Trong môi trường công sở hiện nay, đa số các công ty đều có quy định rõ ràng về giờ làm việc, thời gian làm việc mỗi ngày. Tại mỗi đơn vị khác nhau, nhân sự đi muộn sẽ có những cách khiển trách, nộp phạt khác nhau.
Có đơn vị sẽ trừ thưởng hàng tháng, hàng quý nếu nhân sự đi muộn một số buổi nhất định trong tháng/quý đó. Cũng có đơn vị trực tiếp trừ lương hoặc yêu cầu nộp phạt cho mỗi phút đi muộn theo ngày.
Đây là một trong những quy định hữu ích để nâng cao kỷ luật và nề nếp làm việc chốn công sở. Điều này giúp mọi người có ý thức quản lý thời gian tốt hơn, không “cao su”, chểnh mảng giờ làm việc.
Tuy nhiên, khi mà đi muộn sẽ bị trừ tiền nhưng làm thêm giờ không được trợ cấp, đây lại là trường hợp gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng dân văn phòng.
Vấn đề này càng trở nên “hack não” hơn khi được đưa vào phỏng vấn tuyển dụng. Trong quá trình phỏng vấn xin việc, một số HR, quản lý sẽ trực tiếp làm rõ quy chế và phúc lợi của công ty. Dựa vào đó, người xin việc có thể trực tiếp cân nhắc và đưa ra quyết định lâu dài.
Một số nhà tuyển dụng khác thì coi đây là một câu hỏi tình huống để xem xét thái độ trong công việc, tính linh hoạt và khả năng ứng biến của ứng viên.
Đông là một thanh niên thế hệ 9x đang tìm việc làm mới sau thời gian bị cắt giảm lao động vì dịch bệnh. Dựa vào kinh nghiệm tích lũy được trong thời gian trước, anh được sắp xếp hẹn phỏng vấn tại một công ty nhỏ.
Ngay từ đầu, nhà tuyển dụng đã đưa ra câu hỏi: "Làm thêm giờ không được trợ cấp, nhưng đi muộn sẽ bị trừ tiền, bạn nghĩ sao?"
Câu hỏi khiến Đông "đau tim" và nảy sinh một vài tình huống bất ổn trong suy nghĩ. Tuy nhiên, anh vẫn nỗ lực lấy lại bình tĩnh để tập trung vào câu trả lời:
"Quy định này chắc chắn sẽ có phần thiệt thòi cho người lao động của quý công ty. Tuy nhiên, nếu đã biết về quy định này mà vẫn chấp nhận ký hợp đồng, tức là tôi đồng ý tuân thủ các quy định của công ty. Cá nhân tôi sẽ phải tự xoay sở với việc làm thêm giờ và đi muộn, đồng thời chăm chỉ, hoàn thành tốt những việc nên làm.
Tôi hiểu rằng, qua thời gian dịch bệnh vừa qua, cả công ty và người lao động đều gặp nhiều khó khăn về mặt tài chính. Đó là lý do mà tôi muốn quan tâm nhiều hơn đến văn hóa công ty và hướng phát triển của bản thân mình trong thời gian tới.
Sau khi cùng nhau vượt qua khó khăn nhất định, chắc hẳn chúng ta sẽ có thể hỗ trợ nhau tốt hơn. Dù gì tôi cũng tin rằng, quý công ty hiểu rõ phúc lợi dành cho nhân viên đóng vai trò quan trọng ra sao để quyết định lòng trung thành của người lao động.”
Để đưa ra câu trả lời này, Đông đã cân nhắc qua một vài khía cạnh. Nếu tình hình tài chính trước mắt của công ty khó khăn, họ có thể đang lên kế hoạch thu hẹp các quỹ phúc lợi, lương thưởng dành cho nhân viên. Khó khăn này có thể chỉ mang tính tạm thời. Nếu môi trường làm việc có tiềm năng phát triển, anh vẫn nên “thử” một lần.
Tuy nhiên, để cho thấy giá trị của bản thân, anh vẫn thể hiện quan điểm của mình: Nếu có phúc lợi tương xứng, nhân viên mới cống hiến và trung thành với công ty.
Với ứng viên khác là Lâm, khi gặp câu hỏi phỏng vấn hack não "Làm thêm giờ không được trợ cấp, nhưng đi muộn sẽ bị trừ tiền, bạn nghĩ sao?", cô cho rằng: "Tôi nghĩ mình sẽ đưa ra cách xử lý tùy tình huống."
Người phỏng vấn tò mò hỏi: "Có những tình huống cụ thể như thế nào?"
Lâm giải thích: "Nếu một công ty yêu cầu nhân viên làm thêm giờ trong thời gian dài nhưng không trợ cấp tương ứng, vậy đây không phải một doanh nghiệp mà tôi có thể tận tâm cống hiến. Làm việc ở đây càng lâu, tôi sẽ càng mất đi động lực và niềm tin. Vì thế, để tránh lãng phí thời gian của đôi bên, tôi sẽ để lại cơ hội tuyển dụng cho người khác.
Trong trường hợp thứ hai, công ty đó đang nằm trong giai đoạn phát triển nhanh chóng. Tuy không trả lương OT nhưng thay vào đó, đôi khi, họ vẫn phát thưởng cho những nhân viên nỗ lực và chăm chỉ, luôn hoàn thành tốt công việc của mình. Có thể giá trị không lớn nhưng nó đại biểu cho sự ghi nhận những đóng góp của tôi.
Sự ghi nhận này sẽ trở thành động lực để cá nhân tôi hoặc mọi người nâng cao hiệu quả cá nhân, cố gắng đạt được kết quả tốt.”
Có rất nhiều ý kiến khác nhau cho những câu hỏi tình huống như vậy. Nếu bạn là một ứng viên đang tìm việc, bạn sẽ trả lời câu hỏi này thế nào?