Lạm phát lập kỷ lục ở Mỹ, áp lực đè nặng lên ông Biden

Minh Đức |

Tổng thống Biden phản bác những lời chỉ trích rằng chính quyền của ông đã làm trầm trọng thêm lạm phát bằng cách quá hào phóng với việc phân bổ viện trợ chính phủ.

Lạm phát tháng 5 ở Mỹ đã đạt mức cao mới trong vòng 40 năm, gây thêm áp lực lên Tổng thống Joe Biden khi người Mỹ phải vật lộn với giá cả cao hơn tại các trạm xăng dầu bán lẻ và cửa hàng tạp hóa.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 10/6 cho thấy. Thước đo lạm phát được theo dõi rộng rãi đã tăng 1% so với một tháng trước đó, vượt tất cả các ước tính. Giá thuê nhà, thực phẩm và xăng dầu đóng góp lớn nhất vào mức tăng này.

"Tôi hiểu người Mỹ đang lo lắng, và có lý do chính đáng (để lo lắng)", ông Biden nói trong chuyến thăm tới Cảng Los Angeles ở California hôm 10/6.

Dữ liệu trên được công bố trước khi Fed dự kiến tiến hành đợt nâng lãi suất 0,5% lần thứ hai vào tuần tới. Trước đó, Ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất thêm 0,5% lên phạm vi mục tiêu 0,75 đến 1% hồi tháng 5.

Ông Biden tiếp tục kêu gọi Quốc hội thông qua một dự luật sẽ giúp giải phóng các nút thắt trong chuỗi cung ứng, vốn được ông cho là chìa khóa để chống lại lạm phát. Ông nói, người Mỹ hoàn toàn hiểu rõ về chuỗi cung ứng.

Tổng thống Biden đồng thời cũng phản bác những lời chỉ trích từ Đảng Cộng hòa rằng chính quyền của ông đã làm trầm trọng thêm lạm phát bằng cách quá hào phóng với việc phân bổ viện trợ chính phủ.

Ông chủ Nhà Trắng cũng cho rằng việc Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine là nguyên nhân dẫn đến chi phí xăng dầu tăng vọt. Ông Biden đồng thời cũng nhấn mạnh rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để cắt giảm lạm phát cơ bản.

 Lạm phát lập kỷ lục ở Mỹ, áp lực đè nặng lên ông Biden  - Ảnh 1.

Một cuộc thăm dò mới do The Washington Post thực hiện cho thấy, 2/3 người Mỹ dự đoán lạm phát sẽ tồi tệ hơn trong những tháng tới. Ảnh: New York Times

Giá xăng dầu tăng kỷ lục và các yếu tố địa chính trị có nguy cơ giữ lạm phát ở mức cao trong những tháng tới. Điều này có thể buộc Fed phải “hãm phanh” nền kinh tế trong thời gian dài hơn.

Và 2/3 người Mỹ dự đoán lạm phát sẽ tồi tệ hơn trong những tháng tới, một cuộc thăm dò mới do The Washington Post thực hiện cho thấy.

Phát biểu trước các thượng nghị sĩ Mỹ vào đầu tuần này, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã hối thúc Quốc hội ban hành mức thuế cao hơn đối với người giàu và đầu tư nhiều hơn vào các nguồn năng lượng tái tạo, điều mà bà cho rằng có thể xoa dịu giá xăng dầu vốn đang tăng vọt.

“Tôi tin rằng Quốc hội có thể làm rất nhiều điều để giảm bớt gánh nặng chi phí mà các hộ gia đình đang gặp phải”, bà Yellen nói.

Trong 12 tháng tính đến tháng 5/2022, CPI của Mỹ đã tăng 8,6% sau khi tăng 8,3% vào tháng 4. Các nhà kinh tế từng hy vọng rằng tỉ lệ CPI hàng năm hồi tháng 4 đã là đỉnh, nhưng thực tế là con số tháng 5 còn đáng quan ngại hơn.

Lạm phát cơ bản cũng mạnh không kém trong tháng 5 khi giá thuê nhà và giá vé máy bay duy trì đà tăng.

Nếu loại trừ các yếu tố dễ biến động, gồm thực phẩm và năng lượng, CPI đã tăng 0,6% sau khi tăng cùng biên độ vào tháng 4.

Cái gọi là CPI lõi đã tăng 6% trong 12 tháng tính đến tháng 5/2022. Điều đó theo sau mức tăng 6,2% trong tháng 4. Xét trên mọi góc độ, lạm phát ở Mỹ hiện đã vượt xa mục tiêu 2% mà Fed đặt ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại