Rất nhiều người cảm thấy tiết kiệm là một vấn đề quá khó khăn và nan giải. Tuy lúc đầu họ quyết tâm và lên nhiều kế hoạch đến mấy thì cũng chẳng kéo dài được lâu, kết quả cuối cùng nhận được chẳng nhiều nhặn gì là bao.
Không có thói quen chi tiêu không hợp lý và một phương pháp tiết kiệm thích hợp cho chính mình thì dù thu nhập nhiều cỡ nào, đến cuối cùng, chúng ta cũng không thể có được một con số mình hằng mơ ước trong sổ ngân hàng.
Chính vì vậy, để có cơ hội nghỉ hưu sớm với một nguồn tài chính dư dả trong tay, chúng ta phải liên kế hoạch tiết kiệm một cách khoa học theo hướng dẫn của các chuyên gia tài chính.
Tốt nhất, nên chia thu nhập của bạn thành sáu tài khoản với các tỷ lệ như sau:
1. Tài khoản tài chính tự do: 10%
Bất kể thu nhập của bạn là bao nhiêu, hãy luôn dành ra 10% trong số đó để trích vào quỹ tài khoản tài chính tự do. Đây là quỹ tài chính chỉ được áp dụng cho mục đích đầu tư để thu về lợi nhuận thụ động, đóng góp vào các dự án, công trình, các loại quỹ, các hạng mục bất động sản, cổ phiếu... để đem về một nguồn thu nhập phụ thêm ngoại trừ mức lương cứng từ công việc chính thức.
Đây sẽ là mục tiêu duy nhất mà chúng ta được phép vận dụng tài chính bên trong quỹ tự do.
Nếu biết cách đầu tư hợp lý thì chúng ta hoàn toàn có thể tích tiểu thành đại, xây cát thành tháp. Đó là lý do mà người đầu tư thường hay nói rằng, kiếm được một trăm triệu đầu tiên thì khó nhưng kiếm vài trăm triệu tiếp theo là chuyện đã có quy luật dễ dàng.
2. Tài khoản tiết kiệm dài hạn: 10%
Bên cạnh việc trích 10% đầu tiên dùng cho tài khoản tài chính tự do thì 10% tiếp theo, chúng ta luôn nhớ để đưa vào tài khoản tiết kiệm dài hạn của mình.
Hai khoản này khác nhau ở một điểm quan trọng rằng, một bên dùng cho mục đích "lấy tiền đẻ tiền", một bên dùng để chuẩn bị cho những yêu cầu chi tiêu trong tương lai có thể sẽ phát sinh thêm, ví dụ như là chi phí học tập của con cái, là tiền dự trữ để mua nhà, hoặc là tiền gửi tiết kiệm để dưỡng lão...
Đây đều có thể là mục tiêu dài hạn, thích hợp để chúng ta lên kế hoạch tiết kiệm lâu dài.
3. Tài khoản giáo dục và đào tạo: 10%
Khoản mục thứ ba chúng ta bắt buộc phải để ra từ thu nhập của mình chính là tài khoản phục vụ mục đích đào tạo và giáo dục. Đây là số tiền dùng để mua những quyển sách mà bạn muốn đọc, những khóa học mà bạn muốn tham gia.
Phải biết rằng, vụ đầu tư đáng giá nhất trong cuộc đời đó chính là đầu tư vào chính năng lực của mình, gia tăng trí thức cùng rèn luyện các kỹ năng. Chúng ta sẽ gặt hái được thành quả tốt gấp nhiều lần trong quá trình làm việc và sinh hoạt về sau, có thể nói là trăm lợi mà không một hại, lấy 1 ăn 10.
4. Tài khoản giải trí: 10%
Đây là số tiền mà mỗi tháng bạn có thể chi tiêu để phục vụ những nhu cầu giải trí và vui chơi của mình, có thể là ăn uống, xem phim, dã ngoại hoặc mua sắm. Thu nhập cao hay thấp sẽ quyết định số tiền bạn giải trí mỗi tháng là bao nhiêu.
Nếu bạn muốn du lịch trong và ngoài nước dài ngày thì bắt buộc phải tự tích lũy một thời gian, chứ không thể giảm trừ vào các tài khoản khác.
Chúng ta sẽ sử dụng số tiền này để có thể giải tỏa áp lực căng thẳng cho bản thân, coi đó là một phần thưởng cho cả quá trình lao động, nhằm mục đích nâng cao tinh thần và lấy lại sức khỏe, là tiền đề tốt để có thể tiếp tục phấn đấu lâu dài.
5. Tài khoản cống hiến: 2-5%
Đây là khoản tiền mà chúng ta nên đặt ra để phục vụ cho các lợi ích của cộng đồng, có thể quyên tặng dưới nhiều hình thức khác nhau như tiền mặt hay tài sản, hay giá trị tinh thần... tùy vào từng trường hợp cụ thể mà thay đổi sao cho thích hợp nhất.
Việc tình nguyện giúp đỡ người khác, đóng góp vào các hoạt động thiện nguyện không chỉ xây dựng cho chúng ta một tấm lòng vị tha, một tâm thái hướng thiện mà còn góp phần tạo ra vị thế và chỗ đứng trong xã hội của một người. Vì thế, khoản tiết kiệm này dù ít dù nhiều đều có vai trò rất quan trọng.
6. Tài khoản chi phí sinh hoạt: 55-58%
Đây chính là hạng mục cuối cùng và cũng là hạng mục mà một người bình thường sẽ chi tiêu nhiều nhất, nên rất cần có sự tập trung quản lý và kiểm soát một cách khoa học.
Mỗi lần, chúng ta trích ra một nửa thu nhập hàng tháng với một con số cố định chi tiêu cho các chi phí cá nhân, hành động này sẽ thúc đẩy chúng ta phải có năng lực kế toán, xây dựng một kế hoạch tiêu dùng hợp lý chứ không thể tiêu pha một cách vô tội vạ.
Nếu số tiền thực tế phát sinh vượt quá con số đó, vậy chứng tỏ phương thức quản lý chi tiêu của bạn đang có vấn đề và phải thay đổi ngay lập tức nếu muốn đạt hiệu quả tiết kiệm cao hơn.