"Canh bạc Iran", cuộc trả đũa của ông Trump và cú đòn giáng vào nền kinh tế thế giới

TS. Terry F. Buss |

Trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống hồi năm 2016-2017, ứng cử viên Donald Trump đã nhắc đi nhắc lại rằng ông muốn đảo ngược các di sản của Barack Obama.

Để làm được điều đó, ông Trump đề ra khẩu hiệu "Nước Mỹ trước tiên" và "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại".

Hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran là việc cuối cùng trong danh sách một loạt các chính sách mà ông Trump đã sửa đổi, bao gồm: hạn chế nhập cư bất hợp pháp, rút khỏi thỏa thuận chung Paris về biến đổi khí hậu, gỡ bỏ các hạn chế doanh nghiệp, rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tái thiết quân đội, cắt giảm một lượng lớn tiền thuế, đối đầu thương mại với Trung Quốc, và đưa ra chính sách cứng rắn với Triều Tiên.

Tất cả những động thái ấy của ông Trump cho thấy ông đã giữ lời hứa khi còn tranh cử.

Do đó, không ai nên cảm thấy bất ngờ khi ông Trump tái áp đặt các cấm vận lên chương trình hạt nhân Iran và kêu gọi tái đàm phán lại thỏa thuận. Tuy vậy, cả thế giới vẫn bàng hoàng khi ông Trump chính thức tuyên bố quyết định của mình!

Bối cảnh

Tại sao ông Trump phản đối thỏa thuận hạt nhân?

Ngoại trưởng John Kerry dưới thời ông Obama đã chủ trì các cuộc đàm phán giữa các đại diện từ các nước Anh, Pháp, Đức, liên minh châu Âu (EU), Nga và Trung Quốc. Trong một nỗ lực đạt được thỏa thuận, ông Kerry đã thành công trong việc yêu cầu Iran phải đóng băng - chứ không phải hủy bỏ hoàn toàn - chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của nước này.

Để Iran đồng ý thỏa thuận, ông Kerry đã cho phép Tehran tiếp tục phát triển chương trình tên lửa đạn đạo (với khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân) và làm giàu uranium (có thể được sử dụng để sản xuất vũ khí).

Ông Kerry khiến các thanh tra vũ khí của Liên Hợp Quốc khó có thể giám sát sự tuân thủ của Iran. Bên cạnh đó, ông cũng giúp gỡ bỏ các quy định cấm Iran sử dụng hệ thống ngân hàng quốc tế và tham gia hàng loạt hoạt động tài chính quốc tế khác.

Canh bạc Iran, cuộc trả đũa của ông Trump và cú đòn giáng vào nền kinh tế thế giới - Ảnh 1.

Nhà máy hạt nhân ở Bushehr, Iran. Ảnh: AP

Qua các cuộc đàm phán của ông Kerry, Iran đã nhận lại được khoản tài sản trị giá 100 tỉ USD bị phong tỏa ở nước ngoài sau khi nước này vi phạm các lệnh cấm về vũ khí hạt nhân của Mỹ và Liên Hợp Quốc. Theo một số thông tin mật, ông Kerry còn bí mật chuyển 1,7 tỉ USD cho Iran để đổi lại các con tin Mỹ bị Iran bắt giữ.

Thỏa thuận vũ khí hạt nhân là một phần trong chính sách đối ngoại ở Trung Đông của ông Obama. Ông Obama cảm thấy hầu hết các vấn đề ở Trung Đông đều xuất phát từ tầm ảnh hưởng sâu rộng của Ả Rập Xê út cũng như từ sự tách biệt của Iran trong khu vực.

Cựu tổng thống Obama đã giúp Iran trở nên mạnh mẽ hơn trong khi các nước Ả rập - đồng minh lâu năm của Mỹ - phải chịu thiệt thòi. Mặt khác, từ năm 1979, Iran đã là quốc gia đối địch với Mỹ, bị gắn mác là quốc gia tài trợ khủng bố điển hình trong khu vực.

Thay vì ra tay ngăn chặn Iran tài trợ khủng bố và gây ra hàng loạt vấn đề tại Lebanon, Syria, Yemen, Palestine, Iraq và Israel – một đồng minh khác của Mỹ, ông Obama đã "nhắm mắt làm ngơ" và cho phép Iran trở thành quốc gia nắm tầm ảnh hưởng lớn ở Trung Đông.

