Hy sinh gian khổ
Trên mảnh đất miền Tây Quảng Bình đầy gian khổ và khó khăn, bộ đội ta đã sống cuộc sống hào hùng và đẹp đẽ. Đại đội 2 trung cao kéo pháo lên Cổng Trời chăng màn đạn bảo vệ Cửa khẩu đường 15.
Đại đội 12 bắc ba thang đưa súng 12,7 ly lên điểm cao 400, bộ đội chia nhau từng bát nước, từng viên thuốc, kiên trì phục kích bắn rơi tại chỗ F-105.
Cuộc chiến đấu của Tiểu đoàn 11 - Trung đoàn 280 ở Tang Núng trở nên vô cùng quyết liệt vào những ngày cuối tháng 3 năm 1968. Địch quyết nhổ trận địa ta khỏi khu vực này để xóa sổ ngầm khe Tang, ngầm khe Núng.
Địch tổ chức đánh vào trận địa ta liên tục hàng tuần liền. Bộ đội ta anh dũng đánh trả địch, bảo vệ ngầm, bảo vệ trận địa.
Địa hình ở đây rất hẹp, không có chỗ để bố trí trận địa dự bị nên các đơn vị đánh xong đâu vẫn cứ đóng nguyên ở đấy, không được cơ động. Tiểu đoàn xây dựng quyết tâm bám trụ sát vật thể bảo vệ, một tấc không đi, một ly không rời.
Địch ném bom nổ chậm vào công sự pháo, bộ đội ta đào hất bom xuống vực để lấy chỗ đặt pháo.
Luyện tập phương án chiến đấu ở Đại đội 74, Trung đoàn 280 (Đoàn phòng không Hồng Lĩnh - Anh hùng LLVTND). Ảnh: Infonet.
Trận địa đại đội 12 ở sát ngầm khe Tang nhất. Trận địa với ngầm là một. Địch đánh ngầm coi như đánh trận địa. Mọi đường bay đều P=0. Lúc nào trận địa cũng khét lẹt mùi thuốc bom. Mọi ngọn cỏ nhành cây ở đây đều sạm đen thuốc súng.
Ngày bổ nhào, đêm tọa độ, mỗi ngày hàng chục trận đánh, cán bộ chiến sĩ C12 vẫn hiên ngang bám trụ bên ngầm.
Vẫn hiên ngang bám trụ, hạ gục uy danh Không lực Hoa Kỳ
Sáng ngày 28 tháng 3 năm 1968, Đại đội trưởng Nguyễn Ngọc Đoàn hội ý ban chỉ huy đại đội và các cán bộ trung, khẩu đội. Anh nói:
"Những ngày qua chúng ta đã chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, giữ vững được trận địa, bảo vệ được ngầm. Nhưng chúng ta chưa tiêu diệt được địch vì chúng ta chủ trương đánh từ xa, lấy việc bảo vệ mình làm chính. Hàng tuần nay, địch tập trung bom đạn nhổ chúng ta ra khỏi ngầm nhưng không nhổ được.
Đã đến lúc chúng ta phải đánh một trận tiêu diệt gọn để buộc địch phải giãn ra. Hôm nay địch đến chúng ta sẽ đánh gần, đánh tiêu diệt".
Quyết tâm của đại đội trưởng được quán triệt tới tận các pháo thủ. Công tác chuẩn bị chiến đấu được tiến hành hết sức khẩn trương, đắp lại những chỗ cộng sự bị sụt lửa, ngụy trang kín trận địa, đưa thêm đạn ra hầm pháo.
10h15p, bốn máy bay Mỹ kéo đến. Ba trong bốn chiếc máy bay kia là F-4H. Còn chiếc thứ tư, không ai biết nó là loại máy bay gì, chỉ thấy nó bay rất nhanh và trông trùi trụi như cái bắp chuối to. Chính cái vẻ lạ lẫm của nó càng khiến đại đội trưởng Nguyễn Ngọc Đoàn chú ý.
"Phải bắn rơi chiếc này để xem nó là loại máy bay gì" - Đại đội trưởng Đoàn nghĩ như vậy. Cũng vừa lúc chiếc máy bay lạ bổ nhào. Đoàn giơ cao cờ lệnh:
- Bình tĩnh! Thao tác chính xác.
Trắc thủ đo xa đếm:
- Năm ngàn... bốn ngàn rưỡi.
Có ai đó nhắc khẽ "đánh được rồi đấy" song Đoàn vẫn đợi cho tới khi đo xa đọc "hai ngàn tám" anh mới phất cờ và thét: Bắn!
Đường đạn mạnh như sấm sét quất thẳng mặt tên giặc trời, hất nó ngửa bụng và rơi ngay tại chỗ. Thì ra nó là F-111A cánh cụp cánh xòe, loại máy bay cực kỳ hiện đại mà Mỹ vừa chế tạo được.
Lần đầu tiên chúng đem ra miền Bắc, hòng tạo một cú bất ngờ ở Tang Núng, nhưng nó đã gặp phải một đối thủ vô địch. F-111A đã tan xác, tan luôn cả tiếng tăm và uy lực của loại máy bay này.
Mảnh xác chiếc máy bay F-111 bị quân dân Tiến Châu, Yên Lãng, Vĩnh Phúc bắn hạ ngày 17/10/1972.
Từ 31 tháng 3 đến 31 tháng 10 năm 1968, cụm Xuân Sơn diệt 12 máy bay Mỹ, 240 ngày liên tục, đêm nào phà cũng thông xe. Chiến trường miền Nam đang thắng to. Chúng ta gửi niềm vui của mình vào trong đó qua mỗi chuyến xe, qua từng trận thắng.
Cả Trung đoàn 280 thức với từng bến phà, từng đoạn ngầm, từng chân hàng. Mỗi loạt bom nổ, mỗi nhịp súng báo tắc đường, mỗi lần đá đổ ầm ầm trên núi đều khiến những chiến sĩ trên mâm pháo bồn chồn.
Trong những ngày chiến đấu các liệt đó, Trung đoàn 280 nhận được thư khen của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng viết: "Các đồng chí đánh rất giỏi, đã bắn rơi 200 máy bay Mỹ, kể cả F-111A, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên tuyến đường hành lang chiến lược".
Ôi! Thì ra không phải chỉ mình ta thức với tuyến đường mà ở Thủ đô, Tổng quân ủy đang ngày đêm dõi theo từng bước đi, từng trận đánh của chúng ta.
Đảng ủy Trung đoàn viết quyết tâm thư gửi Quân ủy Trung ương: "Dù gian khổ, ác liệt đến mấy, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 280 vẫn quyết tâm chiến đấu đến cùng vì độc lập, tự do của Tổ quốc".
(Theo "Trung đoàn 280 - Những chặng đường chiến đấu", Quân chủng PK-KQ)