Lần đầu tiên ngành thiên văn học có bằng chứng chứng minh hiện tượng 'mì Ý hóa' - hố đen 'ăn' sao như hút sợi mì

KIM |

Vật chất của ngôi sao bao quanh hố đen như một cuộn len tăm tối.

Lần đầu tiên, các nhà khoa học phát hiện ra những dải vật chất dài bao quanh một hố đen siêu khổng lồ, cho thấy dấu hiệu của một ngôi sao vừa bị “mì Ý hóa” - vật chất của ngôi sao bị hút bởi lực hấp dẫn của hố đen và tạo thành một dải dài lơ lửng trên không, như cách ta hút một sợi mì Ý vào miệng vậy.

Các nhà thiên văn học tin rằng hiệu ứng này diễn ra tại mặt gần hố đen hơn của một ngôi sao. Lực hấp dẫn khổng lồ xé toạc thiên thể phát sáng để rồi hút toàn bộ vật chất sao vào bên trong chúng. Trước thời điểm này, các nhà khoa học chưa có bằng chứng cho thấy sự kiện này xảy ra.

Lần đầu tiên ngành thiên văn học có bằng chứng chứng minh hiện tượng mì Ý hóa - hố đen ăn sao như hút sợi mì - Ảnh 1.

NASA mô tả cách hố đen Cygnus X-1 "hấp thụ" một ngôi sao.

Trong nghiên cứu mới được xuất bản hồi tháng Ba, một nhóm nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Không gian Hà Lan (SRON) và các chuyên gia tại Đại học Radboud đã lần đầu tiên phát hiện một hố đen “mì Ý hóa” ngôi sao. Nhìn vào trục xoay của hố đen, các nhà khoa học có thể thấy một dải vật chất cuốn quanh hố vào lần như một cuộn len vậy. Đội nghiên cứu tin rằng vật chất sao sẻ bay quanh hố đen ít lâu rồi mới bị hút vào trong.

Phát hiện này đáng chú ý bởi lẽ một ngôi sao đã trải qua quá trình “mì Ý hóa” không phải thứ vật chất duy nhất bay quanh hố đen. Đã từ lâu, các nhà thiên văn học quan sát được “đĩa bồi tụ”, một dải vật chất bay quanh quỹ đạo hố đen ở tốc độ lớn, đồng thời tỏa ra nhiệt, tia x và tia gamma.

Dựa trên số dữ liệu mới, tác giả của nghiên cứu vừa đăng tải, Giacomo Cannizzaro khẳng định “những dải vật chất này quá hẹp, và chúng không bị kéo giãn ra bởi hiệu ứng Doppler, thứ bạn sẽ thấy khi quan sát một đĩa bồi tụ”.

Lần đầu tiên ngành thiên văn học có bằng chứng chứng minh hiện tượng mì Ý hóa - hố đen ăn sao như hút sợi mì - Ảnh 2.

Đĩa bồi tụ của hố đen nằm tại trung tâm thiên hà siêu khổng lồ Messier 87.

Khi vật chất trong đĩa bồi tụ bay với tốc độ cao, chúng sẽ tạo ra hiệu ứng Doppler, kéo giãn hoặc làm sóng điện từ co lại phụ thuộc vào việc những hạt vật chất này bay tới gần hay bay ra xa khỏi người quan sát (cũng tương tự như việc một chiếc xe hú còi inh ỏi chạy ngang mặt bạn vậy). Nếu đây là đĩa bồi tụ, ánh sáng tạo ra từ phần đĩa bồi tụ đang bay xa ra khỏi điểm quan sát sẽ ngày một sáng lên, nhưng dải vật chất mới không sở hữu đặc tính này.

Lại nói về thứ có khả năng “mì Ý hóa” vạn vật. Hố đen siêu khổng lồ hiện hữu ở đa số trung tâm của các thiên hà. Chúng lớn lên theo thời gian, và nuốt chửng vật chất trên đường bành trướng. Các nhà thiên văn học có thể phát hiện ra hố đen nhờ quan sát các tia x chúng phóng ra trong quá trình “ăn” khí gas và vật chất xung quanh.

Thỉnh thoảng, sẽ có ngôi sao xấu số trở thành mồi ngon của hố đen. Những “viên mì Ý” sáng rực bị hút vào trường lực hấp dẫn khổng lồ, và khi đủ gần, ngôi sao sẽ phải chấp nhận vị trí của mình trong bảng xếp hạng chuỗi thức ăn Vũ trụ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại