mình, nhường đường cho người khác thì chúng ta không cần tranh trước sợ sau. Đó cũng là tiêu chí của xã hội văn minh và là bài học mà cuộc đời hạnh phúc cần tu dưỡng.