Khi gỡ bỏ các cấm vận lên Iran, ông Obama hi vọng Tehran sẽ tái gia nhập cộng đồng các nước chuộng hòa bình. Nhưng Iran không làm như vậy. Cuộc nội chiến Syria và Yemen là những kết quả dễ thấy nhất. Tehran đã đe dọa các đường giao thương trên biển xung quanh biên giới nước này.

Hồi năm 2015, nhận thấy Quốc hội ít có khả năng chấp nhận thỏa thuận hạt nhân Iran, ông Obama đã thực hiện một loạt các động thái để thỏa thuận này có hiệu lực mà không thông qua Quốc hội. Quốc hội Mỹ không ủng hộ và chưa từng đồng thuận với cam kết hạt nhân Iran.

Tệ hơn nữa, rất nhiều điều khoản của thoả thuận đã bị chính quyền Obama cố tình thông tin sai lệch, trong khi các phần khác không được tuyên bố công khai trước công chúng.

Theo thông cáo, các thanh tra của LHQ sẽ có quyền kiểm tra khu sản xuất vũ khí hạt nhân của Iran 24/7, nhưng trên thực tế, những khu thuộc quyền quản lí của lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRG) được miễn trừ khỏi sự giám sát này.

Ông Netanyahu tiết lộ số tài liệu tình báo về chương trình hạt nhân Iran.

Tháng 4/2018, Israel tung loạt tài liệu chứng tỏ Iran không trung thực về chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của nước này. Theo Israel, Iran đã vi phạm Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT).

Vậy nên, vấn đề của ông Trump nằm ở cả ông Obama, ông Kerry và Iran.

Theo như thỏa thuận đó, tại sao Iran tiếp tục được phát triển chương trình vũ khí trong vài năm qua? Tại sao Iran cần tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân? Tại sao Iran cần năng lượng hạt nhân khi quốc gia này có trữ lượng dầu mỏ dồi dào? Tại sao Mỹ cho phép Iran thổi bùng các mâu thuẫn và tài trợ khủng bố ở Trung Đông? Và còn rất nhiều vấn đề khác nữa?

Canh bạc của ông Trump

Tháng 10/2017, theo luật Mỹ, ông Trump tuyên bố Iran không tuân thủ "tinh thần và điều khoản" của thỏa thuận. Ông Trump sau đó buộc châu Âu phải mở lại các cuộc đàm phán với Iran, yêu cầu nước này phải dừng chương trình tên lửa đạn đạo và cắt giảm chương trình phát triển vũ khí hạt nhân một cách nghiêm túc hơn.

Ông Trump đã cho châu Âu tới hạn ngày 8/5/2018 để tái đàm phán. Châu Âu từ chối, cho rằng việc tái đàm phán thỏa thuận sẽ khiến thỏa thuận sụp đổ. Vấn đề nằm ở chỗ, châu Âu khẳng định thỏa thuận hạt nhân có nhiều lỗ hổng, nhưng cùng lúc lại không muốn xử lí triệt để các vấn đề. Vậy nên, ông Trump rút lui khỏi thỏa thuận.

Một yếu tố phức tạp khác là trước đây, các giám sát viên vũ khí hạt nhân của Liên Hợp Quốc đã báo cáo rằng Iran tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận. Theo tờ National Review, ông Kerry đã buộc LHQ báo cáo những kết quả không rõ ràng và khó kiểm chứng.

Mọi chuyện chưa dừng ở đó. Nga và Trung Quốc - ở mức độ nào đó - ủng hộ Iran một cách nhiệt tình. Gần đây, Nga đã bán cho Iran vài nhà máy năng lượng hạt nhân và một hệ thống phòng không tối tân. Tất nhiên, các lực lượng quân sự của Iran và Nga ở Syria đều ủng hộ tổng thống Bashar al-Assad.

Chưa kể, 1/3 người Mỹ ủng hộ Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Thú vị hơn cả, ngay từ lúc kí thỏa thuận, 2/3 người Mỹ đã cho rằng cam kết này không có hiệu quả. Đảng Dân chủ tại Quốc hội sẽ không ủng hộ ông Trump và một số thành viên đảng Cộng hòa cũng chọn không tham gia. Vậy nên, có rất ít hỗ trợ về mặt chính trị.

