Lần đầu tiên ghi nhận đợt sóng nhiệt kỷ lục ở Nam Cực

SONG HY |

Lục địa lạnh nhất thế giới cũng không tránh khỏi hiện tượng nóng lên toàn cầu khi hứng chịu đợt sóng nhiệt chưa từng có trong giai đoạn hè 2019-2020.

Các nhà nghiên cứu Chương trình Nam Cực của Australia hôm 31/3 cho biết, họ đã ghi nhận mức nhiệt cao tới 9,2 độ C tại trạm Casey ở Đông Nam Cực đầu năm 2020.

"Các đợt nóng này được ghi nhận trong 3 ngày liên tiếp với cả nhiệt độ cao nhất và thấp nhất", Tiến sĩ Sharon Robinson - nhà sinh học tại Đại học Wollongong cho hay.

Từ 23-26/1, trạm Casey ghi nhận mức nhiệt tối thiểu là 0 độ C, tối đa là 9,2 độ C.

"Trong 31 năm của Casey, mức nhiệt kỷ lục này cao hơn tới 6,9 độ C so với nền nhiệt trung bình của trạm này trong khi mức nhiệt tối thiểu cao hơn 0,2 độ C", ông Robinson cho hay.

Ông Robinson và nhiều nhà khoa học khác quan ngại về ảnh hưởng của các đợt sóng nhiệt này đối với sinh thái của Nam Cực - cả tích cực và tiêu cực.

"Hầu hết sự sống tồn tại trong các ốc đảo nhỏ không có băng ở Nam Cực và phần lớn phụ thuộc vào hiện tượng làm tan băng tuyết để cung cấp nước", Tiến sĩ Dana Bergstrom, đồng nghiệp của ông Robinson cho hay.

Hiện tượng lũ lụt do băng tan có thể cung cấp nước cho các hệ sinh thái tại châu lục này, kích thích rêu, địa y, vi khuẩn và động vật không xương sống tăng trưởng và sinh sản. Tuy nhiên, lũ lụt quá mức làm thay đổi thành phần của các cộng đồng động vật không xương sống và thảm vi khuẩn.

Các nhà khoa học tin rằng mức nhiệt bất thường ghi nhận tại Nam Cực có liên quan đến các kiểu khí tượng xảy ra ở Nam bán cầu trong mùa xuân và mùa hè năm 2019.

"Các mô hình này bị ảnh hưởng một phần bởi tình trạng thủng tầng ozone vào cuối năm 2019, do sự nóng lên nhanh chóng trong tầng bình lưu", nhà khoa học khí quyển Andrew Klekociuk cho hay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại