Lần đầu sau 6 thập kỷ: "1 chọi 4" với máy bay Nhật, Bắc Kinh bị Tokyo áp đảo?

Hải Võ |

Kyodo News ngày 26/2 dẫn lời các quan chức chính phủ Nhật Bản cho biết Bộ quốc phòng nước này quyết định điều chỉnh cơ chế xuất kích khẩn cấp của các chiến đấu cơ.

Việc điều chỉnh được Bộ quốc phòng Nhật đưa ra đối với các máy bay thuộc Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF), trong bối cảnh tần suất hoạt động của các chiến đấu cơ Trung Quốc ở khu vực quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngày càng dày đặc.

Theo Kyodo, cơ chế 2 máy bay JASDF cất cánh đánh chặn 1 máy bay Trung Quốc sẽ được nâng lên thành "4 chọi 1".

Do số lượng chiến đấu cơ túc trực ở căn cứ Naha không đáp ứng đủ yêu cầu về tần suất cất cánh cao, Bộ chỉ huy Đoàn hàng không Nhật Bản đã thực thi chính sách vận dụng đồng bộ đối với chiến đấu cơ ở các căn cứ trên toàn quốc và sửa đổi điều lệnh để linh hoạt trong ứng phó diễn biến trên biển.

Hãng tin của Nhật phân tích, điều chỉnh của Bộ quốc phòng Nhật để huy động 4 máy bay "chọi" 1 chiến đấu cơ Trung Quốc là hành động chưa từng có tiền lệ kể từ năm 1958, cho thấy căng thẳng Trung-Nhật đã leo thang.

Kyodo dẫn số liệu của Bộ quốc phòng Nhật cho biết, năm 2016 các máy bay của JASDF đã "lập kỷ lục" hơn 1.000 lần cất cánh khẩn cấp để chặn các máy bay của Nga và Trung Quốc, trong đó hơn 70% là các chiến đấu cơ Trung Quốc.

Trên thực tế, kể từ khi Bắc Kinh tuyên bố lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông vào tháng 11/2013, Tokyo đã quen dần việc máy bay quân sự Trung Quốc hiện diện quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ngày càng thường xuyên.

Nguồn tin trong chính phủ Nhật nói với Kyodo, JASDF đã mặc định "tuyến phòng vệ" là khi máy bay Trung Quốc tiến vào vĩ tuyến 25, 26, thậm chí là 27 độ Bắc.

Trong một diễn biến khác, báo Nihon Keizai Shimbun ngày 25/2 đưa tin, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) đã điều động 12 tàu tuần tra để lập thành "lực lượng chuyên trách" ở khu vực Senkaku/Điếu Ngư, nhằm ứng phó 24/24 với các tàu thuộc chính phủ Trung Quốc.

So với số lượng 4 tàu công vụ mà Bắc Kinh thường cử tới vùng biển này, JCG tạm thời chiếm "ưu thế tuyệt đối". Nhưng sức ép có thể gia tăng nhanh chóng nếu Trung Quốc nâng số tàu công vụ hoạt động lên 5-6 tàu.

Theo tờ này, chỉ trong vài tháng ngắn ngủi vừa qua, Trung Quốc đã tăng gấp đôi số lượng tàu hải cảnh cỡ nghìn tấn hoạt động trong vùng biển gần Senkaku/Điếu Ngư. Bắc Kinh cũng điều động thêm các tàu tuần tra vũ trang, nâng tầm khả năng tuần tra trên biển Hoa Đông "cả về chất và lượng".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại