Lao lên đảo Đá Lớn: Tàu 701 anh hùng dựng cột mốc chủ quyền Việt Nam ở Trường Sa

Khuất Quang Thụy |

Khi tàu đối phương kéo đến, chúng nhìn lên và giật mình kinh ngạc khi thấy trên đảo Đá Lớn đã có một con tàu của Việt Nam đứng sừng sững.

LTS: Để bạn đọc hiểu hơn về cuộc sống, chiến đấu, sự hy sinh của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, chúng tôi sẽ lần lượt trích đăng một số bài viết, ghi chép của nhiều tác giả.

Bài viết dưới đây kể về chuyến đi cuối cùng của tàu 701, hải đoàn M28 ra Trường Sa những ngày đầu năm 1988.

Từ căn cứ của hải đoàn, tàu 701 cùng tàu 712 hình thành một biên đội do Đại úy Nguyễn Văn Tân làm biên đội trưởng, đại úy Đặng Ngọc Thuần làm phó biên đội trưởng về chính trị, đi làm nhiệm vụ ở vùng biển phía Nam.

Nhưng vào tới Cam Ranh, tàu 712 bị hỏng máy, phải sửa chữa nên tàu 701 chuẩn bị lên đường ra tiếp tế cho Trường Sa với tàu 671. Biên đội ghép này vẫn do đại úy Nguyễn Văn Tân chỉ huy.

Lần này ra đảo, hai tàu 701 và 671, ngoài số lương thực, thực phẩm, nước ngọt của mình và những hàng hóa vật liệu chở ra đảo theo nhiệm vụ, còn mang theo cả nhu yếu phẩm và hàng tết cho anh em trên đảo, trong đó có cả bò và lợn, gà.

Nhiệm vụ trên giao vẫn như vậy, vừa làm nhiệm vụ vận tải vừa trinh sát tuần biển và sẵn sàng cơ động khi cần thiết.

Ngày 31 tháng 1, biên đội xuất phát. Ra đến Trường Sa Lớn, biên đội gặp một biên đội bạn, hai bên cập mạn trao đổi tình hình. Biên đội trưởng Nguyễn Văn Tân gặp các thuyền trưởng của hai tàu bạn và biết rằng hiện nay tàu đối phương đã neo ở bãi Đá Chữ Thập, rất nhiều chiếc tàu khác đang lảng vảng quanh các đảo của ta.

Lao lên đảo Đá Lớn: Tàu 701 anh hùng dựng cột mốc chủ quyền Việt Nam ở Trường Sa - Ảnh 1.

Đô đốc Giáp Văn Cương đọc lời thề quyết tử bảo vệ Trường Sa (5/1988).

Chính họ đã bị hai tàu chiến này đuổi theo, áp mạn hai bên khiêu khích liên tục một tiếng đồng hồ.

Theo lịch trình, biên đội tiếp tục phải đi đến Nam Yết để trả hàng và đưa mười cán bộ, chiến sĩ đi công tác trở về đảo. Nhưng trước tình hình đó, trên đã điện ra cho biên đội, ra lệnh đi đảo Đá Lớn! Nhiệm vụ, trinh sát và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo.

Từ nhiệm vụ vận tải, biên đội lập tức chuyển sang trạng thái sẵn sàng làm nhiệm vụ chiến đấu. Theo lệnh của biên đội trưởng Nguyễn Văn Tân, cả hai tàu 701 và 671 chuyển hướng, nhằm đảo Đá Lớn mà đè sóng lướt tới.

Gió mùa đông bắc về. Mưa suốt ngày. Mặt biển sục sôi, sóng cấp 6, cấp 7. Đã được rèn luyện nhiều trên biển nên hầu hết thủy thủ trên hai tàu vẫn tỉnh táo. Chỉ có điều gió lớn, không đun nấu gì được, anh em phải ăn uống thất thường nên sức khỏe có giảm sút đôi chút.

Hai giờ ngày 6 tháng 2 năm 1988, biên đội đến đảo Đá Lớn. Quan sát trên mặt biển không thấy bóng tàu đối phương, biên đội trưởng Nguyễn Văn Tân ra lệnh cho tàu 701 neo ở Nam đảo, tàu 671 neo ở Bắc đảo. Triển khai xong, báo cáo về Bộ chỉ huy và nhận đượng mệnh lệnh: "Chốt lại giữ đảo cho đến khi có lệnh mới!".

Đảo Đá Lớn là một hòn đảo nằm án ngữ ở phía Tây cụm đảo phía bắc của Quân đảo Trường Sa. Toàn bộ hòn đảo còn chìm dưới sóng nước, chỉ nổi lên mặt nước chừng hơn một mét vào những giờ thủy triều xuống thấp nhất.

Trong tương lai, do những biến động của vỏ trái đất, khi đảo hoàn toàn nổi lên trên mặt nước thì đảo này sẽ là một hòn đảo lớn, có vị trí hết sức quan trọng và có tiềm năng kinh tế lớn. Trên đảo có một hồ rộng, hình miệng núi lửa, rất đẹp và nhiều cá.

Đá Lớn là hòn đảo đã được khẳng định chủ quyền của Việt Nam từ lâu, nhưng ta chưa đủ lực lượng để chốt giữ. Vì thế, trong tình hình căng thẳng này, hai tàu 701 và 601 phải làm nhiệm vụ của những người lính canh giữ đảo.

Lao lên đảo Đá Lớn: Tàu 701 anh hùng dựng cột mốc chủ quyền Việt Nam ở Trường Sa - Ảnh 2.

Đại tướng Văn Tiến Dũng - Bộ trưởng BQP nước CHXHCN Việt Nam: Quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Tết nhất sắp đến rồi. Nhìn thấy đống hàng tết của anh em trên một số đảo vẫn còn nằm trên tàu mà sốt ruột. Nhưng... biết làm sao được? Giữ đảo là trên hết, hàng tết có đến chậm hẳn anh em mình cũng rộng lượng mà thể tất cho.

Trên tàu 701 có một chú bò. Do không dự kiến được tình hình đột xuất này nên tàu không dự trữ đủ cỏ khô cho chú ta. Ăn hết cỏ khô, chú bắt đầu rống suốt ngày vì đói ăn. Bí quá, anh em thủy thủ trên tàu nghĩ ra cách cho chú nhai thử bìa các tông của các kiện hàng đồ hộp.

Thứ này quả là không hấp dẫn gì với họ nhà bò. Nhưng... đói quá chú nhai tuốt. Đến khi... không còn một mảnh bìa các tông nào cho chú nhai nữa, anh em thủy thủ nghĩ rằng người ăn cơm mà sống được tại sao bò lại không thể ăn cơm nhỉ?

Thế là nhà bếp được báo thêm một suất nữa cho ông khách quý hóa này... Nhưng... vì thiếu "chất tươi"và vì sóng to gió lớn, chú bò thân yêu đã lăn đùng ra chết. Con lợn có vẻ chịu sóng gió tài hơn, nó đã sống được cho đến khi phải "hy sinh vì nhiệm vụ".

Biên đội chốt trên đảo Đá Lớn cho đến ngày 14 tháng 2. Buổi chiều hôm đó có ba tàu chiến của đối phương tiến vào phía nam đảo. Chúng chạy đi chạy lại chờn vờn, giương oai diễu võ gần tàu 701 của ta. Thủ đoạn của chúng là đe dọa, nếu ta non gan nhổ néo là lập tức chúng sẽ lao lên chiếm đảo.

Lệnh sẵn sàng chiến đấu được truyền cho các tàu. Thông tin trên tàu trực canh, liên tục giữ liên lạc với Sở chỉ huy và với cụm đảo.

Đêm 14 tháng 2. Gió lớn. Mua rền rĩ trên biển. Sóng cấp 7. Biển tối đen như mực, tàu đối phương vẫn lảng vảng đâu đó. Hình như chúng tắt đèn, thả trôi, chờ thời cơ lên chiếm đảo của ta.

21 giờ. Lệnh của Sở chỉ huy: "Lợi dụng thủy triều, đưa tàu lên mặt đảo. Nhắc: Chú ý bảo đảm an toàn, bằng giá nào cũng phải lên được mặt đảo, không được để tàu lật hoặc va vào đá vỡ tàu". Nếu lật hoặc vỡ tàu sẽ lập tức bị sóng cuốn ra biển, sự hy sinh con tàu sẽ trở nên vô ích và tất cả các thành viên trên tàu cũng rất ít khả năng sống sót.

Biên đội trưởng Nguyễn Văn Tân ở trên tàu 701 lập tức thông báo mệnh lệnh của Bộ chỉ huy cho tàu 671 và cùng thuyền trưởng tàu 701 Hà Văn Thái bàn phương án lên đảo. Chi bộ Đảng trên tàu lập tức được triệu tập để nghe thông báo quyết tâm của người chỉ huy và bàn cách thực hiện quyết tâm ấy.

Cả bảy đảng viên của chi bộ đều biểu lộ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Mọi người trở về vị trí của mình và thông báo cho thủy thủ trên tàu biết nhiệm vụ và quyết tâm của chỉ huy và chi bộ tàu.