Canh bạc Iran, cuộc trả đũa của ông Trump và cú đòn giáng vào nền kinh tế thế giới - Ảnh 3.

Ảnh: RedState

Điểm mấu chốt ở đây là: ông Trump có rất ít hoặc gần như không nhận được sự ủng hộ cả ở trong nước lẫn trên thế giới, mặc cho những hành động của ông có đúng đắn tới đâu đi chăng nữa.

Mặc dù không ai biết chắc, nhưng có thể quyết định của ông Trump đã nhận được sự ủng hộ từ các vị trí quan trọng mới được ông bổ nhiệm vào Nhà Trắng.

Cựu ngoại trưởng Rex Tillerson, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia H. R. McMaster, Chánh Văn phòng John Kelly và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã từng theo sát và buộc ông Trump phải tuân thủ chính sách an ninh quốc gia và quốc tế của Mỹ.

Ông Trump đột ngột sa thải ông Tillerson và ông McMaster vài tuần trước, thay thế họ bằng những nhân vật "diều hâu", cụ thể là ông Mike Pompeo trong vị trí Ngoại trưởng và ông John Bolton ở vị trí Cố vấn An ninh. Cả hai người này đều muốn đối đầu với Iran.

Kể từ cuộc sa thải, ông Mattis và ông Kelly đều giữ yên lặng một cách bất thường. Do đó, không còn ai trong vòng thân cận của tổng thống Trump lên tiếng phản đối quyết định của ông nữa.

Chính trường kì lạ

Cuộc cạnh tranh Obama/Trump dường như đã làm bộc lộ những điểm yếu nhất trong chính trường Mỹ, hai trong số đó là vấn đề về Iran và Nga.

Dưới thời ông Obama, các cơ quan tình báo Mỹ đã thu thập thông tin xoay quanh lời nhắn của các nhân viên chiến dịch tranh cử của ông Trump với nước ngoài. Hàng loạt cơ quan tình báo bắt đầu chia sẻ thông tin cho nhau.

Chia sẻ tin nhắn và thông tin của công dân Mỹ là bất hợp pháp. Những "chiêu trò bẩn" này đã dẫn tới ít nhất 4 cuộc điều tra quốc hội, một cuộc điều tra của FBI và một cuộc điều tra từ công tố viên đặc biệt nhằm vào ông Trump.

Thú vị ở chỗ, Ben Rhodes, người soạn thảo diễn văn của ông Obama, cũng được cho là liên quan đến việc chia sẻ thông tin nói trên. Sau khi nói dối trên chương trình truyền hình quốc gia về thỏa thuận hạt nhân Iran, ông Rhodes đã trở nên nổi tiếng theo hướng tiêu cực.

Tháng 5/2016, trong cuộc phỏng vấn với tạp chí New York Times, ông Rhodes thú nhận rằng ông đã nói dối nhiều lần và thao túng các phương tiện truyền thông về thỏa thuận hạt nhân Iran.

Nhiều tuần trước thông báo của ông Trump, ông Kerry đã gặp mặt các lãnh đạo châu Âu và Iran để cứu vãn thỏa thuận Iran.

Tuy nhiên, nỗ lực thay đổi chính sách ngoại giao của Mỹ theo phương thức này là bất hợp pháp theo Đạo luật Logan (luật liên bang Mỹ được kí từ năm 1799, cấm các cá nhân không đại diện cho chính phủ đứng ra đàm phán với các nước có tranh chấp hoặc mâu thuẫn với nước Mỹ - ND).

Ông Trump cho rằng ông Kerry không thể thừa nhận rằng bản thỏa thuận Iran cực kì tồi tệ, và đó là lí do ông Kerry muốn bảo vệ nó.

Không để bị vượt mặt, các đơn vị dưới quyền ông Trump bí mật hợp tác cùng phía Israel để thu thập thông tin bất lợi đằng sau những người tham gia đàm phán dưới thời ông Obama, đặc biệt là Ben Rhodes.

Đây là sự trả đũa của ông Trump. Ông Rhodes chịu một phần trách nhiệm trong thỏa thuận Iran dù ông không có kinh nghiệm trong chính sách với nước ngoài.

Hậu quả xấu

Thỏa thuận hạt nhân Iran rất phức tạp và đa phần nội dung đều được giữ bí mật, nên không ai dám chắc về tầm ảnh hưởng của nó.

Ông Trump tin rằng những người Iran đang cư xử không đúng mực, đang ủng hộ những cuộc nội chiến, tài trợ khủng bố và phát triển tên lửa đạn đạo. Một vài năm tới, có thể Iran sẽ có tên lửa hạt nhân.

Từ phía ông Trump, lo ngại về cách Iran trả đũa đã được nhắc tới và giải quyết trong thỏa thuận. Các chuyên gia e ngại Iran sẽ tấn công Israel, nhưng Iran đã dự định làm điều đó bất kể có thỏa thuận hay không.

Nhiều người khác cho rằng Trung Quốc và Nga sẽ dựa vào Mỹ để trả đũa. Đối với Trump, hai nước này đã dựa vào Mỹ. Không ai dám chắc hành động của ông Trump sẽ ảnh hưởng tới thỏa thuận vũ khí hạt nhân mà Mỹ có thể đàm phán với Triều Tiên như thế nào.

Canh bạc Iran, cuộc trả đũa của ông Trump và cú đòn giáng vào nền kinh tế thế giới - Ảnh 5.

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên Kim Yong-nam gặp mặt Tổng thống Iran Hassan Rouhani.

Triều Tiên rất khác Iran ở chỗ ông Kim Jong Un đã thể hiện năng lực vũ khí hạt nhân có thể tấn công Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Ông Kim đã tới Trung Quốc gặp mặt Chủ tịch Tập Cận Bình về cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên sắp tới. Có khả năng nội dung trong cuộc họp này sẽ được tiết lộ.

Trong thời gian này, nền kinh tế thế giới có thể gặp nhiều khó khăn. Ông Obama đã gỡ bỏ hàng trăm cấm vận áp lên ngân hàng và hệ thống tài chính của nước này. Việc tái thiết là rất khó. Các nhà đầu tư, nhà xuất/nhập khẩu sẽ gặp xáo trộn, không biết hệ thống tài chính mới sẽ đòi hỏi gì.

Chính quyền ông Trump đã phạm phải sai lầm tương tự khi cấm dân nhập cư từ một số quốc gia Trung Đông mà không thiết lập khung hành pháp rõ ràng. Hệ thống vận tải quốc tế sẽ rơi vào hỗn loạn. Mỹ và các nền kinh tế khác sẽ hứng chịu hậu quả.

Hãng Boeing và Airbus đã kí hợp đồng thay thế các máy bay thương mại với Iran. Tới thời điểm này, mỗi công ty sẽ thiệt hại 35 tỉ USD trong các hợp đồng tương lai. Châu Âu lo ngại rằng sẽ mất nguồn dầu từ Iran. Chính quyền ông Trump khẳng định đã tìm được nguồn dầu khác để thay thế nên không cần lo ngại về vấn đề này.

Canh bạc Iran, cuộc trả đũa của ông Trump và cú đòn giáng vào nền kinh tế thế giới - Ảnh 6.

Iran nói các cấm vận sẽ không ảnh hưởng tới nền kinh tế của họ. Nhưng nền kinh tế Iran đang ở trong tình cảnh không mấy khả quan, kể cả khi chưa có cấm vận.

Lệnh trừng phạt chỉ đặt thêm áp lực lên đất nước này. Ông Trump tin rằng điều đó sẽ buộc Iran phải kí một thỏa thuận hạt nhân mới.

Tờ Washington Post và các nguồn tin khác cảnh báo rằng nguy cơ chiến tranh ở Trung Đông đã tăng lên đáng kể.

Những người khác nhận định chiến tranh đã nổ ra. Mỹ đang đối đầu với Iran tại Syria và hỗ trợ Ả Rập Saudi trong cuộc chiến chống lại Iran ở Yemen. Iran đang hỗ trợ Hamas ở Palestine chống lại Israel, quốc gia nhận được sự hậu thuẫn từ Mỹ. Chiến tranh ủy nhiệm đã bùng phát mọi nơi ở Trung Đông.

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là ông Trump cần phải tiếp tục đàm phán với Iran, châu Âu, Nga và Trung Quốc.

Ông Trump không tiết lộ thêm về dự định của mình. Như thường lệ, thế giới lại "nín thở" chờ đợi những điều sẽ tới trong tương lai.

*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

* For English version, click here.

* Đọc bản gốc bài viết bằng tiếng Anh tại đây .

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại