AP ngày 13-5 đưa tin tại một cuộc họp báo ở thủ đô Stockholm, Phó Tổng công tố viên Thụy Điển Eva-Marie Persson nói ông Assange vẫn bị tình nghi cưỡng hiếp nên cần phải tra hỏi thêm.
Nhà đồng sáng lập WikiLeaks bị cáo buộc cưỡng hiếp một phụ nữ Thụy Điển và quấy rối tình dục một phụ nữ khác sau khi đến quốc gia này vào năm 2010. Tháng 9 năm đó, ông Assange rời Thụy Điển tới Anh và lánh nạn tại Đại sứ quán Ecuador ở London từ tháng 6-2012 để tránh bị dẫn độ.
Sau gần 7 năm trú ngụ tại đây, ông Assange bị cảnh sát Anh bắt giữ hôm 11-4, đồng thời bị cáo buộc can thiệp vào các vấn đề đối ngoại của Ecuador. Ông Assange đang thụ án tù 50 tuần tại nhà tù Belmarsh, thủ đô London.
Ông chủ WikiLeaks trong chiếc xe cảnh sát sau khi bị bắt hồi tháng trước. Ảnh: Reuters
Ông Assange phủ nhận cáo buộc cưỡng hiếp, khẳng định chúng mang động cơ chính trị. Theo đài RT, tập tài liệu 100 trang từ các luật sư của ông chủ Assange chỉ ra rằng cả hai cơ quan tham gia khám nghiệm chiếc bao cao su rách của một người phụ nữ cung cấp đều không có dấu hiệu cho thấy ông ta đã sử dụng nó.
Các luật sư cho rằng việc thiếu bằng chứng ADN trên chiếc bao cao su "dùng trong vụ tấn công tình dục hồi tháng 8-2010" chứng tỏ có nhiều điều đáng nghi ở đây. Trong quá trình thẩm vấn, người phụ nữ 33 tuổi (giấu tên) khai cô bị Assange "cưỡng hiếp tại nhà riêng" ở thủ đô Stockholm.
Trước động thái mới của Thụy Điển, ngày 13-5, ông Per E. Samuelsen, luật sư của ông Assange, cho đài SVT biết ông "rất bất ngờ" trước quyết định lật lại vụ án. "Tôi không hiểu lý do các công tố viên Thụy Điển mở lại một vụ án đã 10 năm là gì?!" – ông Samuelsen thắc mắc.
Một tòa án Thụy Điển sẽ chính thức đưa ra yêu cầu dẫn độ và ông Assange có thể kháng cáo. Quyết định của các công tố viên Thụy Điển buộc nhà chức trách Anh phải xem xét dẫn độ ông Assange sang Thụy Điển hay tới Mỹ - nơi ông ta đối mặt với cáo buộc tấn công máy tính của Lầu Năm Góc.