Mặt Trăng được ghép từ 280.000 bức ảnh trông sẽ thế nào?

Minh Hằng |

Hình ảnh Mặt Trăng trông rất chi tiết sau khi được ghép từ 280.000 bức ảnh với nhau.

Bức ảnh Mặt Trăng được gọi là "GigaMoon" này được nhà chụp ảnh thiên văn Andrew McCarthy ghép lại từ 280.000 tấm hình với độ chi tiết lên đến 1,3 gigapixel.

Anh McCarthy chia sẻ: "Ổ cứng của tôi có chứa hàng chục lần thử GigaMoon mà không thành công. Tôi theo dõi các dự báo về thời tiết có ảnh hưởng đến thiên văn học nhằm theo kịp các điều kiện luôn thay đổi của tầng khí quyển".

Theo đó, anh Andrew McCarthy đã sử dụng một kính viễn vọng 28 cm với hệ thống phóng đại là 2,5 lần, cuối cùng mang lại tiêu cự lên tới 7.000 mm. Sự khác biệt về nhiệt độ ở giữa các lớp khí quyển có thể khiến Mặt Trăng trông bị mờ và rung khi chụp ở tiêu cự này.

Mặt Trăng được ghép từ 280.000 bức ảnh trông sẽ thế nào? - Ảnh 1.

Bề mặt Mặt Trăng trông rất sắc nét và chi tiết trong bức ảnh được ghép từ 280.000 hình ảnh. Ảnh: Andrew McCarthy

Vị chuyên gia này giải thích rằng: "Ngay cả trong điều kiện thời tiết tốt thì ảnh vẫn gần giống như được chụp qua nước, bởi vì khí quyển làm biến dạng hình ảnh. Do đó, tôi chụp khoảng 2.000 bức ảnh cùng lúc".

Sau khi chụp được một phần, vị nhiếp ảnh gia này sẽ tiếp tục chụp các phần khác để cuối cùng có thể ghi lại được toàn bộ hình ảnh của Mặt Trăng.

Trên thực tế, dù có điều kiện tương đối tốt, nhưng vẫn có những thời điểm kém tối ưu. Do đó, nhiếp ảnh gia đã thực hiện quy trình chụp toàn bộ Mặt Trăng tới 2 lần để có thể có được các tấm ảnh tốt nhất về tất cả các vùng khác nhau. Cụ thể, anh Andrew McCarthy đã chụp tới 140 lượt, với mỗi lượt 2.000 bức ảnh, tương đương với tổng cộng có 280.000 tấm hình.

Tuy nhiên, vì thiết bị sử dụng cho quy trình chụp này chỉ là đơn sắc nên nhiếp ảnh gia tiếp tục phải chụp màu.

Mặt Trăng được ghép từ 280.000 bức ảnh trông sẽ thế nào? - Ảnh 3.

Quá trình chụp ảnh Mặt Trăng và ghép ảnh không hề dễ dàng. Ảnh: Andrew McCarthy

Theo đó, để chụp màu, vị chuyên gia này đã phải dùng kính viễn vọng Newtonian 30 cm được trang bị với máy ảnh CMOS full-frame nhằm có được dữ liệu màu chất lượng cao để có thể thêm vào ảnh cuối cùng. Sau cùng, nhiếp ảnh gia sẽ lắp ráp tất cả các hình ảnh thu được và dữ liệu màu để tạo thành một hình ảnh cuối cùng. Đây là một nhiệm vụ phức tạp hơn, đòi hỏi nhiều về sức mạnh của máy tính.

"Tôi đã tiến hành kết hợp 'drizzle' vào hình ảnh. Điều này có nghĩa là tôi có phần mềm nội suy dữ liệu giữa các pixel để tạo ra hình ảnh với độ phân giải cao hơn từ hàng loạt các ảnh trùng nhau ban đầu. Quá trình này mất tới vài ngày để hoàn thành", anh McCarthy cho biết.

Tiếp theo, sau khi hoàn thành quá trình này, các vùng của Mặt Trăng sẽ được ghép lại bằng tay ở trong photoshop. Trong quá trình ghép lại, nhiếp ảnh gia thực hiện điều chỉnh hướng của các bức ảnh để bù lại đắp lại cho việc thay đổi góc của Mặt Trăng xảy ra trong quá trình chụp.

Sau mấy ngày lắp ráp các hình ảnh, anh McCarthy mới chuyển sang các bước điều chỉnh quen thuộc như chỉnh độ tương phản, bố cục và màu sắc. Để máy tính có thể xử lý được hình ảnh rất nặng này, McCarthy chia sẻ anh phải cắt hình ảnh thành nhiều mảnh.

Bức ảnh Mặt Trăng đã được cắt thành nhiều mảnh và sau đó ghép lại từ 10 – 15 lần để đảm bảo rằng sản phẩm cuối cùng trông hoàn hảo về tổng thể ngay cả khi nó được phóng to. McCarthy còn cho biết, máy tính của anh đã bị hỏng ít nhất chục lần trong quá trình hoàn thành GigaMoon.

Mặt Trăng được ghép từ 280.000 bức ảnh trông sẽ thế nào? - Ảnh 5.

Bức ảnh hoàn chỉnh về Mặt Trăng có độ chi tiết lên đến 1,3 gigapixel. Ảnh: Andrew McCarthy

Mặt Trăng đang dần rời xa Trái Đất

Mặt Trăng được ghép từ 280.000 bức ảnh trông sẽ thế nào? - Ảnh 6.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, Mặt Trăng đang dần rời xa Trái Đất. Ảnh: Jeremy Horner

Mặt Trăng chính là vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất. Theo một giả thuyết được chấp nhận rộng rãi cho rằng, Mặt Trăng hình thành cách đây khoảng 4,5 tỷ năm, không lâu sau khi Trái Đất hình thành. Mặt Trăng được hình thành từ những vụn văng ra sau một vụ va chạm lớn xảy ra giữa Trái Đất và một thiên thể mang tên Theia với kích thước cỡ Sao Hỏa.

Theo các nhà khoa học, trên thực tế, Mặt Trăng đang dần rời xa Trái Đất. Các chuyên gia đã xác định tốc độ Mặt Trăng rời xa Trái Đất dựa vào tấm phản chiếu do NASA đặt trong những lần con tàu Apollo đáp xuống bề mặt nơi đây. Trong hơn 50 năm, các chuyên gia chiếu tia laser từ Trái Đất vào các tấm gương và đo thời gian cần thiết để phát hiện về các xung phản xạ.

Bẳng cách sử dụng tốc độ ánh sáng, các nhà khoa học ước tính rằng, Mặt Trăng đang rời xa Trái Đất với khoảng cách 3,8 cm mỗi năm. Khoảng cách này gần bằng với tốc độ mọc móng tay của con người. Mặt Trăng dần di chuyển ra xa Trái Đất vì tác dụng hấp dẫn của mỗi bên đối nhau. Lực hấp dẫn của Mặt Trăng khiến cho các đại dương trên Trái Đất phình ra về phía nó, từ đó dẫn đến hiện tượng thủy triều, NASA cho biết.

Bài viết tham khảo nguồn: Petapixel, Twitter, Livescience

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại