Làm thế nào để cứu các phi công bị bắn hạ trên lãnh thổ đối phương?

Quân sự |

Bất kỳ phi công quân sự nào cũng biết mình hoàn toàn có thể bị bắn hạ trong chiến đấu.

Nếu xảy ra phía sau chiến tuyến, thì họ chỉ cần dựa vào kỹ năng sinh tồn của chính mình và chờ đợi sự xuất hiện của đội tìm kiếm và cứu hộ. Lực lượng cứu hộ như vậy hiện diện trong không quân của bất kỳ quốc gia nào.

Theo hãng tin Sputnik, mỗi phi công của VKS Nga, khi khởi hành thực hiện nhiệm vụ, đều phải mang theo trên người bộ dự trữ khẩn cấp (NAZ). Bao gồm thực phẩm, nước uống, bộ sơ cứu y tế, pháo sáng, gương bỏ túi (để phát tín hiệu), diêm, dao và vũ khí (súng tự động nhỏ gọn AKS-74U hoặc súng lục).

Ngoài ra, phi công còn có một đài phát sóng khẩn cấp với tầm xa lên tới 40 km, cho phép phát ra tín hiệu để xác định vị trí, giao tiếp bằng giọng nói với phi công các máy bay khác.

Trong mỗi trung đoàn không quân Nga đều có dịch vụ tìm kiếm cứu nạn. Họ nhận được cảnh báo ngay khi mất liên lạc với máy bay hoặc trực thăng. Để tìm cứu các phi công bị bắn rơi hay nhảy dù, chủ yếu sử dụng trực thăng vận tải.

Ngoài các phi công cứu hộ, còn có bác sĩ và một nhóm lực lượng đặc biệt trên trực thăng, vì trong điều kiện thực chiến, đội cứu hộ thường phải tham gia vào một cuộc đối đầu ác liệt khi đến hiện trường.

Rốt cuộc phi công là một tù nhân rất có giá trị, anh ta sở hữu những thông tin quan trọng. Và bất kỳ đối thủ nào sở hữu trí thông minh cùng với năng lực quân sự cũng sẽ tìm mọi cách để bắt sống phi công địch, chứ không chỉ đơn giản đối phó với anh ta.

Có nhiều trường hợp giải cứu các phi công Liên Xô và Nga bị bắn rơi giống như cốt truyện của các bộ phim thể loại "hành động". Sputnik đã đề cập lại một vài sự kiện trong số đó.

Đổ bộ cứu hộ

Vào ngày 12 tháng 1 năm 1988, một máy bay ném bom chiến đấu Su-17M4 của Liên Xô bị bắn hạ ở Afghanistan. Thiếu tá phi công Sergei Yurchuk đã bật ghế nhảy dù phóng lên và hạ xuống những ngọn núi phủ tuyết ở độ cao khoảng 6.000 m, bị chấn động khi tiếp đất và bị thương ở chân.

Nhóm phiến quân Mujahideen không thể tiếp cận do những con dốc cao băng giá. Vấn đề tương tự cũng xảy ra với đội cứu hộ đã đến trên trực thăng Mi-8: chiều cao và gió mạnh không cho phép bay lượn hoặc hạ cánh.

Họ ném quần áo ấm, thức ăn và thuốc men cho phi công, nhưng toàn bộ hàng đã bay xuống vực thẳm. Yurchuk ở lại một mình trên đỉnh núi bị gió thổi bay.

May mắn thay anh mặc chiếc áo bay mùa đông ấm áp. Ngày hôm sau các phi công trực thăng cứu hộ tìm thấy một nơi thích hợp để hạ cánh — thấp hơn 1.000 mét theo đường dốc. Nhưng bản thân Yurchuk đang bị thương sẽ không thể đi đến đó.

Sau đó một thành viên đội cứu hộ, Oblign Nikolay Skrypka, người nhảy dù thử nghiệm, kiện tướng thể thao, đã nhẩy xuống từ độ cao tối đa có thể đối với máy bay trực thăng. Phi công và người nhảy dù được buộc với nhau bằng dây đai, giúp đỡ lẫn nhau đã đến được nơi chiếc trực thăng đang đỗ.

