Bloomberg đăng tải, Trung Quốc mới đây đã kiên quyết yêu cầu các quan chức Đài Loan phải kí một tuyên bố đồng ý rằng cả Đài Loan và Hong Kong đều thuộc về "một Trung Quốc" và coi đây là điều kiện để họ ở lại Hong Kong. Điều này đã gây áp lực khiến Đài Bắc cân nhắc khả năng đóng cửa cơ quan đại diện tại Hong Kong. Nếu thành sự thật, quyết định sẽ ảnh hưởng tới không chỉ hàng triệu người vẫn đi lại giữa Hong Kong và Đài Loan mỗi năm, mà còn tác động trực tiếp tới vai trò của Hong Kong như một cửa ngõ từ Trung Quốc tới Đài Loan.
Động thái của Bắc Kinh được cho là hướng tới hai mục tiêu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: "răn đe" nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn vì từ chối chấp nhận khuôn khổ "một Trung Quốc" và chặn đứt ngọn nguồn can thiệp từ bên ngoài vào Hong Kong. Văn phòng Văn hóa và Kinh tế Đài Bắc tại Hong Kong và các cơ quan tiền thân trước đó đã hiện diện tại Hong Kong từ hơn 5 thập kỷ - trước cả khi Hong Kong quay trở về Trung Quốc vào năm 1997.
"Sự phát triển này phản ánh thay đổi ngày càng chặt chẽ hơn trong chính sách Đài Loan của Trung Quốc", nhà phân tích chính trị tại Hong Kong Sonny Lo nói. "Hong Kong giờ đây là một chiến trường địa chính trị, một mặt là giữa Mỹ và Trung Quốc và một mặt khác là giữa đại lục với Đài Loan".
Khó khăn về visa
Mặc dù cả Đài Loan và Hong Kong từ lâu đều là những chủ thể "ủy nhiệm" trong những mâu thuẫn giữa Trung Quốc và phương Tây, nhưng căng thẳng bị thổi bùng từ lúc Bắc Kinh ngày càng tự tin hơn với việc khẳng định sức mạnh của mình trên trường quốc tế, trong khi Mỹ gia tăng các nỗ lực để kiềm chế đối thủ đến từ châu Á. Kể từ khi nhậm chức, bà Thái Anh Văn đã tìm kiếm sự ủng hộ từ chính quyền Tổng thống Donald Trump. Đài Bắc cũng đề nghị chấp nhận những người biểu tình chạy khỏi Hong Kong sau khi Bắc Kinh tuyên bố áp dụng đạo luật an ninh quốc gia mới tại thành phố ven biển.
Tuần trước, những áp lực lên Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc được đưa ra ánh sáng khi quyền giám đốc Kao Ming-tsun từ chối ký vào thông cáo "một Trung Quốc" và quay trở về Đài Loan. Một số nhân viên văn phòng cũng gặp khó khăn về vấn đề visa. Một quan chức Đài Loan tiết lộ, Đài Loan đã dừng cấp mới giấy phép làm việc cho nhân viên của văn phòng đại diện Hong Kong ở Đài Bắc.
Kết quả là, văn phòng Đài Loan sẽ rất khó có thể tiếp tục vận hành. Nếu đóng cửa, nó sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ tới một loạt các hiệp định khác giữa Bắc Kinh và Đài Bắc từng được kí kết, nhằm giúp mở rộng thương mại cũng như mở đường cho cuộc gặp gỡ chưa từng có trong tiền lệ vào năm 2015 giữa Chủ tịch Tập và người tiền nhiệm của bà Thái là Mã Anh Cửu.
"Đảng Dân chủ Tiến bộ (đảng của bà Thái Anh Văn) và những lực lượng li khai tại Đài Loan làm mọi thứ để hỗ trợ cho chiến lược của Mỹ là sử dụng 'con bài Hong Kong'", tờ Nhật báo Nhân dân của Trung Quốc viết hôm 19/7. "Họ một mặt chỉ trích chính sách 'một đất nước, hai chế độ' để tấn công chính các đối thủ chính trị của mình và giành phiếu bầu; mặt khác lại ủng hộ phe đối lập, đồng thời cung cấp trợ giúp và huấn luyện cho phe đối lập tại Hong Kong".
Theo một quan chức Đài Loan, liên quan tới kí kết cam kết "một Trung Quốc", Đài Loan không bình luận công khai nhằm tránh quan hệ căng thẳng thêm. Tuy nhiên, động thái mới của Trung Quốc có thể buộc Đài Loan dừng các ưu đãi đối xử mà người dân Hong Kong vẫn nhận được.
Mặc dù sẽ chưa có ảnh hưởng ngay lập tức tới gần 6,5 triệu lượt người vẫn đi lại giữa Hong Kong và Đài Bắc mỗi năm, nhưng diễn biến có thể sẽ tác động nhiều hơn tới những người Hong Kong muốn học tập hoặc nhập cư vào Đài Loan. Nó cũng có thể khiến người dân Hong Kong – vốn không cần visa khi tới Đài Loan, sẽ bị đối xử giống như người dân đại lục Trung Quốc, nghĩa là phải xin và chỉ được cấp visa theo một hạn ngạch nhất định mỗi năm.
Đóng băng chính trị
Học giả Sunny Lo chỉ ra, đạo luật an ninh quốc gia mới đã đóng băng các liên hệ giữa các đảng phái chính trị Đài Loan và Hong Kong, trao đổi sinh viên giữa hai vùng và hợp tác giữa các tổ chức phi chính phủ hai bên. Một câu hỏi lớn là, giới chức Hong Kong sẽ áp dụng các điều kiện "một Trung Quốc" mới ở mức độ nào?
Khuôn khổ "một Trung Quốc" đề cập tới một cuộc gặp mang tính bước ngoặt vào năm 1992 giữa các quan chức Trung Quốc và Đài Loan ở Hong Kong. Theo đó, họ thống nhất cả hai đều thuộc về một Trung Quốc, ngay cả khi mỗi bên có cách hiểu khác nhau. Khuôn khổ này đã vấp phải sự phản đối của Đảng Dân chủ Tiến bộ - lúc đó đang là phe đối lập.
Kể từ khi bà Thái Anh Văn lên cầm quyền, quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc trở nên căng thẳng hơn, bao gồm cả việc Bắc Kinh phản đối Đài Loan gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới. Đài Loan cũng là một vấn đề nóng trong bầu cử tổng thống Mỹ.
"Tất cả những điều trên đều không tốt cho hòa bình hai bờ bán đảo", giảng viên cấp cao về Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Tasmania, Australia đánh giá. "Tuy nhiên, không nghi ngờ gì, Bắc Kinh đang đợi kết quả của bầu cử tổng thống Mỹ trước khi đưa ra bất kỳ hành động có ý nghĩa nào".