Lật lại hồ sơ chiến dịch Morvarid

Đỗ Tiến |

Chiến dịch Morvarid (tiếng Ba Tư nghĩa là “Ngọc trai”) là một trong những trận chiến không - hải quân khốc liệt nhất sau Thế chiến II, khi Iran tiêu diệt 80% sức mạnh Hải quân Iraq chỉ trong một ngày, chủ yếu bằng máy bay do Mỹ chế tạo…

Trận chiến quanh giếng dầu

Ngày 22-9-1980, Tổng thống Iraq Saddam Hussein quyết định tấn công toàn diện nhằm vào Iran với hy vọng lợi dụng sự bất ổn của Iran sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Bất chấp tác động tàn phá của Cách mạng, lực lượng được đổi tên thành Hải quân Cộng hòa Hồi giáo Iran (IRIN) vẫn thể hiện khả năng chiến đấu cao trong cuộc chiến với Iraq.

Lật lại hồ sơ chiến dịch Morvarid - Ảnh 1.

Giếng dầu Mina al-Bakr (ngày nay là Al-Basrah Oilt Terminal)

Khorramshahr và Abadan, hai thành phố cảng lớn của Iran nằm ở hạ lưu sông Shatt-al-Arab, ngay bên kia cảng xuất khẩu dầu lớn Basra của Iraq, là những mục tiêu ưu tiên. Sông Shatt-al-Arab chảy vào Vịnh Ba Tư cùng với những tuyến đường vận chuyển dầu quan trọng.

Các lực lượng Iraq được tăng cường bảo vệ hai giàn khoan dầu tại Mina al-Bakr (ngày nay là Al-Basrah Oilt Terminal) và Khor al-Omayah, cả hai đều ở mũi bán đảo al-Faw. Những radar cảnh báo sớm được trang bị phía trên giàn khoan giúp Không quân Iraq được cảnh báo kịp thời về các hoạt động của Không quân Iran. Chúng cũng hỗ trợ cho các cuộc tấn công tên lửa và tàu phóng lôi của Iraq nhằm vào tàu Iran.

Vì thế, nhiệm vụ của Hải quân Iran đã rõ ràng: phá hủy triệt để cả hai giàn khoan dầu. Cuốn "Chiến tranh Iran-Iraq" của Pierre Razoux và "Iran trong các cuộc Chiến tranh: từ năm 1500 tới năm 1988" của Tiến sĩ Kaveh Farrokh cung cấp một số đánh giá của phương Tây về một trong những trận không - hải chiến được coi là khốc liệt nhất kể từ sau Thế chiến II.

Hải quân Iran đã giao sứ mạng trọng đại cho 3 trong số các tàu tên lửa lớp La Commandante, gồm Joshan, Gordouneh và Paykan. Những con tàu nhỏ nặng 265 tấn do Đức chế tạo này chỉ chở theo thủy thủ đoàn 30 người, di chuyển với vận tốc 41 dặm/giờ.

Mỗi chiếc được gắn một tháp pháo kép 76 ly với chức năng kép vừa đối đất và vừa đối không, một pháo 40 ly bắn nhanh và hai bệ phóng tên lửa hai ray được trang bị tên lửa Harpoon do Mỹ sản xuất. Ngoài ra, hỏa lực phòng không bổ sung còn có các thủy thủ trên boong sử dụng tên lửa phòng không vác vai SA-7.

Tuy nhiên, hai cuộc tấn công đầu tiên của đội tàu tấn công nhanh Iran nhằm vào các giàn khoan Iraq chỉ thành công ở mức độ vừa phải.

Trong Chiến dịch Kafka vào ngày 28-10-1980, tàu Paykan đảm bảo phòng không trong khi tàu Joshan bắn phá giàn khoan al-Omayah và Gordouneh tấn công giàn khoan al-Bakr. Các tàu tốc độ của Iran né được tên lửa chống hạm của Iraq bắn ở tầm xa quá mức và bắn hạ 3 máy bay chiến đấu Iraq, nhưng dù rất nhiều đạn pháo từ tàu Iran nã về phía các giàn khoan dầu, mà vẫn không thể khiến chúng ngừng hoạt động.

Ba ngày sau, một cuộc tấn công tiếp theo, được gọi là Chiến dịch Ashkan, cũng có kết quả tương tự. Dù bị hư hại, các giàn khoan và hệ thống radar của Iraq tỏ ra quá kiên cường trước những khẩu pháo của ba con tàu Iran.