Chiến đấu trong hẻm núi

Vào ngày 13 tháng 12 năm 1999, trong chiến dịch chống khủng bố ở Bắc Caucasus, máy bay tấn công Su-25 của chỉ huy trung đoàn không quân, đại tá Sergey Borisyuk, đã bị một tên lửa Stinger bắn hạ tại hẻm núi Argun ở Chechnya. Phi công đã cố gắng phóng ghế và rơi xuống trên đỉnh đồi, bị các chiến binh bao vây quanh mọi phía.

Trên làn sóng khẩn cấp, phi công đã liên lạc được với căn cứ và yêu cầu hỗ trợ. Ba máy bay trực thăng Mi-8 cùng với lực lượng đặc biệt ngay lập tức bay tới. Khi bay đến gần ngọn đồi, các chiến binh đã nổ súng dữ dội. Một trong những chiếc trực thăng bị rơi xuống đất, tất cả mọi người trên máy bay, mặc dù bị thương, đã tổ chức phòng thủ vòng tròn.

Một trận chiến đấu xảy ra sau đó, kẻ địch cố gắng bắt sống các phi công và nhóm đặc nhiệm. Chiếc trực thăng thứ hai cũng hư hại do hỏa lực, nhưng đã hạ cánh thành công và sơ tán đội đặc biệt, vốn đã bị tổn thất.

Chiếc Mi-8 thứ ba bay trên không, yểm trợ đồng đội và cũng bị hư hại nặng. Hai chiếc trực thăng tấn công Mi-24 bay tới tăng cường đã làm suy yếu đáng kể hàng ngũ chiến binh bằng các tên lửa không điều khiển. Tuy nhiên, một chiếc "Cá sấu" bị bắn hạ, đội bay thiệt mạng.

Vào sáng ngày 14 tháng 12, máy bay cường kích Su-25 đã «xử lý» khu vực bằng hỏa lực mạnh. Khi tiếng súng từ mặt đất bắt đầu lắng xuống, ba chiếc trực thăng đã đến khu vực tìm kiếm.

Một chiếc Mi-8 dưới sự yểm trợ của hai chiếc còn lại bay lơ lửng trong rừng, ném dây xuống cho Sergey Borisyuk và kéo anh lên. Phi công đã được giải cứu, nhưng trong hai ngày của chiến dịch, năm người lính Nga đã hy sinh. Hàng chục phiến quân bị tiêu diệt.

Làm thế nào để cứu các phi công bị bắn hạ trên lãnh thổ đối phương? - Ảnh 1.

Cuộc xung đột Chechnya năm 1994-1996. Ảnh: Sputnik

Giải cứu trong… vườn

Vào ngày 9 tháng 8 năm 2008, trong cuộc xung đột ở Nam Ossetia, phi công giàu kinh nghiệm, trung đoàn trưởng không quân cường kích, đại tá Sergey Kobylash đã đích thân chỉ huy cuộc tấn công của nhóm máy bay Su-25SM vào đoàn xe bọc thép Gruzia ở phía nam thành phố Tskhinval — thủ đô N am Ossetia.

Khi thoát ra khỏi cuộc oanh tạc, động cơ bên trái của máy bay Kobylash đã trúng một quả tên lửa phòng không di động (MANPADS). Anh bay ra khỏi trận chiến về hướng sân bay, nhưng quả tên lửa thứ hai đã đuổi kịp bắn vào động cơ bên phải. Phi công đã cố gắng đưa chiếc máy bay đang cháy ra khoảng cách xa nhất có thể từ Tskhinvali và nhảy dù.

Làm thế nào để cứu các phi công bị bắn hạ trên lãnh thổ đối phương? - Ảnh 2.

Máy bay Su-25SM. Ảnh: Sputnik

Sergey Kobylash hạ xuống trong một khu vườn gần một tòa nhà dân cư trong ngôi làng nhỏ. Chủ nhà người Gruzia đã cao tuổi không báo cho quân đội nước mình về người sĩ quan Nga, đưa nước cho anh và giải thích làm thế nào để đến làng Ossetia gần nhất.

Trên đường đi phi công liên tục gọi cứu hộ trên máy phát radio. Ngay khi trực thăng cứu hộ Mi-8 đến gần, các quân nhân Gruzia ở gần đó đã bắn vào máy bay bằng súng máy. Tuy nhiên họ đã hạ cánh và đưa phi công lên. Hiện tại thiếu tướng Sergei Kobylash là chỉ huy trưởng lực lượng Hàng không tầm xa của Không quân Nga.

Làm thế nào để cứu các phi công bị bắn hạ trên lãnh thổ đối phương? - Ảnh 3.

Thiếu tướng Sergei Kobylash là chỉ huy trưởng lực lượng Hàng không tầm xa của Không quân Nga. Ảnh: Sputnik

Trợ giúp đồng minh

Ngày 24 tháng 11 năm 2015, gần biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, máy bay chiến đấu F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay ném bom tiền tuyến Su-24M của Nga. Đội bay đã kịp thông báo về cuộc tấn công và nhẩy dù.

Phi công, trung tá Oleg Peshkov, đã bị các chiến binh bắn chết từ mặt đất. Nhân viên dẫn đường, thiếu tá Konstantin Murakhtin, may mắn hơn: anh đáp tiếp đất xuống sườn dốc đối diện ngọn núi, che chắn anh trước hỏa lực địch. Người sĩ quan kịp ẩn vào khu rừng, và anh kích hoạt đài tìm kiếm khẩn cấp.

Làm thế nào để cứu các phi công bị bắn hạ trên lãnh thổ đối phương? - Ảnh 4.

Mộ của phi công Su-24 Oleg Peshkov bị giết hại ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters

Hai chiếc Mi-8 với một đội lính thủy đánh bộ đã tới giải cứu, nhưng không thể đến đích, bị bắn rơi dưới hỏa lực mạnh. Một lính thủy đã thiệt mạng và một trong những chiếc Mi-8 phải hạ cánh khẩn cấp trên lãnh thổ trung lập. (Sau đó đội bay và lính thủy đánh bộ đã được các binh sĩ quân đội chính phủ Syria tiếp cứu)

Và Konstantin Murakhtin đã được cứu bởi một nhóm tìm kiếm khác được lập ra với sự thỏa thuận của chỉ huy Nga và tướng Iran Kasem Suleymani.

Một đội gồm 18 lính đặc nhiệm Syria và 8 thành viên phong trào Hezbollah đã xâm nhập vào vùng lãnh thổ do phiến quân kiểm soát.

Thiếu tá Murakhtin được tìm thấy trong rừng và đưa đến căn cứ không quân Khmeimim.

"Hy sinh bản thân, nhưng cứu thoát đồng đội!"

Để kết luận, chúng tôi dẫn lời bình luận của chuyên gia hàng không chiến đấu, phó tiến sỹ Khoa học quân sự, Đại tá không quân dự bị Makar Aksenenko, phi công trực thăng chiến đấu đã phục vụ ở Afghanistan và tại các điểm nóng khác:

"Tìm cứu các phi công bị bắn rơi không đơn giản chỉ là một trách vụ chuyên nghiệp.

Trong Quân đội Nga hoàng, Quân đội Liên Xô và Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga, điều này được coi là một nghĩa vụ thiêng liêng, phát sinh từ truyền thống giáo dục các sĩ quan Nga, từ lời dạy của Alexander Suvorov, vị tướng Nga vĩ đại trong thế kỷ 18: "Hy sinh bản thân để cứu đồng đội".

Do đó việc này đã, đang và sẽ được thực hiện. Và những người trong đội cứu hộ tiếp tục bay đến "địa ngục" và kéo đồng đội ra khỏi đó.

Ngay cả có thể hy sinh, thậm chí phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Không phải vì sự nghiệp, giải thưởng, hay cá nhân ai đó, mà vì lợi ích của nước mẹ — Nga! Đó là mã di truyền của chúng ta không bao giờ có thể bị xóa nhòa!"

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại