Máy quét âm thanh phát hiện tín hiệu bí ẩn gần xác tàu Titanic: Nguyên nhân khiến giới khoa học trầm trồ, mê hoặc

Nguyễn Phượng |

Sau 26 năm, nhóm thám hiểm đã giải mã được bí ẩn về tín hiệu phát ra gần xác tàu Titanic.

Tàu Titanic, với tên gọi đầy đủ là Royal Mail Ship Titanic, được xem là con tàu lớn, hiện đại, lộng lẫy và sang trọng nhất những năm đầu thế kỷ 20. Con tàu từng được coi là một đỉnh cao của kiến trúc hàng hải và là một tiến bộ công nghệ, được tạp chí The Shipbuilder ca ngợi là "không thể chìm".

Ngày 14/4/1912, tàu Titanic khởi hành từ cảng thành phố Southampton, phía Đông Nam nước Anh đến New York (Mỹ). Tuy nhiên, chỉ năm ngày sau khi xuất phát, con tàu đã đâm phải một tảng băng trôi và chìm xuống lòng Đại Tây Dương, khiến hơn 1.500 người thiệt mạng.

Sau 110 năm, Titanic vẫn luôn được nhắc đến như một thảm họa bi thảm bậc nhất trong lịch sử hàng hải thế giới.

Đến nay, xác tàu Titanic vẫn nằm dưới đáy Bắc Đại Tây Dương và dần phân hủy ở độ sâu gần 4.000 m, nhưng nó không nằm đó đơn độc khi các thợ lặn vừa có một phát hiện bất ngờ ở vùng nước ngầm xung quanh, theo CNN đưa tin.

Máy quét âm thanh phát hiện tín hiệu bí ẩn gần xác tàu Titanic: Nguyên nhân khiến giới khoa học trầm trồ, mê hoặc - Ảnh 1.

Xác tàu Titanic nằm dưới đáy Bắc Đại Tây Dương - Ảnh: Getty

Theo đó, ông P.H. Nargeolet, hoa tiêu kỳ cựu của tàu lặn Nautile (Pháp) và là thợ lặn chuyên nghiên cứu về tàu Titanic đã phát hiện đốm sáng bí ẩn trên màn hình máy quét sonar (chuyên quét âm thanh) vào năm 1996. Nhưng từ đó đến nay, nguồn gốc của đốm sáng đó vẫn chưa được lý giải.

Trong cuộc thám hiểm xác tàu Titanic vào đầu năm nay, ông Nargeolet cùng 4 nhà nghiên cứu khác đã quay trở lại địa điểm phát hiện tín hiệu trước đây với quyết tâm giải mã bí ẩn này.

Dựa trên kích thước của đốm sáng, ông Nargeolet cho rằng đó có thể là xác một con tàu đắm khác. Nhưng những gì nhóm tìm kiếm được lại là một rặng đá được hình thành bởi các hệ địa chất núi lửa khác nhau, và là nơi sinh sống đông đúc của tôm hùm, cá biển sâu, động vật thân lỗ cùng nhiều loài san hô hàng ngàn năm tuổi.

"Thật mê hoặc về sinh học. Những sinh vật sống ở đây rất khác với những sinh vật tìm thấy tại những vùng biển sâu khác. Ông Nargeolet đã thực hiện công việc khoa học rất quan trọng. Ban đầu, ông Nargeolet chỉ nghĩ sẽ tìm thấy xác tàu đắm, nhưng theo tôi, những gì ông ấy tìm thấy còn tuyệt vời hơn", theo giáo sư Murray Roberts tại Đại học Edinburgh ở Scotland và là thành viên nhóm thám hiểm chia sẻ.

Máy quét âm thanh phát hiện tín hiệu bí ẩn gần xác tàu Titanic: Nguyên nhân khiến giới khoa học trầm trồ, mê hoặc - Ảnh 2.

Một phần rạn san hô mà nhóm thám hiểm phát hiện - Ảnh: NY Post

Theo ông Roberts, đồng bằng biển thẳm là thuật ngữ dùng để chỉ đáy biển ở độ sâu 3.000 - 4.000m, chiếm khoảng 60% bề mặt Trái đất. Giới khoa học thường cho rằng khu vực đáy biển này chứa nhiều bùn lầy và không có nhiều sinh vật. Tuy nhiên, với phát hiện mới của ông Nargeolet, Giáo sư Roberts cho rằng đồng bằng biển thẳm có thể là nơi sinh sống của nhiều sinh vật biển, so với những gì giới khoa học đã tìm hiểu được.

Nhóm nghiên cứu đang phân tích hình ảnh, video quay rạn san hô nhằm chia sẻ thông tin khám phá được với mục đích nâng cao hiểu biết khoa học về sinh vật dưới đáy biển sâu. Ông Roberts mong muốn có thể liên kết khám phá mới này với dự án hệ sinh thái Đại Tây Dương do ông dẫn đầu có tên iAtlantic, nhằm nghiên cứu sâu hơn và bảo vệ hệ sinh thái mong manh bên trong rạn san hô.

Ngoài ra, tổ chức OceanGate Expeditions - đơn vị hỗ trợ tài chính cho chuyến thám hiểm năm nay của ông Nargeolet, sẽ tiếp tục công tác nghiên cứu xác tàu Titanic và khu vực xung quanh vào năm 2023.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại