"Rõ ràng là chúng tôi không thể phớt lờ những gì đang diễn ra ở Úc liên quan đến mối quan hệ của họ với Trung Quốc. Nếu Úc đang ở gần hoặc đang trong tâm bão, chúng tôi phải tự nhủ mình rằng có thể chỉ là vấn đề thời gian trước khi cơn bão này áp sát chúng tôi" – Bộ trưởng Mahuta chia sẻ.
Cũng theo bà Mahuta, các nhà xuất khẩu New Zealand cần đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc phòng khi mối quan hệ 2 nước xấu đi.
"Tín hiệu mà tôi đang gửi đến các nhà xuất khẩu là họ cần nghĩ đến chuyện đa dạng hóa trong bối cảnh này – Covid-19, mở rộng các mối quan hệ trên khắp khu vực" – Bộ trưởng Mahuta nói thêm.
Theo báo The Guardian, Trung Quốc chiếm gần 30% kim ngạch xuất khẩu của New Zealand. Quốc gia này ngày càng gặp khó khăn trong việc duy trì quan hệ thương mại giữa lúc Bắc Kinh ngày càng hung hăng, ngang ngược trong các vấn đề liên quan đến luật pháp quốc tế.
New Zealand hiện đối mặt với sức ép gia tăng về việc chỉ trích Trung Quốc vi phạm nhân quyền. Họ đã ra những tuyên bố thể hiện "quan ngại sâu sắc" về hành vi của Trung Quốc ở khu tự trị Tân Cương và Hồng Kông, song những tuyên bố này có xu hướng mềm mỏng hơn so với những tuyên bố của các đồng minh lâu năm như Anh, Mỹ, Canada và Úc.
Tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động tại Hoàng Hải (Hàn Quốc gọi là Tây Hải). Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Bộ trưởng Hải dương và Ngư nghiệp Hàn Quốc Moon Seong-hyeok khẳng định hoạt động đánh bắt cá trái phép của Trung Quốc đang làm tăng rủi ro an ninh ở Hoàng Hải (Hàn Quốc gọi là Tây Hải).
Nhấn mạnh nạn đánh bắt hải sản trái phép cần bị "xóa bỏ hoàn toàn", Bộ trưởng Moon tuyên bố sử dụng thiết bị công nghệ cao để giải quyết vấn đề này.
"Liên quan đến chuyện đánh bắt hải sản trái phép, dù là tàu nội địa hay nước ngoài, chúng tôi đều giải quyết triệt để" – Bộ trưởng Moon khẳng định với Bloomberg hôm 21-5, đồng thời cho biết thêm rằng từ năm sau, quốc gia của ông sẽ tăng cường hệ thống giám sát hàng hải sử dụng thiết bị không người lái và trí tuệ nhân tạo (AI).