Lệnh nhổ neo.

Biển động dữ dội. Tàu lần theo mép đảo, lúc nào cũng có nguy cơ bị hất vào đá. Nước triều chưa lên cao, loay hoay hơn một giờ tàu vẫn chưa tìm được luồng lạch thuận lợi để lao lên đảo. Thuyền trưởng Hà Văn Thái quyết định cho tàu lùi ra để tính toán lại luồng lạch.

1 giờ 30 phút, thuyền trưởng và biên đội trưởng quyết định cho tàu lao vào lần thứ hai. Nước triều đã bắt đầu xuống, bụng tàu bị sóng đập thình thình trên đá. Biết chắc chắn là đáy tàu sẽ bị vỡ, nhưng những người chỉ huy vẫn kiên quyết cho tàu lao tới.

Cuối cùng, tàu đã lên được mặt đảo. Một con sóng lớn hất văng tàu quay mũi ra phía biển, tưởng tàu có nguy cơ bị sóng hất ra, nhưng may sao, tàu rơi đúng vào một gộp đá, mắc cứng lại.

Thế là tàu 701 đã vĩnh viễn nằm lại trên đảo Đá Lớn. Nước bắt đầu áo vào, chìm hết khoang hàng và boong tàu. Thuyền trưởng Hà Văn Thái ra lệnh cho thủy thủ dọn đồ đạc đem lên cabin chỉ huy và điện báo về đất liền xin phương tiện cấp cứu anh em trên tàu.

Lệnh của Sở chi huy: Để lại một tổ chốt trên đảo, còn toàn bộ thủy thủ của tàu 701 bơi ra tàu 671 tiếp tục nhiệm vụ cơ động bảo vệ đảo. Tàu 671 cũng đã lên đảo an toàn vì tàu nhỏ và cơ động thuận lợi hơn nên Sở chỉ huy đồng ý cho tàu 671 rút ra để đón anh em trên tàu 701.

7 giờ 30 phút sáng (27 tết), ba tàu chiến của đối phương trong đó có một tàu chiến loại lớn mang số hiệu 164 tiến vào đảo. Chiếc tàu này yểm trợ cho hai chiếc tàu loại nhỏ hơn mang số hiệu 551 và 552 tiến sát vào tận mép đảo. Lúc này nước triều đã xuống, đảo Đá Lớn đã nổi lên trên mắt đại dương.

Bọn xâm lược nhìn lên và giật mình kinh ngạc khi thấy trên đảo đã có một con tàu của Việt Nam đứng sừng sững. Chúng lồng lộn, quay cuồng một lát rồi vội vã kéo nhau đi.

Đêm hôm sau, vào quãng 10 giờ, tàu 671 đã tới được khu vực tàu 701. Thuyền trưởng Nguyễn Đình Cúc và các thủy thủ bơi vào đảo, căng dây cho anh em trên 701 lần theo bơi ra tàu trong đêm tối mênh mông.

Thuyền trưởng Hà Văn Thái cùng 4 thủy thủ gồm các đồng chí Đỗ Quang Hòa, Nguyễn Tiến Lừng, Trần Văn Bôn và Nguyễn Văn Phúc (báo vụ) tình nguyện chốt lại trên con tàu bây giờ đã trở thành một chiếc lô cốt, trở thành bia chủ quyền trên đảo Đá Lớn.

Đây là một trận đánh thực sự, tuy không phải nổ súng, nhưng chấp nhận đương đầu với sóng gió, với đêm tối và đại dương có nghĩa là các anh đã sẵn sàng chấp nhận sự hy sinh thân mình. Vào những giây phút quyết định lao tàu lên đảo, tính mạng của mười lăm con người đã thực sự treo trên đầu sợi tóc.

Cơ may thành công không phải là nhiều. Nhưng các anh đã thành công, sự thành công ấy không chỉ là kết quả của lòng dũng cảm, trí thông minh, sự dạn dày sóng gió và kinh nghiệm đương đầu với hiểm nghèo trên đại dương, mà trong đó còn có cả sự may mắn.

Tàu 701 và tàu 671 đã được tặng thưởng huân chương Quân công hạng ba và được đề nghị tuyên dương là những đơn vị anh hùng. Tổ quốc đã đánh giá đúng lòng dũng cảm và tinh thần sẵn sàng hy sinh của các anh.

(Theo Bút ký Hành trình thuận chiều của nhà văn Khuất Quang Thụy trong "Trường Sa - Tập Văn - Thơ", Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại