Lầu Năm Góc không hay biết về thỏa thuận quân sự giữa TT Trump và Putin?

Anh Tuấn |

Sputnik đưa tin, Lầu Năm Góc đã bị bất ngờ sau khi Moscow đưa ra tuyên bố rằng hai Tổng thống Donald Trump và Vladimir Putin đã đạt được những thỏa thuận quân sự trong cuộc gặp mặt tại Helsinki (Phần Lan) vào ngày 16/7.

Thêm vào đó, trước sự lo ngại của các quan chức cấp cao của Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis được cho là đã không có mặt trong cuộc họp nội các chính phủ Mỹ trong tuần qua và quyết định không xuất hiện trước công chúng khi ông Trump có chuyến công du tới Châu Âu.

Không chỉ có vậy, chỉ hai ngày sau khi cuộc gặp mặt Trump – Putin kết thúc, ông Mattis đã gửi một lá thư tới Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain có nội dung kêu gọi các nghị sĩ Mỹ xem xét một dự luật quốc phòng năm 2019 nhằm cho phép Bộ Quốc phòng Mỹ khước từ áp đặt lệnh cấm những hoạt động mua các loại khí tài quân sự do Nga sản xuất của các nước đồng minh.

“Trong lúc chúng ta áp đặt những hình thức trừng phạt cần thiết và đúng đắn đối với Nga vì những hành động có hại của họ, cùng lúc đó chúng ta cũng cần phải tránh những thiệt hại không đáng có đối với lợi ích chiến lược quốc gia lâu dài của mình”, một trích đoạn trong bức thư của ông Mattis cho biết.

Cũng theo hai quan chức Mỹ giấu tên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng sẵn sàng để đối thoại với người đồng cấp của Nga là ông Sergei Shoigu. Tuy vậy, Lầu Năm Góc đã từ chối bình luận về thông tin này và nói rằng họ không nhận được bất kỳ lời mời hội đàm nào từ phía Nga.

Trong khi đó, Nga đã lên tiếng kêu gọi tăng cường các hoạt động liên lạc giữa các lực lượng quân đội giữa Mỹ và Nga.

“Bộ Quốc phòng Nga đã sẵn sàng thực hiện triệt để các thỏa thuận trong lĩnh vực an ninh quốc tế mà Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhất trí trong Hội nghị thượng đỉnh song phương diễn ra tại Helsinki”, ông Igor Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Trong cuộc họp báo chung với ông Trump, Tổng thống Putin đã nhấn mạnh “tầm quan trọng của sự hợp tác” giữa quân đội Nga và Mỹ tại Syria, khi hai bên đã “thiết lập kênh liên lạc chính thức” nhằm tránh những vụ việc ngoài ý muốn khi làm nhiệm vụ trên không và dưới đất.

Tổng thống Nga cũng nhấn mạnh rằng “hai nước cần phải hợp tác hơn nữa trong vấn đề giải giáp vũ khí hạt nhân cũng như quân sự”.

Tuy nhiên vào năm 2014, Quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật có nội dung ngăn cấm các hoạt động hợp tác giữa Washington và Moscow sau khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga. Đạo luật này sẽ chỉ được dỡ bỏ khi “Bộ trưởng Quốc phòng cùng với Ngoại trưởng Hoa Kỳ có thể chứng nhận một số hành động nhất định của Nga trước Quốc hội”.

Mặc dù văn bản này cũng cho phép người đứng đầu Lầu Năm Góc có thể “khước từ lệnh trừng phạt với những điều kiện nhất định”, song Quốc hội có thể tiếp tục áp đặt thêm các hình thức cấm vận đối với các công ty quốc phòng Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại