Cây bút Mark Jansen của Digital Trends là một fan hâm mộ của điện thoại Android. Anh trung thành với nền tảng này từ khi sử dụng HTC Desire vào năm 2010.
Jansen đã chuyển đổi nhiều mẫu điện thoại trong 13 năm kể từ đó, với đa dạng trải nghiệm khác nhau. Nhưng trong suốt quãng thời gian nói trên, anh chưa bao giờ dùng iPhone làm điện thoại chính.
Khi iPhone 15 ra mắt, anh quyết định kết thúc hành trình Android để thực sự sở hữu một mẫu điện thoại đến từ Apple. Cảm giác của một người lần đầu sử dụng iPhone "toàn thời gian" sẽ như thế nào?
iPhone 15 rất tuyệt
Jansen thực sự rất thích iPhone 15, gọi đây là chiếc điện thoại tuyệt vời, đáng kinh ngạc, với trải nghiệm sử dụng mượt mà. Tuy nhiên, anh vẫn không thể trở thành một fan hâm mộ của Apple vì một số tính năng của iOS cảm thấy không phù hợp.
Anh cho rằng bàn phím của Apple có những thao tác không linh hoạt giống như Android cũng như hệ thống thông báo không được khoa học. Anh bỏ lỡ rất nhiều thông báo quan trọng vì iOS thường xuyên ẩn các thông báo này một cách khó hiểu.
Ngoài ra, việc chiếc điện thoại thông minh hàng đầu trị giá 799 USD không có tính năng màn hình luôn bật (always-on display) là một điều thực sự gây sốc.
"Liệu điều này có đáng chấp nhận vào năm 2023 không? Nếu là màn hình LCD thì có thể hiểu ở góc độ kỹ thuật, nhưng iPhone 15 có màn hình OLED. Đáng lẽ máy có thể triển khai tính năng này, nhưng không rõ vì lý do nào đó lại không có", Jansen tự hỏi.
Quãng thời gian gắn bó với iPhone 15 của Jansen không hề ngọt ngào. Nhiều người sẽ nghĩ rằng anh sẽ quay trở lại sử dụng điện thoại Android. Điều đó sẽ thật sự xảy ra nếu như iPhone không có một tính năng nào đặc biệt đến mức anh cho rằng Android phải mất rất nhiều thời gian mới làm được.
Tính năng đó chính là Face ID.
Face ID là tính năng đáng kinh ngạc
"Tôi không nghĩ Face ID sẽ ấn tượng đến vậy. Tôi đã mày mò tính năng nhận dạng khuôn mặt trên điện thoại thông minh trong nhiều năm. Điện thoại Android của tôi cũng có tính năng nhận dạng khuôn mặt kể từ Samsung Galaxy S4 Mini nhưng nó hiếm khi trở thành trọng tâm trong quá trình sử dụng. Tại Face ID lại khác biệt đến vậy?", Jansen đặt câu hỏi.
"Dù rất ghét phải thừa nhận nhưng chắc chắn có chút phép thuật nào đó của Apple ở đây".
Theo anh, Face ID nhanh, mượt mà và cực kỳ hiệu quả. Nó cũng tốt hơn tất cả các hệ thống nhận dạng khuôn mặt khác hiện có. Khi sử dụng nhận dạng khuôn mặt trên Samsung Galaxy Note 20, tính năng này hoạt động khá tốt.
Nhưng Face ID không giống như vậy. Nó không chỉ nhanh mà còn hoạt động trong bóng tối và tích hợp với các ứng dụng bảo mật – đây mới chính là yếu tố thay đổi cuộc chơi.
Khi sử dụng trình quản lý mật khẩu, người dùng sẽ cảm thấy khó chịu nếu phải đăng nhập nhiều lần để nhập thông tin đúng với thao tác sử dụng cảm biến vân tay.
Nhưng Face ID đã loại bỏ sự bực bội đó. Nếu cần đăng nhập lại, người dùng không cần phải đặt tay lên cảm biến. Chỉ cần giữ khuôn mặt tĩnh trong vài giây, mọi thứ đã xong. Nếu bạn đang sử dụng thiết bị bằng một tay trong khi làm việc khác, Face ID sẽ là tính năng vô cùng cần thiết.
Theo Jansen, anh chưa bao giờ nghĩ rằng mình cần sự tiện dụng đến từ Face ID như vậy cho đến khi sử dụng iPhone.
"Face ID là một ngôi sao sáng trên vương miện của Apple và là một tính năng thiên tài. Việc Apple phải sử dụng màn hình có viền Dynamic Island để chứa Face ID là sự hy sinh xứng đáng", anh cho biết.
"Sẽ thật khó để sống thiếu Face ID khi tôi quay trở lại Android".
Trong khi Apple đã có một khởi đầu thuận lợi thì công nghệ giống Face ID cuối cùng cũng đã xuất hiện trên điện thoại thông minh Android với Google Pixel 8.
Tuy nhiên, khả năng nhận dạng khuôn mặt của Pixel 8 cũng chưa thực sự tốt bằng Face ID, ví dụ như thiếu dải hồng ngoại của iPhone cho phép sử dụng nhận dạng trong bóng tối.
Có thể iPhone và Android có những trải nghiệm tổng thể mang đến sự hài lòng nói chung, nhưng Face ID chính là yếu tố mang đến sự khác biệt hơn cả.