Lao động giá rẻ không còn là lợi thế

Văn Duẩn |

Tỉ lệ lao động qua đào tạo thấp và năng suất kém sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Tại Hội thảo khoa học quốc gia " Lao động , việc làm và hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên số" do Trường Đại học Công đoàn tổ chức hôm 17-11, PGS-TS Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục và Quản lý kinh tế, cho rằng chất lượng nguồn nhân lực là một trong những nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, nhất là trong thời đại 4.0.

Tuy nhiên, tỉ lệ lao động qua đào tạo của Việt Nam hiện còn quá thấp, chỉ chiếm 25% - 26% tổng lực lượng lao động.

Chất lượng lao động còn thấp

Theo PGS-TS Mạc Văn Tiến, chất lượng nguồn nhân lực thấp dẫn tới năng suất lao động dù đã được cải thiện nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.

Báo cáo của Tổ chức Năng suất châu Á năm 2021 cho thấy năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn Singapore 26 lần, Malaysia 7 lần và Thái Lan 3 lần. Vì vậy, phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động (NLĐ), nhất là lao động trẻ, là yêu cầu cấp thiết.

 Lao động giá rẻ không còn là lợi thế  - Ảnh 1.

Kỹ sư phần mềm làm việc tại Công viên Phần mềm Quang Trung .Ảnh: HOÀNG TRIỀU

TS Vũ Thị Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Đoàn thể nhân dân - Ban Dân vận Trung ương, cho biết từ năm 2020-2022, thị trường lao động Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Đến quý II/2022, cả nước vẫn còn hơn 8 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch này.

Trong đó, 0,4 triệu người bị mất việc; 0,5 triệu người không tìm được việc làm; 2,2 triệu người phải tạm nghỉ, tạm dừng hoạt động sản xuất - kinh doanh; 2,4 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động bị giảm thu nhập.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đánh giá việc phục hồi của thị trường lao động toàn cầu đang bị đe dọa bởi những cuộc khủng hoảng đang diễn ra. Theo TS Vũ Thị Loan, dù thị trường lao động Việt Nam có xu hướng phục hồi và phát triển nhưng vẫn tồn tại một số hạn chế.

Cụ thể, chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường. Tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ chiếm 26,2% lực lượng lao động, trong đó tỉ lệ người từ 15 tuổi trở lên có chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp trở lên ở khu vực thành thị đạt xấp xỉ 39%, khu vực nông thôn gần 20%.

Tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ cả nước là 24,1%. Điều này cho thấy trình độ chuyên môn, tay nghề và kỹ năng của lao động Việt Nam chưa thể đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp (DN) và thị trường lao động.

"Tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ dù đã tăng dần qua các năm nhưng vẫn có sự chênh lệch giữa khu vực thành thị và nông thôn. Mất cân đối cung cầu còn thể hiện ở tình trạng NLĐ làm việc không phù hợp với ngành nghề được đào tạo, không phù hợp giữa cấp bậc chuyên môn kỹ thuật và ngành nghề đào tạo với nhu cầu của thị trường" - TS Vũ Thị Loan nhận xét.

Chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao

Các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh khoa học và công nghệ ngày càng phát triển, NLĐ có trình độ, kỹ năng hạn chế sẽ chịu tác động mạnh hơn và nguy cơ mất việc cũng cao hơn.

Nguồn lao động dồi dào, giá rẻ sẽ không còn là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài. Việt Nam có thể sẽ phải chịu sức ép về việc giải quyết việc làm và đối mặt tình trạng gia tăng tỉ lệ thất nghiệp hoặc thiếu việc làm vì quy mô dân số lớn nhưng chất lượng lao động chưa cao.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, phải phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, kỹ năng. Đây cũng là một trong những đột phá chiến lược để phát triển đất nước trong thời gian tới.

Thời gian qua, Việt Nam đã và đang tập trung đề ra nhiều giải pháp đẩy mạnh nguồn nhân lực, chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có nhiều giải pháp trọng tâm. Song song với việc đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Việt Nam còn hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư; cả DN, người sử dụng lao động cũng tích cực tham gia hoạt động đào tạo, phát triển kỹ năng nghề.

Bên cạnh việc xây dựng các mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với DN và thị trường lao động theo từng vùng, từng địa phương phù hợp từng nhóm đối tượng, trong đó chú trọng đối tượng đặc thù, Việt Nam còn đẩy mạnh dự báo nhu cầu đào tạo nghề nghiệp, nhất là ngành nghề khoa học - kỹ thuật công nghệ, ưu tiên công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao.

"Việc sắp xếp, tổ chức mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, dễ tiếp cận, đa dạng về loại hình và hình thức, phân bổ hợp lý cả về cơ cấu ngành, trình độ vùng miền giúp chúng ta đủ khả năng đáp ứng nhu cầu về đào tạo nhân lực chất lượng cao" - Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhìn nhận.

TS Lê Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn, nhấn mạnh việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là yếu tố quan trọng, nòng cốt bảo đảm cho nền kinh tế phát triển, hội nhập sâu rộng, bền vững, ổn định.

"Trong rất nhiều giải pháp đưa ra để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo được xem là nhiệm vụ then chốt, trọng yếu nhằm xây dựng, phát triển nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư" - ông Lê Mạnh Hùng kỳ vọng.

PGS-TS MẠC VĂN TIẾN, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục và Quản lý kinh tế: Hình thành năng lực thích ứng

Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế và đổi mới đào tạo, giáo dục nghề nghiệp để phát triển kỹ năng nghề cho người học, NLĐ ngay trong nhà trường, theo hướng mở và linh hoạt. Đồng thời, chuyển từ đào tạo kỹ năng hẹp sang đa kỹ năng, bao gồm cả các kỹ năng mềm, kỹ năng số, để hình thành năng lực thích ứng cho người học trong bối cảnh chuyển đổi số.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại