Trong 3 năm qua, tôi đều duy trì việc đút 100 NDT vào ống heo mỗi ngày. Trước đây, tôi cũng thử áp dụng phương pháp “tiết kiệm trước, chi tiêu sau” nhưng thực tình, với tôi, phương áp ấy không hiệu quả.
Sau khi trích một phần lương tháng vào tài khoản tiết kiệm, tôi gặp vô vàn khó khăn trong việc kiểm soát chi tiêu với số dư còn lại. Có ngày tôi chẳng tiêu đồng nào, nhưng cũng có ngày tôi phải chi tới vài trăm NDT.
Tôi nhận ra vấn đề nằm ở đâu, mình phải giải quyết ở đó. Không thể tiết kiệm theo tháng nên tôi quyết định sẽ tiết kiệm theo ngày, mỗi ngày dành 100 NDT đút ống heo. Thực tế, cũng có một vài hôm vì có việc mà tôi không thực hiện việc đút ống heo, nhưng nhìn chung, tôi vẫn duy trì việc tiết kiệm khá đều đặn. Và sau 3 năm, tổng số tiền mà tôi tích góp được là 109.300 NDT (khoảng 379 triệu đồng).
Với mọi người, có thể đây không phải một số tiền quá lớn, nhưng với người từng không tiết kiệm nổi như tôi, tích góp được chừng đó thực sự là bước tiến vượt bậc.
Hóa ra thứ cản trở tôi tiết kiệm không phải là thu nhập không cao, mà chính 3 điều dưới đây. Nhận ra và dần sửa đổi chúng trong 3 năm qua giúp tôi có cuộc sống dễ thở hơn, theo mọi nghĩa.
1 - Sức mạnh của chủ nghĩa tiết kiệm bền vững: Cương quyết kỷ luật là điều tạo nên khác biệt!
Trong xã hội hiện đại, cám dỗ ngắn hạn hiện diện khắp mọi nơi. Những món đồ trưng bày vô thưởng vô phạt, những sản phẩm thời trang nhanh với “tuổi thọ” ngắn, hay cả thức ăn nhanh cũng vậy, tôi gọi chung đó là những cám dỗ ngắn hạn.
Và người sống theo chủ nghĩa tiết kiệm bền vững là người cương quyết nói không với việc chi tiền cho những cám dỗ ngắn hạn, không chỉ để tiết kiệm tiền cho bản thân, mà còn để bảo vệ môi trường cũng như sức khỏe của chính mình.
Tôi nhận ra tiết kiệm tiền, tích lũy của cải hay và chăm sóc, nâng cao sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống đều có một điểm chung: Chúng ta phải biết cách “nói không” với những cám dỗ có hại về lâu về dài.
Tuân thủ được điều đó, tôi mới có thể duy trì được việc tiết kiệm 100 NDT mỗi ngày trong vòng 3 năm.
2 - Thay đổi tư duy: Mỗi ngày, tôi đều nghĩ về mình của 3-5 năm tới
Theo đuổi chủ nghĩa dài hạn không đơn thuần là việc thay đổi hành vi, thói quen chi tiêu; mà còn là sự thay đổi về lối suy nghĩ.
Trước đây, tôi hay có thói quen nhìn vào số dư tài khoản và nghĩ rằng “nhiêu đó là đủ để sống trong vài ngày tới hoặc 1 tuần tới rồi”. Với cách nghĩ như vậy, tôi thản nhiên cho mình chi tiêu thoải mái.
Việc không có tầm nhìn dài hạn về tương lai của chính mình khiến tôi thờ ơ với việc tiết kiệm, nên cũng không có gì lạ khi trước đây, dù thu nhập khá ổn, tôi cũng chẳng tiết kiệm được đồng nào.
Sau khi đã quen với việc tiết kiệm 100 NDT mỗi ngày, tôi học cách nghĩ về bản thân và tưởng tượng ra cuộc sống của chính mình trong vòng 3-5 tới. Dần dần, tôi không còn mơ hồ về tương lai của chính mình, tiết kiệm tiền cũng không còn là việc quá khó khăn vì tôi đã hiểu từng việc nhỏ mình làm hôm nay sẽ giúp mình có được cuộc sống như mình mong muốn sau này.
3 - Sống tối giản: Từ bỏ ham muốn vật chất vô nghĩa, cuộc sống đơn giản hơn và cũng hạnh phúc hơn
Tôi nghĩ rằng phần lớn chúng ta không còn xa lạ gì với khái niệm và ý nghĩa của việc sống tối giản. Đơn giản hóa mọi thứ, chi tiêu ít đi nhưng cuộc sống lại hạnh phúc đủ đầy hơn, nôm na là vậy; nhưng không phải ai cũng có đủ động lực để theo đuổi cách sống này.
Ban đầu, mục tiêu của tôi chỉ là hình thành và duy trì thói quen tiết kiệm. Tôi không chủ đích theo đuổi lối sống tối giản. Nhưng sau khi cương quyết, kỷ luật trong việc tiết kiệm tiền và nghĩ về tương lai của bản thân mỗi ngày, tôi tự nhiên… sống tối giản mà không cần bất cứ nỗ lực nào. Tôi chỉ mua những thứ thực sự cần thiết, có thể sử dụng trong nhiều năm liền mà không cần thay mới, dù là đồ đạc trong nhà hay quần áo mặc lên người cũng vậy.
Hóa ra, hiệu ứng Domino trong tâm lý học chính là như vậy: Những thay đổi nhỏ nối tiếp nhau, khiến cuộc sống dần thay đổi hoàn toàn. Nếu thay đổi đó là tích cực, bạn sẽ thấy cuộc sống của mình ngày càng tuyệt vời, đáng sống hơn, giống như tôi lúc này. Nhưng nếu đó là thay đổi tiêu cực, có lẽ, hiện thực cũng khó mà khác được.
Mong rằng chúng ta sẽ có đủ kiên nhẫn, đủ niềm tin và sự tỉnh táo để có thể tạo ra những thay đổi tích cực nho nhỏ, mỗi ngày.