Lần đầu công bố bản chụp 3D đầy đủ về con tàu Titanic huyền thoại bị đắm ở Đại Tây dương

Hoài Nam |

Những hình ảnh có độ phân giải cao đã tái tạo lại xác tàu Titanic bị đắm năm 1912, đồng thời tiết lộ thêm về hành trình định mệnh của con tàu nổi tiếng này qua Đại Tây Dương.

Lần đầu công bố bản chụp 3D đầy đủ về con tàu Titanic huyền thoại bị đắm ở Đại Tây dương - Ảnh 1.

Đây được coi là dự án quét ảnh dưới nước lớn nhất trong lịch sử. Ảnh: Reutersbản chụp 3D

Xác tàu Titanic xấu số lần đầu tiên được ghi lại đầy đủ như một phần của chương trình mà các nhà nghiên cứu gọi là "dự án quét ảnh dưới nước lớn nhất trong lịch sử".

Bản quét 3D kích thước đầy đủ đầu tiên của vụ đắm tàu Titanic, được công bố ngày 17/5 cũng có thể tiết lộ thêm nhiều chi tiết về hành trình định mệnh của con tàu qua Đại Tây Dương hơn một thế kỷ trước.

Mô hình được tạo ra bằng cách sử dụng công nghệ lập bản đồ biển sâu kết hợp hơn 700.000 lần quét xác tàu Titanic và dựng lên một hình ảnh chưa từng thấy trước đây về con tàu bị đắm và nằm vĩnh viễn ở độ sâu 3.800m dưới đáy đại dương.

Lần đầu công bố bản chụp 3D đầy đủ về con tàu Titanic huyền thoại bị đắm ở Đại Tây dương - Ảnh 3.

Nhiều chi tiết lần đầu tiên được phát hiện khi thực hiện dự án này. Ảnh: Reuters

Những hình ảnh có độ phân giải cao đã tái tạo lại một cách chi tiết nhất xác con tàu huyền thoại. Các nhà khoa học tham gia vào dự án mô tả nó như "một người thay đổi cuộc chơi", trong đó cung cấp nhiều chi tiết lần đầu được biết đến để "viết lại hoàn toàn" những hiểu biết của chúng ta về thảm họa.

Các nhà khoa học cho biết nghiên cứu được tiến hành mà không can thiệp vào xác tàu.

Xác tàu đắm đã được khám phá rộng rãi kể từ khi nó được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1985 tại một địa điểm cách bờ biển Newfoundland (Canada) khoảng 650km, nhưng chưa bao giờ có thể chụp toàn bộ con tàu.

Việc tái tạo lại con tàu được thực hiện vào năm 2022 bởi công ty lập bản đồ biển sâu Magellan Ltd và Atlantic Productions, đơn vị đang thực hiện một bộ phim tài liệu về dự án.

Gerhard Seiffert, người đứng đầu chương trình thám hiểm cho biết họ không được phép chạm vào bất cứ thứ gì "để không làm hỏng xác tàu".

Các bản quét mới có thể giúp các nhà sử học và khoa học làm sáng tỏ hơn chính xác những gì đã xảy ra với con tàu trong bối cảnh phải chạy đua với thời gian khi con tàu đang dần bị phá hủy do thời gian quá lâu nằm dưới đáy đại dương.

Lần đầu công bố bản chụp 3D đầy đủ về con tàu Titanic huyền thoại bị đắm ở Đại Tây dương - Ảnh 5.

Đây có thể sẽ là 'nhân chứng cuối cùng' về thảm họa đắm tàu Titanic. Ảnh: Reuters

Chuyên gia nghiên cứu về tàu Titanic, ông Parks Stephenson cho biết "Nó cho phép bạn nhìn thấy mọi chi tiết trong đống đổ nát mà bạn không bao giờ có thể thấy được từ tàu lặn".

"Cuối cùng chúng ta cũng được nhìn thấy Titanic mà không cần sự giải thích của con người, xuất phát trực tiếp từ bằng chứng và dữ liệu", ông Stephenson khẳng định.

Mặc dù vậy, ông Stephenson cho biết "vẫn còn nhiều điều để nghiên cứu" từ xác tàu, "về cơ bản đây là 'nhân chứng cuối cùng' còn sống sót của thảm họa".

Tàu Titanic bị chìm sau khi đâm vào một tảng băng trôi vào rạng sáng ngày 15/4/1912 trong chuyến đi đầu tiên từ Southampton, Anh đến thành phố New York, Mỹ. Thảm kịch dẫn đến cái chết của hơn 1.500 hành khách và tiếp tục là một trong những đề tài gây chú ý cho đến ngày nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại