(1)
Bố tôi là một kĩ sư kết cấu. Ông đi làm đều đặn từ thứ hai đến thứ thứ bảy, từ 8h sáng đến 5h30 tối. Ông thường xuyên có mặt ở nhà sau 6 giờ tối. Chúng tôi sống trong một căn biệt thự cao cấp nằm ở cuối phố Bùi Thị Xuân.
Tại đây, chúng tôi có thể tận hưởng sự huyên náo, tấp nập của thành phố, lắng nghe tiếng còi xe inh ỏi giận dữ kêu lên từng hồi, rú lên từ những người đang vội vội vàng vàng cắm đầu cắm cổ về nhà để đoàn tụ với gia đình.
Ngày tôi là một cậu bé, những chiếc điện thoại thông minh còn chưa phổ biến, mọi người chưa chịu nhiều ảnh hưởng của thời đại 4.0 như bây giờ.
Với công việc của mình, bố tôi luôn đảm bảo sự dư dả về tài chính cho gia đình. Nhiều thay đổi hiện rõ trên từng con phố, nếp nhà, và những người khoảng 40 – 50 tuổi có lẽ khó lòng theo kịp những biến chuyển đang diễn ra từng ngày.
Một trong những thay đổi rõ ràng nhất có thể nhận thấy, đó là ngày càng có nhiều ô tô "xịn" xuất hiện.
Những chiếc Mercedes, Audi bóng loáng, xuất hiện đầy oai phong, lẫm liệt trên đường phố, lao vun vút với tiếng động cơ thét lên đầy dũng mãnh.
Trong khi đó, bố tôi mặc dù rất giàu, nhưng vẫn mãi chung thuỷ với chiếc Future xanh cà tàng, bình thản lách những chiếc xe hàng hiệu kia để tiến về phía trước.
Bố từng dặn tôi: "Con muốn giàu, bố rất hoan nghênh. Miễn là đừng để ước muốn đó làm chệch hướng đạo đức và nhân phẩm của mình là được."
Bây giờ, khi đã là một chàng trai 28 tuổi, tôi hoàn toàn hiểu thấu câu nói của ông.
Nhưng hồi đó, tôi mới 15 tuổi, độ tuổi của sự điên cuồng, hoang dại, liều lĩnh, nên tôi đã đáp trả lại khá gay gắt: "Con muốn giàu, dù với bất kì giá nào, thà mất đạo đức và nhân phẩm mà có tiền còn hơn lăn lộn trong cảnh nghèo đói, túng thiếu".
Bố tôi tủm tỉm cười, và bảo tôi: "Đồng tiền có sức mê hoặc rất lớn, nhưng một ngày con sẽ thấy những mặt trái của chúng.
Khá hài hước rằng, bố từng gặp rầt nhiều người, và những người hạnh phúc nhất thường không phải những người giàu có."
(2)
Là một người khá nhạy cảm, bố tôi để ý rằng, số lượng đồng tiền có trong tay tỉ lệ nghịch với hạnh phúc. Nghĩa là, càng nắm trong tay nhiều tiền, bạn sẽ càng cảm thấy cuộc sống nhàm chán, tẻ nhạt, thậm chí đau khổ.
Họ có thể sống trong những căn nhà tiện nghi, chỉ tay năm ngón để điều khiển người khác làm việc cho mình, lái những chiếc xe hơi đắt tiền, sang trọng nhưng họ thường chịu cảnh cô đơn, hoặc tình cảm vợ chồng nhạt nhoà (nguyên nhân là do họ thường phải di chuyển đi công tác quá nhiều), mắc nhiều căn bệnh mà tốn bao nhiêu tiền thuốc cũng không thể chữa khỏi…
Họ có thể kiếm được nhiều tiền, nhưng những đồng tiền họ kiếm được lại bị những người thân trong gia đình tiêu xài một cách hoang phí.
"Nói tóm lại", bố tôi kết luận, "những người sống trên một núi tiền và những kẻ ăn mày, rất có thể phải chia sẻ những cảm xúc tiêu cực giống nhau."
Tiền không bao giờ là đủ. Càng kiếm được nhiều, chúng ta lại càng muốn kiếm được nhiều tiền hơn nữa. Chúng ta nghĩ rằng tiền có thể giúp ta mua được hạnh phúc.
Nhưng hạnh phúc chỉ là niềm vui ngắn hạn. Sau khi trải qua những phút giây thoả mãn, não chúng ta được lập trình để cân bằng lại các yếu tố cảm xúc, đưa chúng ta trở về nhịp điệu cuộc sống bình thường.
Nếu rượt đuổi hạnh phúc chỉ là điều vô nghĩa, vậy đâu là động lực để chúng ta cố gắng mỗi ngày? Đó chính là sự hài lòng.
Hạnh phúc có thể mất đi, nhưng sự hài lòng thì luôn ở lại.
Nếu bạn có thể bằng lòng với bản thân, bạn có thể chấp nhận những ưu điểm cũng như khuyết điểm của mình, bạn có thể tận hưởng niềm vui khi chiến thắng một cách trọn vẹn hơn, cũng như biết cách mỉm cười những khi không may thất bại.
Nếu bạn cô đơn, bạn có thể bằng lòng với việc tâm sự cùng người lạ. Nếu bạn không có gì, bạn vẫn có thể hài lòng vì mình vẫn còn ngày mai để mong chờ.
Đừng biến mình thành chú thỏ mải miết đuổi theo củ cà rốt treo lơ lửng trên cái gậy, hãy tỉnh táo đứng lại và bằng lòng với cuộc sống mình đang có.
(3)
Năm 2017, bố tôi ngã bệnh, ông nằm mê man, những nếp nhăn hằn trên trán mỗi ngày một rõ, hậu quả từ những cơn đau quằn quại từ chứng suy thận quái ác.
Bác sĩ, y tá trong bệnh viện làm việc tận tâm, cố làm ông cảm thấy thoải mái hết sức có thể.
Tôi nắm lấy cha mình, đau đáu nhìn ông, thủ thỉ: "Bố đừng lo, rồi mọi chuyện sẽ ổn". Bố đã vất vả cả đời để đảm bảo sự đủ đầy cho gia đình, và bây giờ là lúc để gia đình giúp đỡ ông.
Đêm hôm đó, bố tôi qua đời. Dù đã chuẩn bị tâm lí từ trước, nhưng khi nhận được hung tin, một nỗi buồn hiện rõ trên từng gương mặt của tất cả các thành viên trong gia đình.
Tôi đứng chôn chân, cảm thấy rõ mình đang hài lòng một cách kì lạ.
Tại sao?
Vì tôi đã thu xếp được thời gian ở bên bố nhiều nhất có thể trong thời gian ông đổ bệnh. Tôi cũng đã sắp xếp được để mẹ tôi gặp được bố (trước đấy mẹ tôi đang ở Sài Gòn).
Tôi cảm thấy ổn vì những lúc ông cần tôi nhất, tôi đã luôn ở cạnh bên ông. Và mỗi khi nghĩ rằng bố mình bây giờ đã hạnh phúc trên thiên đàng, không phải cắn răng chịu đựng những cơn đau dai dẳng nữa, bất giác tôi mỉm cười.
Bố đã dạy tôi nhiều bài học quý giá về cuộc sống. Và khi bố tôi ra đi, tôi ý thức rằng ông luôn dõi theo tôi, vì vậy mình phải nghiêm túc thực hiện tốt những điều bố dạy.
Tôi bắt đầu tìm kiếm sự hài lòng trong những điều xuất hiện xung quanh mình, từ gia đình, bạn bè, đến những thứ trừu tượng hơn như sức khoẻ, tình cảm,…
Tôi nhận ra rằng, càng suy nghĩ nhiều, càng khó lòng được hạnh phúc. Hạnh phúc thực sự chỉ xuất hiện khi chúng ta biết làm sạch tâm trí của mình.
Thế giới này bị vẩn đục vì quá nhiều những toan tính, mưu mô, nếu chúng ta có thể sống một cuộc đời bình dị, và sẵn lòng giúp đỡ những người khác trong phạm vi khả năng của mình, chúng ta mới có thể sống một cuộc đời đáng sống.
(4)
Còn bạn thì sao?
Bạn có đang tôn sùng đồng tiền một cách cuồng tín, đến mức bạn không còn thời gian vào bất kì việc gì khác ngoài việc kiếm tiền?
Chúng ta lăn xả với những tham vọng lớn lao, với ước muốn hưởng thụ một cuộc sống khang trang, tiện nghi hơn bây giờ.
Chúng ta săn những chương trình giảm giá, lắng nghe những câu chuyện thành công và để bản thân bị dẫn dắt một cách mù quáng để đi theo lối mòn trong cuộc đời của một người khác.
Chúng ta đau đáu, trăn trở trong những câu hỏi: "Tại sao?", "Làm thế nào?", để những sợi dây thòng lọng này làm mình bị tắc thở trước khi kịp nhìn thấy hạnh phúc.
Với một số người, hạnh phúc xuất hiện khi được những người khác công nhận. Họ sẽ thấy vui vẻ khi những chiếc xe hơi đắt tiền, nhà cửa tân tiến của mình được những người xung quanh bàn tán với một giọng điệu trầm trồ, thán phục.
Họ chạy đua với những thay đổi mang tính cấp tiến của xã hội để chộp lấy hạnh phúc. Theo tôi, tình cảnh những gia đình đó bất hạnh không kém những gia đình nghèo khổ.
Bạn có thể cho rằng đồng tiền có sức mạnh vạn năng. Bạn có thể tự tin khẳng định rằng khi mình nắm trong tay thật nhiều tiền, mình sẽ không còn e ngại bất kì điều gì.
Nhưng thực sự, những sóng gió lớn nhất của cuộc đời khi đã quyết định cuốn bạn đi, thì bao nhiêu tiền cũng là không đủ.
Người giàu không phải lo thiếu cơm ăn áo mặc, không phải trăn trở mỗi khi hoá đơn tiền điện, tiền nhà ập đến, nhưng những vấn đề của họ vẫn còn đó.
Ngay cả khi bạn nghĩ rằng họ có tất cả, thực sự họ vẫn còn rất nhiều vấn đề phải đắn đo. Vấn đề lớn nhất họ phải đối mặt, đó là vấn đề về thể chất.
Những người giàu có thường phải làm việc ngày đêm, và điều này đã bào mòn thể lực của họ và sức khoẻ tinh thần của họ, hậu quả là họ không cảm thấy hạnh phúc, ngay cả khi mình đang nằm chễm chệ trên một núi tiền.
Đồng tiền không phải và cũng không nên là đích đến trong cuộc sống của những người đang trong độ tuổi trưởng thành.
Lời khuyên của tôi là sống một cuộc sống giản dị hơn, khi ấy bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để chăm sóc gia đình, vui đùa cùng bạn bè, duy trì sức khoẻ và ngọn lửa nhiệt huyết của mình.
Đừng chỉ đọc đến đây rồi để đó, chúng ta sẽ không bao giờ biết được nếu chúng ta không thử một lần.