Máy bay chiến đấu F-35A của Mỹ. Ảnh: Wikipedia
Bộ Quốc phòng Mỹ (DOD) đã không thể giải thích được sự biến mất của khoảng 1 triệu phụ tùng thay thế cho máy bay chiến đấu F-35 Lightning II, hệ thống vũ khí đắt đỏ nhất trong lịch sử nước này - theo một đánh giá của chính phủ.
Văn phòng Thẩm định Trách nhiệm Chính phủ (GAO) báo cáo hôm 23/5 rằng các bộ phận bị mất, bao gồm các linh kiện và thiết bị như bu-lông, lốp xe và càng hạ cánh, trị giá khoảng 85 triệu USD. Kể từ năm 2018, Lầu Năm Góc chỉ xem xét các trường hợp thiếu hụt ở khoảng 2% bộ phận được xác định.
"Nếu DOD không thực hiện các bước để đảm bảo rằng các phụ tùng thay thế này chịu trách nhiệm theo hợp đồng, Văn phòng Chương trình hỗn hợp F-35 (JPO) sẽ không thể đạt được hoặc duy trì được trách nhiệm giải trình đối với các phụ tùng thay thế này và sẽ không có dữ liệu, như địa điểm, chi phí và số lượng cần thiết cho báo cáo tài chính hoặc để đảm bảo rằng lợi ích của chính phủ được bảo vệ", GAO cho biết.
Các phụ tùng thay thế của Mỹ được lưu trữ trên khắp thế giới để sử dụng cho phi đội F-35 bởi quân đội Mỹ và các quốc gia đồng minh đã mua loại máy bay được sản xuất bởi nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin này.
GAO cho biết, do Văn phòng chương trình chung F-35 của Lầu Năm Góc thiếu quy trình theo dõi tổn thất, Lockheed Martin đã không báo cáo về hơn 900.000 phụ tùng thay thế bổ sung trị giá hơn 66 triệu USD để xem xét.
Báo cáo của GAO đánh dấu một "vết đen" mới nhất đối với chương trình F-35 trị giá 1,7 nghìn tỷ USD, vốn đã bị bủa vây bởi nhiều sự cố, trong đó có vấn đề độ tin cậy, mà gần đây sự cố rung động cơ dẫn đến lệnh thu hồi toàn cầu hồi tháng 3. Chỉ khoảng 30% phi đội F-35 của Mỹ "có đầy đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ" vào bất kỳ thời gian nào.
Tướng Không quân Mỹ Michael Schmidt đã cảnh báo vào tháng trước rằng nguồn cung cấp phụ tùng thay thế mỏng có thể gây nguy hiểm cho khả năng duy trì hoạt động của máy bay trong một cuộc chiến lớn tiềm tàng.
Báo cáo của GAO đổ lỗi việc thất thoát các bộ phận một phần là do Lầu Năm Góc không giám sát được các bộ phận thuộc sở hữu của Bộ Quốc phòng và do các nhà thầu quản lý. Các quan chức của Bộ Quốc phòng và các nhà thầu đã không đạt được thỏa thuận về việc liệu các bộ phận có nên được phân loại là tài sản do chính phủ trang bị hay không, và điều này cản trở việc xử lý hàng tồn kho bị mất.
Tính đến tháng 10 năm ngoái, Lầu Năm Góc có hơn 19.000 phụ tùng thay thế trên toàn cầu đang chờ hướng dẫn xử lý từ Chương trình F-35, và trong một số trường hợp thời gian chờ có thể lên đến 5 năm. GAO cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đã đồng ý với bốn khuyến nghị của họ về việc tăng cường hoạt động kế toán đối với nhóm linh kiện.
Một quân nhân Mỹ kiểm tra máy bay chiến đấu F-35 trên tàu USS Makin vào ngày 23/3 tại Busan, Hàn Quốc. Ảnh: Getty Images
F-35 Lightning II (Tia chớp) là tên gọi chung cho 3 biến thể máy bay khác nhau dựa trên thiết kế cơ sở X-35 của dự án phát triển máy bay tiêm kích phối hợp (JSF) một chỗ ngồi, có khả năng tàng hình và thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như yểm trợ cận chiến, ném bom chiến thuật...
JSF là dự án nghiên cứu và chế tạo vũ khí lớn nhất của Mỹ và các nước đồng minh kể từ sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh, thể hiện qua số lượng máy bay dự tính chế tạo trong khoảng thời gian tới năm 2035 lên tới hàng nghìn chiếc, trung bình dự kiến chế tạo hơn 100 chiếc mỗi năm.
F-35 được thiết kế và chế tạo bởi tập đoàn Lockheed Martin và các nhà thầu quốc phòng chủ chốt khác như Pratt & Whitney, BAE Systems và Northrop Grumman.
Sau gần 20 năm phát triển và chế tạo, chương trình tiêm kích F-35 vẫn đang vật lộn để thoát khỏi những vấn đề kỹ thuật liên miên không có hồi kết. Mới đây nhất, đầu tháng 3, Văn phòng Chương trình Hỗn hợp F-35 đã ra thông báo yêu cầu toàn bộ các tiêm kích F-35 phải được sửa lỗi trong vòng 90 ngày. Lệnh thu hồi được áp dụng cho gần 900 chiếc F-35 được nhà thầu Lockheed Martin giao hàng cho toàn cầu, bao gồm một số tiêm kích đang ngừng bay sau vụ rơi F-35 ở căn cứ Fort Worth tại Texas hôm 15/12/2022.
Một cuộc điều tra phát hiện lỗi rung động cơ đã gây ra vụ rơi tiêm kích ở Texas. Khi đó, chiếc F-35 đang trong quá trình đáp thẳng đứng đột nhiên bật lên trong không trung trước khi phần mũi và cánh phải bị lắc lư mạnh.
Trước tình trạng trên, Lockheed Martin đã ngừng phê chuẩn hoạt động bay thử của các tiêm kích mới sản xuất.