Cuối tháng 11, pháo binh Iraq bắn phá kho dầu Abadan của Iran, làm giảm một nửa sản lượng nhiên liệu của nước này. Bị ảnh hưởng bởi khó khăn kinh tế, quân đội Iran nhận ra rằng Iraq thậm chí còn dễ bị tổn thương hơn họ trước các cuộc tấn công nhằm vào kho dầu như vậy.

Nổi tiếng với những thành công trong khả năng chống đỡ trước các lực lượng trên không và trên biển của Iraq, Lục quân, Hải quân và Không quân Iran đã ấp ủ một kế hoạch tham vọng hơn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ hơn.

Trong Chiến dịch Morvarid, họ không chỉ đặt mục tiêu loại bỏ các radar của Iraq mà còn cả cơ sở hạ tầng dầu mỏ quan trọng của Baghdad. Quân đội Iran cũng hy vọng sẽ tiêu diệt được Hải quân Iraq trong chiến dịch táo bạo này.

Trận không, hải chiến ác liệt

Ngày 28-11-1980, chiến dịch "Ngọc trai" bắt đầu với cuộc tấn công nghi binh của các máy bay phản lực F-5 và F-4 Iran vào căn cứ không quân Basra của Iraq, trong khi đội tàu tên lửa Joshan và Paykan tiếp tục bắn phá hai giàn khoan.

Khi hai tàu tên lửa Osa II nặng 235 tấn của Iraq phóng tên lửa P-15 Termti ở tầm xa, các tàu Iran đã né tránh thành công rồi lập tức điều động đội tàu nhỏ trang bị tên lửa Harpoon đáng tin cậy hơn của họ tham chiến.

Lật lại hồ sơ chiến dịch Morvarid - Ảnh 2.

Các tàu tên lửa Joshan và Paykan của Iran vẫn đang phục vụ trong Hải quân Iran sau khi được sửa chữa

Rạng sáng ngày 29-11, loạt máy bay trực thăng AH-1J Cobras, Bell 214 và CH-47C Chinook của Iran tấn công xuống khu vực giàn khoan bằng các tên lửa AH-1J Sea Cobra. Một máy bay tác chiến điện tử EC-130 bay trên đầu, gây nhiễu bất kỳ tín hiệu báo động nào.

Trong khi các phi công trực thăng chiến đấu Sea Cobra, trang bị kính nhìn đêm, bắn phá sàn giàn khoan với pháo 20 ly, thì lính biệt kích Iran đổ bộ xuống từ trực thăng Chinook, tấn công giàn khoan bằng hỏa lực súng trường tấn công, giết chết hoặc bắt giữ toàn bộ lực lượng Iraq, và chỉ chịu thương vong 12 người.

Lực lượng biệt kích gài thuốc nổ khắp giàn khoan, sử dụng tên lửa vác vai tấn công hai máy bay phản lực, rồi tẩu thoát bằng sáu thủy phi cơ tấn công đổ bộ trong lúc các giàn khoan Iraq nổ tan tành.

Lúc này, các tàu tên lửa Osa của Hải quân Iraq và tàu phóng lôi P-6 dài 25 mét lao đến hiện trường. Ba tàu của Iran, dù gần hết đạn, đã cố gắng hết sức sử dụng các giàn khoan dầu vừa bị phá để che chắn trước hàng loạt tên lửa của Iraq.

Sau đó, mọi thứ trở nên rối ren trên không khi các phi đội máy bay ném bom chiến đấu hai động cơ MiG-23BN và máy bay đánh chặn MiG-23MF của Iraq lao vào trận chiến cùng với trực thăng hải quân Super Frelon do Pháp chế tạo được trang bị tên lửa Exocet.

Tàu Paykan tránh được một số quả tên lửa trước khi hứng đòn nặng khi một quả tên lửa SS-N-2 Styx nặng 2.500kg nổ ngay bên cạnh. Dù vậy, khẩu pháo trên boong tàu vẫn hạ được một chiếc Su-22 bay qua trên đầu. Paykan bắn đến quả tên lửa Harpoon cuối cùng và đánh chìm một tàu chiến Iraq khác, rồi mới chìm vì trúng tên lửa từ trực thăng của đối phương.

Mặc dù vậy, Bộ Tư lệnh Hải quân Iran vẫn từ chối yêu cầu xin rút lui từ chỉ huy đội tàu tên lửa. Đó là bởi vì nhiệm vụ của họ là hạ gục Hải quân Iraq đến mức lực lượng này không thể gượng dậy trước đòn phản công từ Không quân Iran.

Các máy bay phản lực Phantom nhào tới để giải cứu Paykan và nhanh chóng đánh chìm ba tàu phóng lôi P-6 của Iraq bằng tên lửa Maverick. Cuối ngày hôm đó, một hải đội Iraq từ Umm Qasr bao gồm một tàu đổ bộ và ba tàu tuần tra nhỏ cũng đã bị tiêu diệt bởi một cuộc tấn công khác của phi đội Phantom.

Một cuộc tấn công riêng biệt của F-4 Phantoms và F-5 Freedom Fighters thuộc Không quân Iran đã nhằm vào Basra, hạ gục các khẩu đội tên lửa đất đối không có thể cản trở cuộc tấn công trên không, đồng thời phá hủy thêm một số tàu thuyền và máy bay trực thăng Frelon đang đậu.

Nhưng những chiếc Phantom can thiệp quá muộn khi tàu tên lửa Paykan đã bị hư hại nặng. Trong lúc các máy bay MiG và trực thăng Iraq vây quanh nó, hai tàu tên lửa Osa của Iraq cuối cùng đã tiêu diệt được con tàu thương tích đầy mình bằng bốn quả tên lửa Termit tầm ngắn.

Trong khi đó, một trận không chiến nổ ra giữa tiêm kích MiG-Iraq và Phantom- Iran, vốn được hỗ trợ bởi phi đội máy bay chiến đấu F-14 Tomcat tiên tiến trang bị radar AWG-9 mạnh mẽ.

Hải quân Iraq gánh tổn thất nặng nề

Chiến dịch Morvarid là thành công đối với người Iran đã kết thúc trong vòng chưa đầy 12 giờ. Tuyên bố của hai bên về chiến tích của họ rất khác nhau. Iran mất từ một đến ba chiếc Phantom do các tổ hợp tên lửa và máy bay MiG. Khoảng sáu chiếc MiG-23 của Iraq bị phá hủy bởi cả Phantom và tàu tên lửa Iran, và một chiếc MiG bị bắn hạ bởi F-14 Tomcat.

Lật lại hồ sơ chiến dịch Morvarid - Ảnh 3.

Các trực thăng trong quân đội Iran đóng vai trò không nhỏ trong chiến dịch Morvarid.

Về phần mình, để đánh chìm tàu Paykan, Hải quân Iraq mất 5 tàu tên lửa Osa và 4 tàu phóng ngư lôi P6, tương đương khoảng 80% sức mạnh của họ.

Hải quân Iraq sau đó không còn đóng vai trò gì nhiều trong thời gian còn lại của cuộc chiến, để mình Không quân Iraq mở các cuộc tấn công nhằm vào tàu vận tải biển của Iran. Việc phá hủy các trận địa tên lửa SAM và cùng tổ hợp radar và thiết bị giám sát của Iraq giúp quân đội Iran có thể tấn công qua miền Nam Iraq dễ dàng hơn.

Đặc biệt, việc mất các giàn khoan đã làm giảm sản lượng dầu của Iraq xuống chỉ còn 17% so với sản lượng trước chiến tranh, từ 3,25 triệu thùng/ ngày xuống chỉ còn 550.000 thùng.

Khi nhà lãnh đạo Saddam Hussein tìm mọi cách để lao sâu hơn vào cuộc chiến tranh với Iran, ông tiếp tục phải vay những khoản khổng lồ từ các quốc gia Arab láng giềng để mua một lượng lớn thiết bị quân sự phục vụ cuộc chiến.

Trớ trêu thay, tám năm sau, Hải quân Iran đã chứng kiến phần lớn sức mạnh chiến đấu của mình bị phá hủy bởi Chiến dịch "Bọ ngựa" (Operation Praying Mantis) của Hải quân Mỹ trong một chiến dịch có nhiều nét tương đồng với chiến dịch "Ngọc trai".

Các tàu mặt nước của Hải quân Mỹ đã bắn phá hai giàn khoan dầu của Iran được sử dụng làm căn cứ quân sự và radar; cả hai đều bị đặc nhiệm Mỹ đổ bộ từ trực thăng xuống phá hủy, sau đó không quân Mỹ đánh chìm phần lớn sức mạnh của Hải quân Iran, bao gồm cả tàu Joshan thiện chiến từng "vào sinh ra tử".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại