Làn sóng nhà máy Trung Quốc ngừng hoạt động, cắt giảm sản xuất vì “càng làm càng lỗ”

Đăng Nguyễn |

Làn sóng đóng cửa, tạm dừng sản xuất đang quét qua các nhà máy ở trung tâm sản xuất phía nam Trung Quốc, do giá nguyên vật liệu tăng vọt, lấn át lợi nhuận và làm gia tăng lo ngại về rủi ro lạm phát của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Giá nguyên vật liệu tăng vọt khiến các nhà máy sản xuất ở Quảng Đông, Trung Quốc, điêu đứng.

Giá nguyên vật liệu tăng vọt khiến các nhà máy sản xuất ở Quảng Đông, Trung Quốc, điêu đứng.

Trên khắp tỉnh Quảng Đông, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuỗi công nghiệp - sản xuất tất cả mọi thứ từ thép đúc cho đến thiết bị gia dụng - than phiền rằng năm nay còn khó có thể tồn tại hơn năm ngoái, theo SCMP.

Thông tin này có thể gây bất ngờ, trong bối cảnh nhiều khách hàng nước ngoài quay sang Trung Quốc để đặt các đơn hàng, trong bối cảnh nhiều quốc gia đang tập trung đối phó đại dịch Covid-19, đặc biệt là Ấn Độ.

Đại dịch đã gây ảnh hưởng nặng nề đến các chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến một số nhà sản xuất Trung Quốc gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu cần thiết để sản xuất hàng hóa do chi phí đắt đỏ.

Modern Casting Ltd, một trong những nhà máy sản xuất sắt và thép đúc lớn nhất Quảng Đông, đã thông báo với các khách hàng rằng không thể đáp ứng toàn bộ đơn hàng vì giá cả tăng vọt và sự thiếu hụt nguyên liệu thô.

“Chi phí sản xuất vật liệu đã vượt xa lợi nhuận của công ty và đến mức chúng tôi không thể chịu lỗ được nữa”, đại diện công ty cho biết. Trong khi đó, đại diện công ty JiangXin Foundry Ltd nói không còn cách nào khác ngoài việc cắt giảm sản xuất. Nhà máy hoạt động liên tục trong 4 ngày sau đó đóng cửa 3 ngày và cứ như vậy lặp lại.

Huo Huagen, giám đốc sản xuất của công ty, nói giá thép nguyên liệu tăng vọt lên hơn 4.500 nhân dân tệ/tấn trong vài tuần gần đây. “Điều đó có nghĩa là chúng tôi sản xuất càng nhiều, càng lỗ nhiều”, Huo nói. “Chúng tôi lỗ 1.500 nhân dân tệ cho mỗi tấn thép đúc sản xuất được”.

Huo dự đoán công ty sẽ cắt giảm đáng kể sản lượng trong năm nay, và có thể là cả năm sau. Các công nhân làm việc trong nhà máy cũng gặp khó khăn, mức lương giảm xuống còn 3.000 nhân dân tệ (khoảng 10 triệu đồng) thay vì 8.000 nhân dân tệ (khoảng 28 triệu đồng) như khi nhà máy đạt sản lượng tối đa.

“Khách hàng lớn nhất của chúng tôi là các đối tác kinh doanh và vận hành thang máy ở Nhật. Chúng tôi đã đề xuất tăng giá 15% nhưng chưa thấy họ trả lời”, Huo nói.

Tình cảnh tương tự cũng được ghi nhận tại nhiều nhà máy sản xuất ở Quảng Đông. Các nhà sản xuất Trung Quốc chưa dám nâng mức hoạt động như bình thường, do lo ngại thua lỗ vì giá nguyên vật liệu quá cao”.

Theo các nhà sản xuất Trung Quốc, vấn đề không đơn giản là tăng giá bán để bù đắp giá nguyên vật liệu tăng vọt, do nhu cầu của thị trường không tăng.

Huo bày tỏ hi vọng rằng chính quyền trung ương Trung Quốc sẽ can thiệp để bình ổn giá nguyên vật liệu. Trước mắt, các nhà máy chỉ còn cách đóng cửa hoặc cắt giảm sản xuất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại