Lãnh đạo NATO giải thích lý do không can dự vào cuộc chiến ở Syria

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ngày 18/12 khẳng định việc liên minh quân sự này tham gia vào cuộc nội chiến ở Syria sẽ chỉ khiến tình hình tồi tệ hơn.

Trả lời phỏng vấn tờ báo Đức Bild am Sonntag, ông Stoltenberg cho rằng trong một số trường hợp việc triển khai quân của NATO là đúng, như ở Afghanistan, tuy nhiên đối với một số trường hợp khác cái giá phải trả cho việc triển khai quân cao hơn những lợi ích mang lại.

Theo ông Stoltenberg, việc triển khai quân NATO đến Syria có nguy cơ khiến cuộc nội chiến này trở thành một cuộc xung đột khu vực với quy mô lớn hơn, hoặc số người vô tội bị chết sẽ nhiều hơn.

Tất cả 28 thành viên của NATO đều tham gia liên minh do Mỹ đứng đầu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, song không can dự trực tiếp vào cuộc xung đột ở Syria.

Lãnh đạo NATO giải thích lý do không can dự vào cuộc chiến ở Syria - Ảnh 1.

Hình chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: defence24.com)

Tổng thư ký NATO đưa ra phát biểu trên trong bối cảnh có dư luận chỉ trích phương Tây không ngăn chặn được tình trạng tàn sát tại Syria, đặc biệt là tình hình khủng hoảng nhân đạo tại thành phố Aleppo ở Tây Bắc nước này.

Trong khi đó, cùng ngày 18/12, các xe bus đã bắt đầu chạy vào các khu vực cuối cùng do lực lượng nổi dậy kiểm soát ở Aleppo, nối lại kế hoạch sơ tán dân thường và các tay súng nổi dậy.

Hãng thông tấn nhà nước Syria SANA cho biết các xe bus đã tiến vào dưới sự giám sát của tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ và Chữ thập Đỏ.

Trước đó, trở ngại chính đối với việc nối lại hoạt động sơ tán là bất đồng giữa các bên về số người được sơ tán khỏi Aleppo đồng thời với số người sơ tán khỏi hai làng al-Foua và Kefraya bị quân nổi dậy bao vây.

Một đại diện của lực lượng nổi dậy cho biết theo một thỏa thuận mới, kế hoạch sơ tán sẽ được thực hiện 2 giai đoạn.

Trong giai đoạn đầu, một nửa số người bị bao vây ở Aleppo sẽ dời đi đồng thời với việc sơ tán 1.250 người ở làng al-Foua.

Trong giai đoạn hai, 1.250 người sẽ được đưa ra khỏi Kefraya cùng lúc với việc sơ tán những người còn lại ở Aleppo.

Tiếp đó, khoảng 3.000 người sẽ rời al-Foua và Kefraya cùng với số người tương đương rời khỏi 2 thị trấn Zabadani và Madaya đang bị quân chính phủ bao vây gần biên giới với Liban.

Liên hợp quốc ước tính có khoảng 40.000 dân thường và tay súng nổi dậy bị mắc kẹt tại Aleppo.

Dự kiến, khoảng 23 giờ tối 18/12 theo giờ Việt Nam, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ họp để bỏ phiếu về nghị quyết do Pháp soạn thảo về việc cử các quan sát viên đến giám sát hoạt động sơ tán cũng như báo cáo về việc bảo vệ dân thường tại thành phố này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại