Hong Kong hôm qua có thêm 118 ca mới, mức cao kỷ lục trong 8 ngày liên tục, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 ở đây lên hơn 3.000. Trong số bệnh nhân mới có 113 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, bao gồm 46 ca không rõ nguồn gốc.
Dù những con số này vẫn nhỏ so với nhiều thành phố khác trên toàn cầu, nhưng xu hướng tăng liên tục ở Hong Kong gây nhiều lo ngại, đặc biệt sau khi Hong Kong trải qua nhiều tháng không có trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng và không rõ nguồn gốc.
Giới chức Hong Kong sợ rằng triển khai phong tỏa có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo.
“Cực kỳ khó để áp dụng phong tỏa ở Hong Kong. Có hơn 200.000 người sống trong những ô vuông nhỏ, nhiều người không có nhà vệ sinh và bếp riêng, hoặc nhiều người phải sống chung trong một phòng. Yêu cầu người dân không được bước ra khỏi môi trường đó trong một thời gian dài sẽ là việc thiếu nhân đạo và không thực tế”, SCMP dẫn lời nghị sĩ Fernando Cheung, một người luôn quan tâm đến các vấn đề xã hội.
Thay vào đó, chính quyền Hong Kong áp dụng nhiều quy định chặt chẽ khác như cấm tụ tập quá 2 người, không được ăn trưa và ăn tối ở ngoài, bắt buộc đeo khẩu trang khi đi phương tiện công cộng và ở nơi công cộng.
Thách thức mà Hong Kong đang phải đối mặt cung cấp thêm bằng chứng cho thấy tác động của đại dịch kết hợp với những vấn đề kinh tế và xã hội đã tồn tại từ lâu ở nơi này.
Tình thế khó khăn của Hong Kong nếu áp dụng phong tỏa đã biểu hiện ở một số quốc gia đang phát triển như Ấn Độ, nơi các biện pháp cách ly khiến nền kinh tế bị tàn phá và nhiều người đói ăn mà không làm chậm được đà lây của virus. Ấn Độ bỏ phong tỏa từ tháng trước và số ca mắc đang tăng vọt lên gần 50.000 trường hợp mỗi ngày.
Trong khi đó, Hong Kong vốn đã rơi vào suy thoái sâu sau nhiều tháng biểu tình phản đối Trung Quốc đại lục, sau đó là đại dịch. Với điều kiện kinh tế và chính trị mong manh như hiện nay, Hong Kong không thể phong tỏa như cách đại lục làm, mà thay vào đó là các biện pháp cân bằng nhu cầu kinh tế và cá nhân với bảo vệ y tế cộng đồng, trong khi vẫn cho phép thành phố mở cửa, TS Lam Ching Choi, chuyên gia y tế cố vấn cho Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam, nói.
Tình hình ở Trung Quốc đại lục cũng đang nghiêm trọng lên, với 101 ca mới được ghi nhận trong ngày 29/7. Đây là mức cao nhất trong gần 4 tháng qua, Ủy ban Y tế quốc gia cho biết. Hầu hết số bệnh nhân mới được ghi nhận ở Tân Cương, với 89 trường hợp. Tỉnh Liêu Ninh ở phía đông bắc có thêm 8 ca bệnh mới, còn thủ đô Bắc Kinh phát hiện 1 trường hợp liên quan bệnh nhân từ TP Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Ít nhất 9 thành phố của nước này đã phát hiện ca bệnh liên quan Đại Liên sau khi một ổ dịch xuất hiện ở thành phố này vào tuần trước. Nhiều thành phố châu Á khác cũng ghi nhận số ca bệnh gia tăng. Hàn Quốc hôm qua có thêm 48 ca mới, cao hơn số lượng trung bình 20 ca trong 2 tuần trước đó.
Philippines có thêm 1.000 ca mắc mới trong ngày thứ 14 liên tục, nâng tổng số ca bệnh được xác nhận ở nước này lên 1.678. Singapore có thêm 359 trường hợp, chủ yếu vẫn là lao động sống trong các khu ký túc xá.
Nga sắp phê duyệt vắc-xin
Nga dự định trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt vắc-xin phòng virus corona sau gần 2 tuần nữa, dù vẫn còn một số lo ngại về tính an toàn, hiệu quả và những tác động khác khi quy trình thử nghiệm được rút ngắn.
CNN dẫn lời các quan chức Nga nói rằng, họ đang chuẩn bị để đến ngày 10/8 hoặc sớm hơn sẽ cho phép sử dụng loại vắc-xin do Viện Gamaleya ở Mátxcơva điều chế. Theo đó, vắc-xin sẽ được dùng cho cộng đồng, trước hết là nhân viên y tế.
Trong khi một số loại vắc-xin trên thế giới đã bước vào giai đoạn thử nghiệm thứ 3, vắc-xin của Nga vẫn chưa hoàn thành giai đoạn 2. Đơn vị của Nga dự kiến hoàn tất quá trình này vào ngày 3/8, sau đó tiến hành giai đoạn 3 song song với quá trình tiêm vắc-xin cho các nhân viên y tế.
Anh vừa ký một thỏa thuận mua tới 60 triệu liều vắc-xin COVID-19 của Sanofi và GlaxoSmithKline. Hai hãng dược này nói rằng vắc-xin của họ có thể được duyệt trong nửa đầu năm 2021 nếu thử nghiệm lâm sàng cho kết quả tốt.